Trường học đồng thời là nơi ở của các cô giáo được dựng tạm bằng tre nứa
|
Cảm giác lần đầu tiên khi đặt chân đến bản Ro Ró 1 (xã A Vao, huyện Đakrông, Quảng Trị) như đang về thăm những bản làng vùng cao miền Tây Bắc, nơi mà đồng bào người Mông quanh năm sống chung với mây ngàn đá núi. Vẫn mái nhà sàn cheo leo sườn núi, bóng cô giáo vùng cao cặm cụi soạn giáo án bên ngọn đèn dầu tù mù hằn lên vách phên nứa. Một bên là núi đá, cây rừng. Bên kia là sự thiếu thốn, khó nghèo. Cô giáo và lũ học trò nơi đây được đặt ở giữa…
Từ Đông Hà, ngược Quốc lộ 9, theo nhánh Tây đường Hồ Chí Minh huyền thoại hơn 120km chúng tôi mới đặt chân đến được “thị tứ vàng” (thị tứ Tà Rụt, huyện Đakrông). Rồi từ trung tâm Tà Rụt, ngược đường rừng ngót 20km trên con đường đèo hun hút, thăm thẳm mới nhìn thấy trụ sở UBND xã A Vao đang mờ trong sương núi. Đường vào A Vao đã khó, từ đây lại phải tiếp tục cuốc bộ gần chục cây số nữa mới đến được bản Ro Ró 1.
Thương người “cắm bản”
Đã từng đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều cảnh khó khăn của những giáo viên cắm bản nhưng tôi thực sự ngỡ ngàng trước “công cuộc gieo chữ” có một không hai của những cô giáo tuổi đôi mươi đang đánh vật với rừng già. Trước mắt chúng tôi, Trường Tiểu học bản Ro Ró 1 là một mái lá tả tơi, trống toang hoác. Có lẽ sẽ rất khó nhận ra đây là trường học nếu không có tiếng ê a đọc bài của lũ trẻ và giọng trầm ấm của cô giáo đang giảng bài. Ánh nắng xế chiều chiếu xiên qua vách phên. Bên trong lớp học, tầm chục đứa học trò đen nhẻm đang nằm vắt vẻo trên những chiếc bàn xiêu vẹo, cũ kỹ, cất cao giọng theo nhịp thước gõ toong toong của cô giáo.
Đêm nơi miền sơn cước xuống rất nhanh. Trường học của học trò ban ngày trở thành nơi ở của các cô giáo cắm bản. Bữa cơm tối được dọn ra đãi khách vỏn vẹn có một dĩa rau rừng, bát nước muối thay nước mắm chấm rau với một tô canh mì tôm. Cô giáo Hương (23 tuổi) pha trò: “Mỗi tháng tụi em chỉ về trung tâm được một bữa để mua thức ăn nên ngày thường toàn phải ăn cơm chiến sĩ. Bữa cơm chiến sĩ tuy nghèo nhưng ăn rồi ấm cái bụng lắm”.
Ngày khổ một, đêm xuống các cô còn khổ gấp mười lần. Rừng núi âm u, tiếng gió rin rít đập vào vách phên nghe rờn rợn. Bên ngọn đèn dầu tù mù, mùi dầu hỏa theo sợi khói phả vào mặt mũi, 3 cô lại chia nhau cái giường rộng 1m rồi đặt lên đó 3 cái bàn xếp mini ọp ẹp để soạn giáo án. Nhưng đối với những “chiến sĩ” này, việc vận động con em đến trường trong ngày mưa mới thật là điều nan giải. Cô giáo Hương cho biết: “Ở Ro Ró 1, khó khăn nhất là đường sá đi lại vào mùa mưa rất khó nhọc, hễ mưa xuống là lớp học lại vắng tênh nên các cô phải thường xuyên đội mưa đến các gia đình để vận động các em đi học. Không những thế, do mỗi năm nhà trường chỉ cung cấp cho các em 2 cuốn vở, trong khi đó đời sống của bà con còn quá khó khăn nên nhiều em đến lớp giữa trời mưa làm sách vở bị ướt, thế là hôm sau phải đến lớp bằng tay không”.
Cụm trường Ro Ró là một điểm lẻ của Trường cấp I + II xã A Vao. Năm học 2009-2010, cả bản có 5 lớp do 5 cô giáo phụ trách. Bước vào năm học mới 2010-2011 này vẫn 5 lớp học nhưng chỉ còn lại 3 cô giáo vì 2 cô giáo của năm cũ sau khi lập gia đình đã chuyển đi nơi khác. Ở đây bậc tiểu học, ngoài 2 phòng học cấp 4, thì các cháu vẫn phải học ở mái lá trống toang hoác.
Cơn gió heo may hanh hao luồn qua tấm phên rách trong đêm khuya một ngày cuối năm, khiến cho mớ kí ức tưởng rêu phong phủ mờ bỗng dưng trỗi dậy sau giấc ngủ vùi. Giọng cô giáo Trần Thị Nghĩa trầm trầm thương cảm: “Nói ra ai cũng tưởng tụi em đang sáng tác chuyện cười, nhưng có lần một chàng trai sau khi làm quen và lặn lội vào bản để thăm chúng em, đến lúc quay trở về đã gọi nhầm bản Ro Ró thành bản O Ó và sau đận ấy, không hề quay trở lại”.
Tôi thấy lòng chùng xuống trước lời tâm sự chân thành của cô giáo Nghĩa. Và hơn thế là sự cảm phục. Ở cái nơi được mệnh danh là “thiếu thốn một cách đầy đủ” như nơi đây, các cô vẫn một lòng vì bà con dân bản, vì tương lai các em. Cô Hoàng Thị Thúy Hương trải lòng: “Em lên đây năm này là năm thứ hai, ở đây có rất nhiều khó khăn nhưng khó khăn nhất là đường đi lại trắc trở, mà vất vả nhất là vào mùa mưa. Nước nôi sinh hoạt thì thiếu thốn, đời sống kinh tế ở bản Ro Ró vẫn còn quá nhiều khó khăn. Nhiều lúc em cũng muốn bỏ về xuôi, nhưng mỗi lần như thế em lại nghĩ đến ánh mắt trong veo của lũ học trò nhìn mình, rồi những hôm mưa gió không thể về trung tâm mua lương thực, bà con dân bản lại bớt cả phần ăn của gia đình mình để mang đến cho bọn em. Dù đó chỉ là nửa bó rau rừng, củ khoai, củ sắn… nhưng tấm chân tình ấy của bà con làm sao mà phụ được. Thế là lại bảo mình cố gắng chút nữa…”.
Giấc mơ bản nghèo
Giờ ra chơi của học trò bản Ro Ró 1
|
Nằm cách cột mốc biên giới R15 trên tuyến biên giới Việt – Lào khoảng 2 cây số, bản Ro Ró 1 có 77 hộ dân với 410 nhân khẩu, tất cả đều là đồng bào dân tộc Pa Kô. Bản làng heo hút giữa rừng già, không được tiếp xúc với cuộc sống hiện đại, ý thức về việc sinh ít con để đuổi “con ma đói” dường như chưa ai được nghe, chưa biết, huống chi thực hành. Vì thế, dân số phát triển nhanh. Ở Ro Ró, gia đình ít nhất cũng có 4, 5 đứa con, nhiều lên đến 9, 10 đứa. Không nói đâu xa, ngay cả trưởng bản Kôn Vàng, mới 40 tuổi đời mà đã có đến 9 mặt con nheo nhóc.
Thông thường, những đứa trẻ ở vùng cao này, ngoài một buổi tới lớp, thời gian còn lại chúng theo chân cha mẹ lên rẫy xới đất trỉa ngô, đào củ mài hoặc lang thang đâu đó trong rừng rậm, ngâm mình trong dòng nước suối lạnh ngắt để bắt con cá. Điều kiện khó khăn, chữ nghĩa đã ít lại rơi rụng dần theo những giọt mồ hôi mặn chát trên nương. Cha mẹ nghèo, chẳng ai mặn mà đến chuyện học hành của con cái. Thậm chí, có người còn chép miệng: “Chữ nghĩa không làm no cái bụng!”. Cái sự học thêm một lần bị cái nhọc nhằn, nghèo khó che lấp đi cả. Vì thế, chuyện học hành của con em dân bản Ro Ró 1 đều trông cả vào tấm lòng của các cô giáo miền xuôi.
Chia sẻ với tôi, giọng anh Pả Đương, Bí thư Chi bộ bản Ro Ró 1, xã A Vao (Đakrông) trầm lắng như thể muốn xua đi nỗi ám ảnh về cái khó nghèo, lạc hậu đã bám riết theo bước chân bà con dân bản hết đời này sang đời khác: “Ước mơ lớn nhất của dân bản Ro Ró 1 bây giờ là mong sao có được một con đường để đi lại và trao đổi hàng hóa, đầu tư xây dựng thêm phòng học, kéo cái điện sáng về bản và xây nhà ở cho các cô giáo để các cô yên tâm truyền cái chữ cho con em”.
Chia tay đồng bào Pa Kô ở Ro Ró 1, dù vẫn còn phải chờ đợi thêm một thời gian dài nữa thì tuyến đường nối trung tâm xã A Vao vào bản mới có thể thông tuyến. Và cũng phải rất lâu nữa, ước mơ về một mái trường vững chãi, một căn nhà tập thể không còn trống trước hở sau, về ánh điện thay ngọn đèn dầu hiu hắt của cô trò bản Ro Ró 1 mới thành hiện thực. Nhưng việc những chiếc máy ngày đêm san đồi, bạt núi đã là một niềm vui khó nói hết thành lời, là nguồn động viên để mọi người có thêm niềm tin rằng những ám ảnh thiếu thốn sẽ không còn, thay vào đó là ánh mắt reo vui hy vọng…
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)