Vỗ Hôm đang dạy lớp trẻ học khèn
|
Cuộc sống hiện đại với sự xâm nhập của các loại hình âm nhạc giải trí: video, karaoke… đã làm cho đa phần thế hệ thanh niên Vân Kiều, Pa Cô trên dãy Trường Sơn thuộc miền Tây Quảng Trị quên hẳn làn điệu của núi rừng có từ bao đời nay. Nhưng may thay, vẫn còn đó một người con Vân Kiều dành trọn trái tim mình cho âm nhạc truyền thống. Đó là nghệ nhân Vỗ Hôm, ở bản Prin C, xã A Dơi, Hướng Hóa, Quảng Trị.
Bắt “cái cây, tảng đá biết hát”
Bản Kợp, xã Húc Nghì (Đakrông) nằm sâu giữa rừng già, cách đường Hồ Chí Minh 10km, đường vào bản chỉ đủ đặt bàn chân người. Ngôi nhà sàn của Vỗ Hôm, nghệ nhân nổi tiếng về khả năng biểu diễn các loại nhạc của đồng bào dân tộc Vân Kiều ở miền Tây Quảng Trị ở ngay cạnh con đường dẫn vào trung tâm bản Kợp, phía trước là dòng suối quanh năm rì rào uốn lượn, và xa hơn nữa là đỉnh Ka Ưi cao vời vợi. Trong nhà Vỗ Hôm hầu như có đầy đủ các loại nhạc cụ của người Vân Kiều như sáo khui, Taril, Amam, đàn ống Pluơ, khèn bè, khèn môi…
Bên bếp lửa nhà sàn, trong men rượu cần mềm môi, Vỗ Hôm đãi khách bằng hết những làn điệu của người Vân Kiều quê ông. Nhẹ nhàng nâng cây sáo ngang mặt, những ngón tay nhẹ lướt trên thân sáo, thanh âm bỗng cất lên lúc dìu dặt lắng đọng tha thiết mời gọi, lúc du dương lan tỏa như gieo vào đêm sâu, đưa người nghe ngược dòng thời gian trở về thuở hồng hoang của núi rừng… Làn điệu Oát hòa cùng tiếng sáo Taril cất lên khi lần đầu trai gái hẹn hò tình tự; hay làn điệu Tà Oát kể về thân phận lứa đôi khi tình duyên trắc trở; làn điệu Sa Nớt và sáo khui để những người lớn tuổi nói về nhân tình thế thái; độc đáo nhất trong những làn điệu ấy là tiếng khèn Amam. Khèn là một đoạn thân trúc nhỏ, trên thân được khoan những lỗ như ống tiêu, dùng cho hai người – một nam và một nữ thổi. Tiếng khèn được ví như khúc dạo đầu ướm hỏi lòng nhau của những đôi trai gái tuổi dựng vợ, gả chồng… Nói như Vỗ Hôm, đó là nụ hôn của núi rừng mang hàm ý “thụ thụ bất thân” của những đôi trai gái tìm hiểu nhau.
Còn nhớ thuở xưa, người Vân Kiều thường thổi khèn vào những lúc hội xuân, tết lúa mới… Vỗ Hôm bộc bạch: “Các loại khèn này tuy được làm từ các vật liệu quen thuộc như tre nứa, gỗ, xương và sừng gia súc, hoặc sang hơn là bạc hay đồng… nhưng việc sử dụng chúng để tạo thành âm thanh, điệu nhạc có cung bậc để biểu lộ tình cảm con người là chuyện thật chẳng hề đơn giản. Nó đòi hỏi người sử dụng phải thực sự có năng khiếu, sự kiên trì và niềm đam mê”.
Chuyện Vỗ Hôm trở thành nghệ nhân biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống của người Vân Kiều thật tình cờ. Thời trai trẻ vì phải lòng cô sơn nữ thích ca hát nên ông đã âm thầm băng rừng, vượt suối tìm thầy học cách chế tác và biểu diễn các loại nhạc cụ để làm đẹp lòng người mình yêu. Ngày chàng trai Vỗ Hôm mang bên mình cây khèn Amam, khèn bè, sáo khui, đàn ống Pluơ trở về thì cô sơn nữ đã đi lấy chồng bên kia dãy núi Ka Ưi.
Mấy chục năm qua, dù đã yên bề gia thất nhưng mỗi khi chiều về Vỗ Hôm vẫn thường hướng mắt về ngọn núi Ka Ưi xa mờ, đắm mình trong làn điệu của cây khèn đã trở thành tri kỷ. Hình như ông đang thả hồn mình rong ruổi tìm về với những kỷ niệm đẹp của những tháng ngày tuổi trẻ hẹn hò, ước nguyện; hoặc tưởng như đang nhớ về mối tình dang dở như dòng suối bị chia đôi ngả trước lúc chảy về xuôi!
Đối với Vỗ Hôm, vì tình yêu mà ông đã lê bước chân mình trên khắp cánh rừng già, mỏm đá của đại ngàn Trường Sơn để “làm cái cây, tảng đá biết hát”. Cũng vì tình yêu mà ông đã trở thành nhịp cầu để gắn bó duyên nợ dài lâu với âm nhạc và các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình đến tận bây giờ.
Truyền lửa
Người giữ hồn của núi |
Năm nay, Vỗ Hôm đã bước qua tuổi 81. Cái chân leo dốc xem chừng đã mỏi nhưng ông vẫn miệt mài đi hết bản này sang bản khác để truyền nghề cho con em. Vỗ Hôm nói: “Là già làng, mình phải có trách nhiệm truyền cái hay, cái đẹp của tổ tiên lại cho con cháu”. Có nhiều chàng trai Vân Kiều khi tận mắt chứng kiến tài nghệ âm nhạc của Vỗ Hôm đã quyết tâm theo ông để học cho bằng được cách “làm cho cái cây biết hát”. Đến nay có gần 20 thanh niên từ các bản làng lân cận theo Vỗ Hôm học nghề. Trong đó có 5 người đã thành thạo tiếng khèn bè, sáo khui, đàn ống Pluơ…
Điều đó làm Vỗ Hôm vui lắm. Nhưng ông vẫn chưa làm được cái điều đau đáu bấy nay – đó là điệu khèn Amam vẫn chưa có nghệ nhân nối nghề. Ánh mắt của ông chợt buồn mông lung nhìn ra ngoài cửa sổ, ở đó những đứa trẻ Pa Kô đang tụ tập bám quanh xoáy mắt nhìn khách lạ.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nhiều loại nhạc cụ, nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa khó tránh khỏi bị mai một dần theo năm tháng. Nhưng người Vân Kiều ở miền Tây Quảng Trị cũng thật may mắn, vì dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ có một người không chỉ làm cho cái cây biết hát mà còn dành trọn cả cuộc đời để lưu giữ và phát huy giá trị của các loại nhạc cụ truyền thống, những làn điệu dân ca mượt mà và những hình thức lễ hội văn hóa độc đáo.
Chiều cuối năm ở bản thượng, gió từ chân dãy Ka Ưi mơn man hoàng hôn tím sẫm. Trong âm thanh vi vút của tiến khèn Amam có nhịp đập con tim cháy hết mình của già Vỗ Hôm. Biết đâu đấy! Mai này sẽ lại có những chàng trai như Vỗ Hôm ngày nào cũng vì tình duyên với nàng sơn nữ mà giữ được tiếng khèn Amam!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)