Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

26 năm, nỗi đau chưa nguôi

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Thiều (thứ hai từ trái qua) cùng với bạn bè
Căn nhà cấp 4 mới xây của ông Phạm Văn My và bà Nguyễn Thị Bích nằm cuối con ngõ nhỏ của thôn Đông Hạ (xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Lâu rồi, căn nhà này chỉ có hai ông bà vào ra…
26 năm nay, kể từ ngày anh con trai duy nhất của ông bà – Thượng úy Phạm Văn Thiều hy sinh, ngôi nhà này đã vắng tiếng cười. Chỉ có những giọt nước mắt héo hon của người mẹ, người cha luôn mong ngóng một phép mầu là con trai bỗng nhiên được trở về.
Con sẽ cưới một cô gái ngoan, hiền
Sinh năm 1959, anh Thiều là con đầu của ông My và bà Bích. Dưới anh còn 3 cô em gái. Bà Bích cho biết anh rất hiền, ít nói lại học rất giỏi. Mơ ước của anh là được ra biển, được lênh đênh trên những con tàu vượt đại dương. Năm 1977, anh thi đỗ vào Trường ĐH Hàng hải. Đang học dở thì có lệnh gọi nhập ngũ, anh gác lại ước mơ, gia nhập quân đội và chiến đấu ở chiến trường biên giới phía Nam. Sau đó, anh được đơn vị cử đi học tiếp. Năm 1984, anh ra trường và vào công tác ở Lữ đoàn 125 (lữ đoàn vận tải biển) tại TP.HCM. Công tác xa nhà, thi thoảng anh mới được về thăm nhà.
Ông bà thương con nhưng vẫn chiều theo sự lựa chọn của con. Vì mải học hành, ham công tiếc việc nên dù đã gần 30 tuổi mà anh Thiều vẫn chưa lập gia đình. Kể về anh, bà Bích cho hay một ngày của tháng giêng năm 1988, nhân chuyến về lấy phụ tùng để sửa chữa lại tàu, anh Thiều tranh thủ tạt qua nhà thăm bố mẹ và các em. Khi đó anh đã “nửa kín nửa hở” về chuyện có người yêu, còn nói rằng “sắp cưới về cho bố mẹ một cô con dâu rất ngoan hiền và đảm đang”. 
Khi nghe con nói vậy, ông bà rất đỗi vui mừng và mong mỏi nhanh tới ngày con trai dẫn người yêu về ra mắt gia đình. Anh Thiều còn khoe mới được một người anh ở Hải Phòng cho mảnh đất nhỏ để khi nào lấy vợ sẽ làm nhà ở…
Kể đến đây, giọng bà Bích lạc đi khi nhắc về dự định chưa kịp hoàn thành của con trai. Thời gian đó, khu vực vùng biển Trường Sa đang rất căng thẳng, lực lượng Hải quân Việt Nam đưa 3 tàu vận tải ra xây chốt ở Trường Sa. Anh Thiều khi ấy là Thượng úy, thuyền phó. “Con tàu mà con trai tôi đi mang số hiệu HQ-604. Đây là một trong 3 con tàu bị Trung Quốc bắn chìm”, ông My nghẹn ngào nói. Ngày định mệnh 14-3-1988, anh Thiều ra đi và mãi nằm lại biển khơi, bố mẹ anh cũng chưa một lần được biết mặt người yêu của con. Trong nước mắt, ông My cho biết: “Tàu HQ-604 không phải là tàu do anh Thiều làm thuyền phó, khi đó tàu của anh đang hỏng phải sửa chữa. Ngay thời điểm đó, tàu HQ-604 có lệnh lên đường ra Hoàng Sa, nhưng do anh thuyền phó vắng mặt nên anh Thiều đi thay. Thuyền trưởng tàu HQ-604 khi đó là Vũ Phi Trừ”. Sáng hôm sau, khi trên đài phát thanh thông báo tàu bị bắn chìm, các anh hy sinh, bà Bích khóc ngất. Bà không thể tin nổi đứa con trai duy nhất của mình đã nằm lại vĩnh viễn ở biển khơi. Và lời hứa của anh với bố mẹ sẽ không bao giờ được thực hiện.
Đến nay, tất cả những gì từng thuộc về con trai, ông bà vẫn giữ nguyên vẹn, từ tấm bằng tốt nghiệp Trường ĐH Hàng hải, di ảnh anh chụp cùng đồng đội… Nó như là tài sản quý giá của ông bà.
Tri ân người đã mất

Bà Bích ngậm ngùi xem tấm bằng ĐH của con trai
26 năm đã qua, thời gian có thể chữa lành mọi vết thương. Nhưng những mất mát vẫn chưa thể nguôi ngoai. Do nhiều lý do mà phải 17 năm sau khi anh Thiều hy sinh, gia đình mới nhận được giấy chứng nhận Tổ quốc ghi công. Theo ông My, tất cả những người lính hy sinh trong trận chiến Gạc Ma năm xưa đều xứng đáng được phong tặng anh hùng.
Con trai mất, phải một thời gian dài sau đó, vợ chồng ông My mới lấy lại được tinh thần, cố gắng gạt nỗi đau qua một bên để chăm lo cho các con. Lương giáo viên, lương bộ đội ít ỏi (bà Bích là giáo viên tiểu học, còn ông My là bộ đội trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ – PV), ông bà chắt bóp để nuôi các con trưởng thành. Thế nhưng, khi các con đã yên bề gia thất, quay nhìn lại, ngôi nhà do tổ tiên để lại vẫn như xưa và ngày càng xuống cấp. Sức đã cạn, ông bà không thể có điều kiện tu sửa. Năm 2012, một số người bạn học cùng ĐH với anh Thiều đã tìm được địa chỉ về thăm ông bà. Họ đã quyên góp tiền để xây cho ông bà một ngôi nhà cấp 4 khang trang đẹp đẽ. Đó cũng là một cách để những người còn sống tri ân người đã khuất. Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông bà cũng không còn mong mỏi gì nhiều. Bà Bích cho biết ngày xưa, khi anh Thiều mới hy sinh, ông bà có nguyện vọng muốn được ra thăm nơi con đã ngã xuống. Nhưng vì đường đi quá xa, lại là đường biển nên ông bà không ra được. Đến bây giờ, khi tuổi đã cao thì lại càng không thể. Nhắc về anh Thiều, dường như trong mắt ông My anh vẫn chỉ là một đứa trẻ. Rằng “Thiều thế này, Thiều thế kia…”.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Đến nay, tất cả những gì từng thuộc về con trai, ông bà vẫn giữ nguyên vẹn, từ tấm bằng tốt nghiệp Trường ĐH Hàng hải, di ảnh anh chụp cùng đồng đội… Nó như là tài sản quý giá của ông bà. 
 

Bình luận (0)