Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Xóm Chì

Tạp Chí Giáo Dục

Con đường dẫn vào xóm Chì sau khi nước rút đi
Nằm đối diện chợ Phạm Thế Hiển (P.4, Q.8, TP.HCM), xóm Chì luôn đọng trong ký ức của nhiều người bởi vào những năm 1980, xóm này nổi tiếng với nghề nấu chì, mót chì. Từ đó, tên gọi “xóm Chì” ra đời và được mọi người truyền tai nhau một cách dung dị, thân quen như thế.
Nhà nhà nấu chì, người người nấu chì
Một chiều tháng 6, cơn mưa Sài Gòn nặng hạt khiến con đường dẫn vào xóm Chì lênh láng nước. Không khó để chúng tôi tìm ra con đường này bởi khi hỏi đến xóm Chì thì hầu hết người dân ở Q.8 ai cũng biết, mặc dù xóm nhỏ này đã được quy hoạch lại với tên gọi “lô 28”, thuộc khu phố 5, P.4.
Hiện nay, không còn ai làm nghề nấu chì, mót chì ở khu vực xóm Chì nữa. Một số người đã chuyển đi nơi khác để tiếp tục nghề này, số ở lại thì tìm kế sinh nhai khác. “Nhắc đến nghề nấu chì phải kể đến mấy anh em Năm Phát, Sáu Thăng, Bảy Giàu, Út Lũy. Hồi trước, mấy ổng là chủ các cơ sở nấu chì ở đây mà!” – ông Nguyễn Phan Việt, một người dân ở xóm Chì, cho biết.
Theo lời chỉ dẫn của ông Việt, chúng tôi đã tìm đến nhà của ông Sáu Thăng (tên thật là Trần Ngọc Sang). Khóe mắt đầy vết chân chim, ông Sáu Thăng lặng lẽ kể về những ngày cực khổ khi phải đi gom từng bình ắc quy phế thải rồi về gỡ chì ra để nấu lại. Cái nghèo, cái khổ đã đeo bám gia đình ông và những hộ dân ở đây suốt những năm tháng dài.
Từng là bộ đội đóng quân ở căn cứ TW Cục Miền Nam, sau khi xuất ngũ, ông Sáu Thăng trở về cuộc sống đời thường với bao nỗi lo toan cơm áo gạo tiền. Năm 1980, ông bắt đầu làm nghề nấu chì mặc dù biết nó độc hại. Khi chúng tôi hỏi ông vì sao biết là độc hại mà vẫn làm, ông trầm ngâm: “Tui biết chứ nhưng khổ quá. Thấy việc gì làm có tiền là ham thôi miễn nó không phạm pháp là tui làm hết trơn”. Trong xóm Chì ngày đó, những mảnh đời cơ cực như ông Sáu Thăng nhiều lắm. Vì cuộc mưu sinh, họ phải bám nghề nấu chì mặc cho chính quyền nhiều lần ngăn cấm. Khi cơ sở bị dẹp, họ dựng lại và tiếp tục nấu. “Gọi là cơ sở cho oai chứ đó chỉ là tấm bạt dựng trên một khoảnh đất hẹp với vài cái lò, bình ắc quy cũ, mấy chiếc cà mèn làm khuôn đổ chì… Muốn xây lò nấu chì đúng quy cách thì tui đào đâu ra tiền nên phải nhắm mắt nấu chì kiểu này” – ông Sáu Thăng nói rồi cười to, giọng Nam bộ chân chất.
Theo lời ông Sáu Thăng, ngày đó có khoảng 70% hộ dân ở đây sống bằng nghề nấu chì, mót chì. Khi ông hỏi có muốn xem đồ nghề nấu chì của ông ngày trước không, chúng tôi gật đầu liền. Dù đã giã từ nghề này bao nhiêu năm nhưng ông Sáu Thăng vẫn giữ lại chúng như để nhắc nhớ mình về những năm tháng đã qua. Thấy chúng tôi quan sát kỹ vỏ bình ắc quy và chiếc nồi nấu chì cũ kỹ, ông cười giòn tan: “Hồi đó nghèo, cực mà vui lắm. Khoảng 3-4 giờ chiều là xóm Chì rộn rã. Người ta hay nấu chì vào giờ đó vì trời mát mẻ. Ai may mắn mua được lô hàng nhiều thì có khi phải thức cả đêm để nấu đến rạng sáng mai mới xong mẻ chì cuối cùng”. Anh Lâm – một người cháu rể trong dòng họ ông Sáu Thăng cũng theo làm nghề này. Từ đó, anh Lâm được mọi người gắn cho tên gọi là Lâm “Chì”. Ban đầu, anh Lâm “Chì” đi mót chì, đãi chì ở khu vực cầu Chánh Hưng rồi dần dần mới mở cơ sở riêng để nấu ở nhà. Có lẽ vì cuộc mưu sinh mà nhiều người chưa nhận thức rõ về tác hại của nghề nấu chì nhưng thấy người ta làm được thì bắt chước. Thế nên mới có tình trạng nhà nhà nấu chì, người người nấu chì.
“Sát thủ” vô hình

Ông Sáu Thăng – một trong những người đầu tiên làm nghề nấu chì ở xóm Chì
Đến xóm Chì, chúng tôi nghe câu chuyện về những đứa trẻ không được phát triển lành lặn, đứa thì không được cất tiếng khóc chào đời. Dù không biết nguyên nhân cụ thể nhưng có người đồn rằng là do ảnh hưởng từ khói chì vì chì thường xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp rồi vào thẳng máu và một phần qua đường tiêu hóa vào ruột. Trong căn nhà nhỏ nằm tại xóm Chì, vợ ông Tư Lợi – một chủ cơ sở nấu chì trước đây – kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng ông dẫn người con trai đi nấu chì ở Củ Chi. Năm 2006, ông Tư Lợi qua đời vì một cơn tai biến. Cháu nội ông ra đời mang căn bệnh bại não. Cũng không ai biết nguyên nhân. Có người lại cho rằng chắc ngày trước con trai ông đi nấu chì rồi bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Cô con dâu bỏ đi khi đứa trẻ được 7 tháng tuổi. Thu nhập của gia đình giờ đây chỉ trông cậy vào nghề sơn nước của con trai. Vợ ông Tư Lợi nói trong nước mắt: “Nhìn thấy cháu nội như vậy là nước mắt tui chỉ chực chờ rơi xuống”. Câu chuyện buồn của gia đình ông Tư Lợi mà chúng tôi được nghe giống như vệt loang số phận của những gia đình có cùng cảnh ngộ.
Nghề nấu chì không còn tồn tại ở xóm Chì nữa nhưng mỗi khi nói đến xóm nhỏ này, người ta lại gọi với cái tên gần gũi như thế để gợi nhắc một quãng thời gian cơ cực nhưng đầy ắp nghĩa tình của xóm lao động nghèo nằm chênh vênh cạnh dòng kênh Đôi.
Hầu hết những gia đình làm nghề nấu chì, mót chì đều không có bất kỳ một thiết bị bảo hộ lao động nào. Những cơ sở nấu chì ở đây đều là tự phát, không có giấy phép của cơ quan chức năng. Nhiều phụ nữ khi mang thai nhưng vẫn phải tiếp xúc với khói chì, phải lặn dưới dòng kênh để đãi chì vì nếu không làm công việc này thì họ biết lấy gì để sống qua ngày.
Những cách phòng chống cơ bản nhất trong sản xuất và sử dụng chì vẫn còn chưa được người lao động coi trọng. Theo lời kể của ông Sáu Thăng: Lúc nấu chì, ai siêng lắm thì mang khẩu trang, đeo bao tay chứ làm gì có thiết bị bảo hộ lao động nào. Ai cẩn thận thì làm xong sẽ sát trùng tay chân bằng xà phòng chứ mấy ai để ý việc súc miệng, họng, răng sau mỗi lần nấu chì. Khi chính quyền vào cuộc, những cơ sở nấu chì lần lượt bị dẹp đi. Một phần cũng vì người dân đã dần nhận thức được tác hại của việc nấu chì tự phát. Năm 1992, ông Sáu Thăng bỏ nghề nấu chì để tìm một hướng đi khác phát triển kinh tế gia đình. Những người còn lại cũng chuyển đi vùng lân cận để nấu chì hoặc bỏ nghề…
Bài, ảnh: Yên Hà
 
Nhiễm độc chì rất nguy hiểm
Trao đổi với chúng tôi về tác hại của chì, TS. Huỳnh Công Khanh, Phó trưởng Khoa Công nghệ vật liệu (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), cảnh báo: “Nhiễm độc chì rất nguy hiểm vì độc tố không thể phát hiện bằng mùi vị, màu sắc. Hơn nữa, sự nhiễm độc không thể hiện tức thời mà dần dần phát triển do sự tích lũy chì trong cơ thể. Nhiễm độc chì có thể biểu hiện qua 3 giai đoạn: Thứ nhất, rối loạn tiêu hóa, thấy có dư vị kim loại, lợi răng cửa bị đen. Thứ hai, đau nhói ở bụng dưới, táo bón hoàn toàn, run tứ chi, thị lực giảm, huyết sắc tố trong máu giảm. Thứ ba, mắc bệnh thần kinh trung ương, yếu cơ bắp, đau thận, não”.

Bình luận (0)