Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Phóng viên Báo Giáo dục TP.HCM: Vui buồn với nghề trên mỗi dặm đường

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Võ Văn Thưởng – Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM (thứ 6 từ trái sang) trao Giải báo chí TP.HCM năm 2014 cho phóng viên các báo đài sáng 19-6, trong đó phóng viên Báo Giáo dục TP.HCM đoạt 2 giải. Ảnh:Hoàng Chí Hùng
21-6, Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Chúng tôi vẫn hay gọi đùa rằng đây là ngày “giỗ tổ” của những người làm báo. Đó là ngày để cánh phóng viên chúng tôi ngồi bàn luận về nghề, về những niềm vui, nỗi buồn, những được và mất khi dấn thân vào cái nghề được cho là nhiều “quyền lực” nhưng cũng lắm “nguy hiểm” này. Giáo dục TP.HCM xin chia sẻ cùng độc giả của báo những vui – buồn lắng đọng sau một năm “tác chiến” trên các vùng miền của các phóng viên nhân ngày của nghề báo. 
Nhà báo Nghiêm Huê (thường trú Văn phòng Hà Nội): Phóng viên thường trú “sướng” nhưng buồn

Nhà báo Nghiêm Huê
Những ngày này, có lẽ “tâm trạng” nhất là những phóng viên thường trú như tôi. Công nhận, phóng viên thường trú cũng có cái “sướng” riêng. Người ta vẫn nói “gần mặt trời rát mặt” nên càng xa “mặt trời” càng ít “nhiệt”. Không phải họp, đó là cái sướng đầu tiên. Sướng thứ hai là ít bị “tổng xỉ vả”. Nếu có sai sót hoặc chậm nộp bài, chả nhẽ biên tập, thư ký tòa soạn “vác máy” lên la, vừa mất công, vừa mất thời gian, lại biết đâu phóng viên đang bận họp không nghe được máy, thế là “cục tức” lại bị nuốt vào trong. Do vậy nên nếu có sai sót, các phóng viên “tại chỗ” sẽ phải “hứng hộ” các phóng viên thường trú trước. Một cái sướng nữa đó là phóng viên thường trú không bị “quản” thời gian hành chính. Hơn nữa, với văn phòng tại gia như tôi không có lý do gì để “sếp” phải càm ràm sao đi muộn về sớm. Riêng về điều này cũng đã khiến nhiều phóng viên tại chỗ muốn làm phóng viên thường trú.
Tuy nhiên, có lẽ với phóng viên thường trú như tôi thì cũng buồn không ít. Buồn nhất là những ngày lễ tết. Khi tất cả các phóng viên khác đều được quây quần bên bạn bè trong tòa soạn thì tôi, không có nơi nào để đi ngoài về nhà. Không được nghe tiếng cười của đồng nghiệp trong cơ quan, không có dịp tụ tập, đàn đúm, không được sống trong môi trường tập thể. Mỗi năm, nếu thu xếp được, tôi có thể gặp đồng nghiệp trong cơ quan một lần. Nhưng như thế, tôi vẫn thấy mình nằm ngoài guồng quay của cơ quan, vì tôi không biết gì hoạt động của các đồng nghiệp, tôi là người “ngoài cuộc”.
Nhà báo Phan Ngọc Quang: Duyên nợ giữa giáo dục và báo chí

Nhà báo Phan Ngọc Quang
Tôi bắt đầu tập làm báo khi mình còn là một giáo viên đứng trên bục giảng trường sư phạm. Hồi đó chỉ cần được có tên sau mỗi bài báo nhỏ cũng đã là niềm vinh dự lớn đối với một cộng tác viên không chính thức như tôi. Thời kỳ khó khăn giáo viên phải làm thêm đủ nghề nhưng làm thêm bằng nghề viết báo thì không phải ai cũng “cầu được ước thấy”. Trong nhà sắm thêm được chiếc xe đạp, đài bán dẫn hay sau này là chiếc ti vi cũng đều từ tiền nhuận bút mà có. Cái hay của cộng tác viên là không bao giờ bị áp lực về bài vở. Thích thì lấy giấy bút ra viết không thích thì ngồi soạn giáo án hay làm việc khác như chăm heo, trồng rau hay làm các loại đồ thủ công. Thế nhưng do sống giữa đời thực nên bài viết luôn phong phú về đề tài và tư liệu thì ngồn ngộn chất liệu cuộc sống. Đây cũng là thời kỳ báo chí tổ chức nhiều cuộc thi nên cộng tác viên tha hồ “múa bút”. Có cuộc thi chỉ gửi 1, 2 tác phẩm nhưng có cuộc thi gửi cả chục tác phẩm. Có lẽ đây là động lực mạnh mẽ nhất đối với những cây bút không chuyên. Bút lực càng sung mãn hơn khi sau đó có tác phẩm đoạt giải hay lọt vào vòng chung kết. Những lúc đó cộng tác viên cũng được coi như một nghề kiếm sống của những người làm báo nghiệp dư. Niềm vui của họ là khi được mọi người tôn vinh như một nhà báo thực thụ.
Thế nhưng có một điều lạ là những đề tài tôi chọn viết cho các báo không hề dính dáng gì đến chuyện dạy học mà chủ yếu là mảng xã hội và văn hóa văn nghệ. Bắt đầu là những tiểu phẩm hoặc những cảm nhận về các ca khúc, vở kịch hay một bộ phim để rồi sau đó tôi tập “nhảy” sang thể loại “khó nuốt” hơn như ghi chép, phóng sự và cả điều tra. Một giải thưởng khiêm tốn trong cuộc thi viết phóng sự, điều tra do Báo Văn nghệ trẻ tổ chức đã trang bị cho tôi thêm “vũ khí kinh nghiệm và áo giáp tinh thần” để được đứng vào đội ngũ làm báo vững vàng hơn. Tôi cũng không ngờ lòng say mê và tinh thần tự học đã trở thành “lá bùa hộ mệnh” giúp cho ngọn bút xông pha của mình thêm cứng cáp.
Đến khi trở thành phóng viên chính thức của Báo Giáo dục TP.HCM tôi mới nhìn thấy rõ chân trời sáng tác, tất cả mênh mông và rộng mở. Lại một lần nữa, nghề dạy học đã cho tôi có thêm điểm cộng khi đi sâu vào lĩnh vực giáo dục. Cũng ở mảng giáo dục và nhà trường thân quen, tôi như được trở về với môi trường dạy học mà trước đây mình đã từng gắn bó. Bên cạnh đồng nghiệp báo chí, tôi còn có thêm đồng nghiệp là các nhà giáo dù không đứng chung một bục giảng. Những câu chuyện về quản lý giáo dục hay những bài học về công tác chủ nhiệm không chỉ là đề tài quen thuộc mà còn là “chất xúc tác” để tôi viết nên những bài báo có giá trị hiện thực hơn. Đặc biệt hơn là những tiết sinh hoạt chuyên môn dự giờ thao giảng tại các trường khi được mời xuống tham dự. Dù là một phóng viên đang tác nghiệp nhưng tôi vẫn tìm được tiếng nói chung với các giáo viên bộ môn và cả từng đối tượng học sinh. Thích thú nhất là khi được xuống cơ sở dự một tiết học văn, sử, địa và cả toán, lý, hóa. Vừa tư cách là nhà báo lại vừa “vào vai” học sinh và cả giáo viên nên có biết bao cảm xúc hòa lẫn trong một tiết học 45 phút. Vốn trước đây là một học sinh chuyên toán nên tôi đã “to gan” dự luôn những tiết học của các bộ môn khoa học tự nhiên. Chính nhờ sự “liều mạng” đó mà tôi đã “tiệm cận” được với sự đổi mới phương pháp giảng dạy của các bộ môn, có thêm cơ hội nhìn thấy rất rõ cơn gió đổi mới căn bản và toàn diện mà ngành GD-ĐT đang hướng đến.
Không chỉ là duyên nợ chung, đối với bản thân tôi còn là duyên nợ riêng với cuộc đời mình. Đó cũng chính là thuận lợi và cả những thử thách với các phóng viên và cộng tác viên đang cày xới thâm canh trên mảnh ruộng “vì sự nghiệp trăm năm trồng người” này.
Nhà báo Phan Vĩnh Yên (thường trú Văn phòng Đà Nẵng): Hạnh phúc sau mỗi chuyến đi

Nhà báo Phan Vĩnh Yên
Tôi không nghĩ mình rời xa nghề báo vào một ngày nào đó. Tôi yêu nghề bằng niềm đam mê khám phá những nơi tôi đặt chân đến, những thành quả thu về và sẻ chia nó cho nhiều người khác thông qua trang viết của mình. Mỗi chuyến đi, tôi may mắn được gặp nhiều hơn những cuộc đời. Có người gặp đôi ba lần, có người chỉ gặp một lần… Nhưng tất cả đọng lại đều là nụ cười và sự sẻ chia chân thành về chuyện đời, chuyện người. Sau mỗi chuyến đi trở về, tôi thường đem thành quả của mình so sánh với công việc đồng áng của cha tôi. Dù cầm cày hay cầm bút thì cả tôi và cha khi cày xong một thửa ruộng trên cánh đồng đất hay cánh đồng chữ nghĩa đều có chung niềm ước mơ, hi vọng về một vụ mùa bội thu. Hiển nhiên ai cũng hiểu rằng, để gặt hái được cái thành quả ấy cũng lắm công phu. Ví như một mảnh đất ở cái xứ miền Trung đầy nắng gió khắc nghiệt này, muốn có cây lúa lên xanh, cha tôi phải nhọc công cày, bừa, đập, nện đến năm lượt mới gieo vào lòng đất được hạt lúa giống, rồi tỉ mẩn chăm nom, một nắng hai sương, khấp khởi mừng, khấp khởi lo đến ba tháng trời ròng rã sau mới có được hạt thóc thu về. Mỗi lần ngồi trước máy tính chuẩn bị viết bài, việc đầu tiên tôi nghĩ tới cha với sự nhọc công gieo trồng đó, tự nhắc mình cẩn trọng trong mỗi đề tài, mỗi vấn đề mình tiếp cận. Rồi cũng trở trăn, cũng ngụp lặn, chới với, khổ đau, hoặc hi vọng… với từng mảnh đời mình gặp gỡ để phản ánh một cách chân thực, khách quan nhất những gì mình chứng kiến và cảm nghiệm.
Nghề báo dĩ nhiên không phải là một nghề dễ dàng, nếu không muốn nói là nghề có nhiều nguy hiểm. Người làm báo ngoài tố chất nhanh, nhạy, biết chắt lọc thông tin, lượm lặt những chi tiết đắt cho một đề tài còn đòi hỏi một chút… liều, không ngại khó, không sợ khổ. Đối với phóng viên vùng miền, nhiều khi phải “ôm” một lúc nhiều mảng, đi nhiều hơn và xa hơn một chút. Hiển nhiên, nếu không liên tục “vận động” thì mình bị bỏ lại sau những sự kiện thời sự, thậm chí tự mình bỏ rơi chính mình trước sự vận động liên tục của cuộc sống. Việc đi xa, đặc biệt là ở vùng đất lắm núi, nhiều biển và mênh mông đồng bằng với địa hình hiểm trở như miền Trung thì cái việc đi không phải dễ, có nhiều chuyến đi, nhuận bút cho bài viết chưa bằng tiền… đổ xăng! Khi đó chỉ có lòng yêu nghề, đam mê nghề mới trụ lại được với nghề. Niềm vui của tôi nằm ở trên từng chặng đường mình đi qua, đã gặp gỡ và sẻ chia niềm vui, nỗi buồn với những mảnh đời mình có cơ duyên gặp gỡ. Và tôi hạnh phúc khi ngày trở lại chứng kiến sự đổi thay nơi mình từng đến. Tôi vui với niềm vui của lũ học trò ở các miền quê nghèo: Niềm vui ngày khánh thành ngôi trường mới, tay xoa xoa, hít hà mùi sơn vữa chưa kịp bay xa; vui với niềm háo hức ngày khai giảng năm học mới được mặc bộ áo quần đẹp nhất trong năm và tập vở sách mới toanh – Niềm vui rất đỗi bình thường với các học trò ở phố nhưng hiếm hoi và xa xỉ với lũ trẻ quê nghèo!
Nhà báo Trần Trọng Tri: Rượu và chuyện nghề

Nhà báo Trần Trọng Tri

Từ khi còn làm công tác Đoàn, giáo dục viên trung tâm cai nghiện rồi đến làm báo “tự do”, tôi đã ngược xuôi nhiều nơi. Với tôi, không có chuyến đi nào giống chuyến đi nào, sự trải nghiệm cũng thế.
Đến nhiều vùng miền, hiểu khá cặn kẽ về văn hóa, lối sống… của người dân địa phương nhưng mỗi lần đặt chân đến tỉnh, thành nào đó của miền Tây Nam bộ, dù rất đỗi thân quen nhưng cảm giác như lần đầu tiên đặt chân đến. Có lẽ, ở nơi ấy còn có nhiều thứ mình chưa thể khám phá hết?
Cách đây chưa lâu, sau chuyến thực tế cùng đồng nghiệp, chúng tôi ghé nhà một ông anh ở Măng Thít – Vĩnh Long ăn giỗ. Đến nơi đã gần 21 giờ, bàn tiệc đã bày xong, anh em lai rai với rượu chuối hột Phú Lễ. Từng chai rượu cạn cũng là lúc con nước lên, tràn qua bờ đắp, đổ vào sân nhà rồi chảy ra sau vườn. Nước lớn nhanh như nước lụt gặp mưa dầm ở miền Trung mà tôi từng chứng kiến. Ban đầu thì ai cũng tỏ ra thích thú khi ngồi ở hiên nhà vừa lai rai vừa nhìn con nước lớn. Người dân ở đây cũng đã quen và xem đó là chuyện bình thường, không chút lo lắng và dĩ nhiên không thích cũng phải thích. Nhưng cái thích thú ấy trong tôi không còn nữa, thay vào đó là một nỗi niềm… không biết tỏ cùng ai. Khi đi vệ sinh, nước chỉ ngang mắt cá chân nhưng vài phút sau thì tiếng nước đổ xuống ao càng lúc càng ầm ào. Chết thật, tôi có cảm giác như nước sẽ cuốn chiếc cầu cá kia đi, tất nhiên cả tôi nữa. Sau này, cũng trên bàn nhậu, tôi có hỏi vui “chiến hữu”: “Có khi nào mấy anh phải vừa “đi” vừa “cầu” không?”. Một anh nhanh miệng đáp rằng: “…là đi cầu” nhưng không phải, là cầu mong không có chuyện gì xảy ra. Đoạn trở vào mới gay, nước đã lên cao tới đầu gối, đường đi lại trơn trượt, nếu không may bị sẩy chân, kêu cứu thì chẳng ai nghe vì xa, tiếng nước chảy ầm ào toan chiếm không gian. Tôi dò dẫm từng bước chân, bấu víu từng đọt cây, cỏ còn nhô lên mặt nước rồi cũng vào đến sân, thở phào nhẹ nhõm. Ngẫm lại, tình huống này là sự trải nghiệm thú vị nhưng không kém phần hồi hộp qua chuyến đi.
Một chuyện dở khóc dở cười khác xảy ra trong lần thứ hai chúng tôi trở lại huyện miền núi Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Đó là chuyến thực tế viết bài về nạn tảo hôn của đồng bào người Raglay. Được một anh công tác tại Huyện đoàn tình nguyện đưa về các xã, gặp gỡ các bà mẹ tuổi 15, 16. Sau gần một ngày ngược xuôi từ bản làng đến nương rẫy, tôi cũng đã thu thập được tư liệu khá đầy đủ. Trời nhá nhem tối, đường sá đi lại khó khăn nên chúng tôi quyết định ở nhờ nhà dân qua đêm. Gia chủ là một thanh niên 26 tuổi nhưng có đến 5 con, đứa lớn nhất 10 tuổi, đứa nhỏ 6 tháng. Anh tỏ ra hiếu khách, sai đứa con đi mua rượu chiêu đãi. Chúng tôi đưa tiền, nhất quyết anh không nhận mà khoe: “Mới bán được rẫy bắp, cũng có tiền” và lệnh cho cô vợ làm thịt con gà. Được biết anh là người Kinh hiếm hoi lên đây lấy vợ và lập nghiệp. Sau vài ly vẫn vui vẻ nhưng không biết chuyện chi đã xảy ra, gia chủ giật giọng đuổi chúng tôi ra khỏi nhà và hô hoán hàng xóm. Sau đó mới biết khi chúng tôi đang chuyện trò, anh ta sang nhà hàng xóm mời “chiến hữu” sang uống rượu thì được người đó nói rằng chúng tôi là những người đi tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình nên… đuổi. Dù cố gắng giải thích, một vài người hiểu chuyện cũng ra sức can ngăn nhưng gia chủ càng “căng” hơn. Lúc ấy đã 9 giờ đêm, ngoài trời tối om, chúng tôi phải đèo nhau hơn 20km về trung tâm huyện tìm nhà trọ ngủ qua đêm. Trên đường về, anh em không nhịn được cười vì câu nói: “Vợ của tao, tao bắt nó đẻ, mắc gì tụi bây mà nói hoài”. Sáng sớm, ra quán hủ tiếu dọc đường, thấy một cô gái trẻ đang bụng mang dạ chửa, anh cán bộ Huyện đoàn khều tôi: “Vợ của tao, tao bắt nó đẻ, mắc gì tụi bây mà nói hoài”. Cả hai cùng cười như hai gã điên, cũng may không ai bị sặc vì hủ tiếu lên… mũi.

Bình luận (0)