Đền thờ Nguyễn Trãi giữa mây núi Côn Sơn
|
Đặt chân qua từng bậc đá phẳng lì vào thăm Đền thờ Nguyễn Trãi (1380-1442) trên núi Ngũ Nhạc (xã Cộng Hòa, Chí Linh, Hải Dương), tôi mơ hồ như gặp tiền nhân trong một sáng Côn Sơn đẹp trời…
Khí phách Côn Sơn
Thuở còn cắp sách đến trường, tôi đã từng lắng lòng qua những áng thơ bất hủ của Nguyễn Trãi – Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Để rồi hôm nay, sau gần sáu thế kỷ người Anh hùng đã về với tổ tiên, tôi mới được về thăm vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nguồn cội đã hun đúc cốt cách, tâm hồn và khí phách một Nguyễn Trãi.
Đền thờ Nguyễn Trãi nằm trong cụm Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc là một trong 23 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Đền thờ Nguyễn Trãi được khánh thành vào tháng 9-2002, trên khuôn viên rộng gần 10.000m2, tại chân núi Ngũ Nhạc, nằm trong khu vực Thanh Hư Động và gần nơi ngày xưa có đền thờ bà Trần Thị Thái (thân mẫu của Nguyễn Trãi). Phía bên phải là dòng suối Côn Sơn chảy từ Bắc xuống Nam, uốn lượn từ phải qua trái, ôm lấy khu đền. Toàn bộ kiến trúc công trình gồm: Đền thờ chính, hai nhà Tả vu và Hữu vu, Nghi môn Nội, Nghi môn Ngoại, Nhà Bia, Am hóa vàng, cầu vào cổng chính, cầu qua suối Côn Sơn theo kiểu thượng gia hạ kiều để dẫn lên Thạch Bàn, nhà từ đền, hệ thống sân vườn, đường cấp thoát nước… Đền thờ Nguyễn Trãi được công nhận di tích nghệ thuật kiến trúc năm 2003.
Giữa ngôi đền chính đặt tượng Nguyễn Trãi bằng đồng cao 1,4m, nặng 600kg, tựa lưng vào Tổ Sơn, hai bên tì vào hai dãy núi Ngũ Nhạc và Kỳ Lân là tả Thanh Long và hữu Bạch Hổ. Phía trước có hồ nước rộng, tiếp theo là núi Trúc Thôn đối diện với núi Phượng Hoàng. Xa xa là dãy núi An Lạc đã tạo thế núi lớp lớp điệp trùng rất uy nghi và hùng vĩ. Đền thờ Nguyễn Trãi là công trình kiến trúc theo truyền thống và rất độc đáo; kinh phí đầu tư lớn cùng với những người có tâm đức, các nghệ nhân và những người thợ khéo tay, cần mẫn lao động hơn 2.500 ngày để có được công trình hôm nay, đáp ứng nhu cầu du lịch gắn với lịch sử và tâm linh của các thế hệ mai sau… Trên hai vách tường đá dẫn lên khu đền chính lưu lại các bút tích của nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam khi về viếng Đền Nguyễn Trãi. Đó là bút tích của nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết…
Hồn thơ ngân vọng
Một góc công trình Đền thờ Nguyễn Trãi |
Nguyễn Trãi là người tài đức, dốc lòng dốc sức phò vua giúp nước và sống cuộc đời thanh bạch, nhưng đã bị gian tà “xằng tấu” phải chịu án oan. Đã gần sáu thế kỷ đi qua (từ ngày vụ án “Lệ chi viên” phán quyết), nhưng nỗi oan khiên như vẫn còn lẫn khuất đâu đó giữa sông, núi, mây ngàn Chí Linh. Thẩn thơ đi giữa núi rừng Côn Sơn, tôi như nghe hồn thơ Nguyễn Trãi thì thầm trong tiếng nước suối róc rách và tiếng gió thông reo thì thầm. Với Nguyễn Trãi, tình yêu quê hương nguồn cội, thiên nhiên đất nước, con người với những khát vọng lớn lao và những tâm tư u uất hòa quyện như máu thịt ông. Trong thơ Nguyễn Trãi, chúng ta thường bắt gặp tâm trạng ưu tư vì nước, vì dân và day dứt với trách nhiệm của một kẻ sĩ yêu nước trước sự xâm lược của ngoại bang. Đây chính là điểm sáng ngời trong tâm hồn Nguyễn Trãi: Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông – (Thuật hứng 5). Đó là nỗi nhớ day dứt trong những năm tháng xa quê tìm đường cứu nước: Cố sơn tạc dạ triền thanh mộng/ Nguyệt mãn Bình Than tửu mãn thuyền – (Mạn hứng). Và, có khi đó cũng là tình cảm thân thiết của ông đối với quê cũ, ngày trở về Côn Sơn ở ẩn: Côn Sơn suối chảy rì rầm/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai – (Côn Sơn ca).
Nguyễn Trãi đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị; về quân sự và chính trị có Quân trung từ mệnh tập gồm những thư từ do ông viết trong việc giao thiệp với quân Minh. Các thư này là những tài liệu cụ thể chứng minh đường lối ngoại giao hết sức khéo léo của Lê Lợi và Nguyễn Trãi làm cho quân Lam Sơn không mất xương máu mà hạ được rất nhiều thành. Bình Ngô đại cáo là áng “thiên cổ hùng văn” trong lịch sử kháng chiến 10 năm chống quân Minh và mở ra một kỷ nguyên mới cho nước nhà… Về lục sử có Lam Sơn thực lục là cuốn sử về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và Dư địa chí viết về địa lý nước ta lúc bấy giờ; về văn học, Nguyễn Trãi có Ức Trai thi tập, Quốc Âm thi tập…
Khi tìm đến với Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, bằng tài mưu lược của mình, Nguyễn Trãi đã giúp Lê Lợi vượt qua bao nhiêu khó khăn, thử thách để lãnh đạo nghĩa quân suốt 10 năm ròng kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Kế sách của Nguyễn Trãi “không nói đánh thành và đánh vào lòng người”; điều trước tiên của “việc nhân nghĩa” là “cốt ở yên dân”. Đây là bước phát triển tư tưởng “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” của Trần Quốc Tuấn, sau này được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và hoàn thiện tư tưởng “nước lấy dân làm gốc”. Đây cũng là di sản quý giá mà Nguyễn Trãi đã để lại cho đời sau…
Bài, ảnh: Thanh DƯơng hồng
Bình luận (0)