Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Làm báo ở chiến trường Buôn Ma Thuột

Tạp Chí Giáo Dục

(Hồi ký của nhà báo Đoàn Minh Tuấn – Nguyên Trưởng đoàn Võ trang tuyên truyền khu 5 tại chiến trường Tây Nguyên)

Thiếu tướng Trần Tiến Cung (người đội mũ) và tác giả ở Tây Nguyên thời chống Mỹ

1. Trong những ngày đánh Mỹ, tôi trở lại chiến trường Tây Nguyên, sau khi dự một khóa huấn luyện đi B ba tháng ở Xuân Mai, Hà Sơn Bình, bây giờ là Hà Tây.
Chúng tôi lại lên đường ra mặt trận. Khu ủy khu 5 rộn ràng chuẩn bị vào chiến dịch mới. Mùa khô rừng khộp khô lá. Những chiếc lá to như chiếc xẻng đào công sự khô giòn như bánh đa. Xe Zin ba cầu của chúng tôi hành quân đi trên lá nổ lụp bụp nghe vui tai. Đúng cái cảnh “xác xơ rừng khộp”, “khô gầy rừng le”. Rừng khô chỉ cần một ngọn lửa nhỏ cũng có thể thiêu rụi cả khu rừng mấy trăm héc ta. Nước khô đến chiếc nấm mọc trên thân cây gỗ cũng khô cứng như mộc nhĩ bày bán ở chợ Đồng Xuân.
Những năm kháng chiến chống Pháp, đồng chí chỉ huy phó Trung đoàn N’Trang Lơng của chúng tôi – đồng chí Minh Sơn, người dân tộc Ê Đê đã từng dùng lửa ba bề bốn bên, đốt đồi cỏ tranh tiêu diệt cả một trung đội Âu Phi của Pháp.
Đoàn xe từ Khu ủy ở Trà My chở nhà báo chúng tôi đi lạc giữa rừng. Từ chỗ trú quân vào Phước Long, theo đồng chí lái xe Nguyễn Duy ở Ban giao vận khu cho biết: chỉ độ 50 km đường chim bay là đến. Tiếng đại bác vọng vào thung lũng đá như tiếng sấm rền mùa xuân.
Chiều ấy trời se lạnh, gió rét, hành quân lâu ngày, ăn đói nên càng lạnh thêm. Trong khu rừng nhỏ ven suối mai đã nở trắng. Thuở nhỏ ở quê tôi chỉ thấy hoàng mai, nay lần đầu được lọt vào rừng bạch mai, bạt ngàn giữa chiến trường nên có cảm giác là lạ. Tôi tìm chặt một cành mai đẹp cắm vào đầu ô tô để gọi là chào xuân Tây Nguyên. Ước gì được chuyển ra Hà Nội cho bạn bè cành bạch mai giữa những ngày rộn rịp ra quân này.
Chúng tôi lần ra suối kê bếp thổi cơm chiều. Giờ này máy bay của ngụy quân Sài Gòn đã thôi cất cánh, không như thời kỳ không quân Mỹ. Tôi bàn với đồng chí Xuân Ba đoàn phó chi cho một thùng lương khô, ba hộp thịt, một chục gói mì tôm của Khu ủy tặng, thêm vào cho đậm bữa cơm chiều mùa ra trận.
Mười tám anh chị em chúng tôi phần lớn tập kích từ Hà Nội trở về, lâu nay nằm ở Khu bộ, hoặc có đi hoạt động cũng chỉ quanh quanh ở đồng bằng đất Quảng, chưa bao giờ phải đi chiến dịch xa nên rất phấn chấn đón chờ. Trong đoàn có ba nữ, hai cô là người thủ đô. Cô Huyền và cô Hảo. Huyền bên quân đội vừa chuyển sang phụ trách vô tuyến điện sử dụng máy PRC25, còn Hảo công nhân in, xếp chữ. Theo Hảo nói là Hảo ở gần nhà với nhà thơ Quang Dũng. Lần đầu đi chiến trường xa, cô rất lo. Nhất là hôm nay mà vẫn còn lang thang giữa cánh rừng già Buôn Ma Thuột. Với cái tuổi 20, Hảo nhớ nhà rưng rưng nước mắt…
Lẽ ra chúng tôi về vị trí tập kết ở khu rừng cao su đồn điền Mê Van rất sớm, nhưng vì lạc lối mất 100 km, trong một khu rừng mênh mông chằng chịt vết xe nên chưa lần ra. Tôi lấy chiếc la bàn nhỏ của nhà văn Nguyễn Tuân tặng tôi (năm 1969), hôm lên đường xa thủ đô và chiếc bản đồ vùng cực Nam Tây Nguyên để định hướng giúp anh bạn trẻ lái xe giỏi mà Ban giao vận khu đã cử đi.
Chiều đã gần tắt nắng sau tàng cây Kơnia cổ thụ.
Từ đây về lại Buôn Ma Thuột và phải tìm gặp anh Chín Liêm, tức đồng chí Bùi San, Thường vụ Khu ủy, phải mất ba ngày nữa, nếu không bị địch phục kích dọc đường. Ở rừng Trà My (Quảng Nam) hôm xuất phát, đồng chí Trưởng ban tuyên huấn khu Lê Sâm đã cho ăn cá chình làm nem rán, và đồng chí Bảy Hữu – tức Nguyễn Xuân Hữu, thay mặt Thường vụ Khu ủy đã chúc và tiễn đưa chúng tôi. Bữa ấy Thắng Lộc ở Đài Giải phóng có đến uống rượu vui liên hoan. Anh Trương Công Huấn, Phó ban, dặn anh em quản trị có gì ngon cho đoàn vũ trang tuyên truyền ăn vì đã vào đất “quyết tử cho Tây Nguyên quyết sinh”…
Chúng tôi mở máy thu thanh nghe Đài Hà Nội. Chao ôi sao mà xôn xao đến vậy! Thì ra cả nước đều ra trận. Hà Nội lại đang rộn ràng “Người đi trong suối hoa đào” của bài phóng sự hình như giọng Minh Khuê đọc. Tôi xa Hà Nội có vài ba xuân, thế nhưng sao nhớ thương cháy bỏng.
Suốt cả đêm trằn trọc trên võng không ai ngủ được. Chiếc tran-si-to bị tạp âm không bắt được sóng Đài Hà Nội nữa. Chúng tôi dò làn sóng Đài phát thanh Giải phóng nghe tin chiến thắng lòng vui vui khó tả.
Sáng dậy, chúng tôi hành quân sớm. Đồng chí lái xe là Duy họ Nguyễn cùng tên với anh bạn thơ Nguyễn Duy đã từng đi trên đoạn đường này, nhưng vì mùa tiến quân, xe chạy vào ra như mắc cửi, anh mải bám theo vệt xe của đoàn quân vào giải phóng Bình Long mà lạc lối. Xe chúng tôi quay đầu. Xin gửi lời chào của đoàn nhà báo ở Đài phát thanh Giải phóng khu Trung Trung bộ trong Đội Võ trang tuyên truyền Tây Nguyên đến anh em đồng nghiệp ở Đông Nam bộ. Buổi sớm, cành bạch mai cắm trên xe được gió như những bàn tay nhỏ xíu chào Tây Nguyên giữa trùng điệp cây rừng Trường Sơn.
Chúng tôi tưởng đi vài ba hôm, nhưng nào ngờ trong đoàn có người ốm và đồng chí lái xe bị mệt nên đến ngày 3-3-1975 mới đến được, “đại bản doanh” – chỗ ở của Bộ chỉ huy Tây Nguyên.
Qua Đài Giải phóng, từng giờ, từng ngày tin các nơi giải phóng dội về. Từ mồng 4 đến mồng 8 tháng 3 cắt đứt đường 21. Diệt một đồn và phá sập ba cầu. Tiêu diệt tiểu đoàn 246 và 245. Diệt 4C. Bắt sống 200 tên, trong đó có 6 sĩ quan cấp úy. Phá một cối, năm xe tăng, thu 212 súng.
Ngày hôm sau ở Dak Son tiểu đoàn 53 bị tiêu diệt, hôm nay Đức Minh giải phóng xong. Chiều, Đức Lập giải phóng hoàn toàn.
Chiến thắng và chiến thắng dồn dập. Tôi phân công các mũi: Ngọc Châu quay phim thời sự theo một đơn vị vào hướng Đạt Lý I, Đạt Lý II, Tạo Kim đem theo máy ghi cho được hình ảnh quân ta tiến về thị xã. Đào Anh Tôn phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, Đỗ Chí Thạnh Đài Truyền thanh đi vào các buôn làng nổi dậy…
Tổ vô tuyến điện cùng đi với Đại tá Y Blốc Êban, (nay là Thiếu tướng, đã nghỉ hưu) – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Đăk Lăk vào một gia đình cơ sở trong ấp A-lê-a, chuẩn bị cho Đại tá Y Blốc làm Chủ tịch Quân quản Buôn Ma Thuột.
Đêm mồng 9, đứng trên đồi Chi Lăng nhìn xuống trại Mãnh Hổ, nhìn xuống sân bay Hòa Bình và chỉ huy sở của Sư đoàn 23 ngụy bị pháo binh quân giải phóng xé tan tành, lửa vụt cao sáng rực cả bầu trời mặt đất, nơi đây tổ quay phim thời sự làm việc quên cả ăn.
Anh Nguyễn Quang Chính – đại diện Chính phủ cách mạng lâm thời ở Khu Trung Trung bộ, anh Năm Vinh – khu ủy viên cho người đến đón chúng tôi về nhanh Buôn Ma Thuột. Anh Chính cho chúng tôi một ly rượu sâm nhỏ gọi là “thưởng tướng khao quân” bộ phận nhà văn, nhà báo, vì các ngày qua Đài phát thanh Giải phóng đã đưa tin rất kịp thời, giải phóng cả một vùng trên 30 vạn nhân dân Đăk Lăk. Sáng nay ta đã đánh chiếm thêm mấy quận lỵ, trong đó có quận lỵ Thuần Mẫn diệt gần 200 tên, hàng trăm tên ra hàng cách mạng.
Buôn Ma Thuột đã tiến công. Tin ấy loan ra chính thức từ cuộc giao ban làm xôn xao cả khu rừng già bằng lăng, mọi người công kênh nhau tung hô sướng vui quá đỗi.
Dưới rừng cây xanh rậm rạp, tôi phải ngồi đạp máy ra-gô-nô cho có điện để đồng chí Đài Minh Ngữ đánh đi tin vui giải phóng; các đồng chí vây quanh tôi. Trong chiếc lán nhỏ, anh Năm Vinh duyệt lại tin trên và cho phát về bộ phận thường trú Đài phát thanh Giải phóng.
“Đêm 9 rạng ngày 10-3-1975, quân và dân Đăk Lăk đã tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột, đánh Sở chỉ huy Sư đoàn 23, chiếm sân bay Hòa Bình, bắn cháy tổng kho hậu cần Mai Hắc Đế. Nhiều cứ điểm trong ngoại vi thị xã, lính địch thấy xe tăng quân giải phóng xuất hiện đã quăng súng bỏ chạy. Quân giải phóng đang tiến công mạnh mẽ vào các đơn vị địch còn lại trong thị xã. Bọn địch chống trả yếu ớt, nhiều nơi đã kéo cờ trắng đầu hàng quân giải phóng”.
Thế là trong ba ngày thi đua lập công, ta đã tiêu diệt địch ở ba quận lỵ Đức Lập, Thuần Mẫn và Cẩm Ga, đang tiến công đánh chiếm hoàn toàn thị xã.
Tất cả anh chị em nhà báo trong đội Võ trang tuyên truyền đều tỏa đi các hướng. Tôi là trưởng đoàn phải cùng với Ủy ban Quân quản lo việc tiếp thu các nơi vừa giải phóng. Năm ngàn lá cờ Mặt trận cỡ nhỏ, bốn trăm lá cờ bằng sải tay chúng tôi mang theo đã được phân phối đi khắp nơi, cờ đỏ các gia đình, cửa hiệu rợp trời. Nhà nhà đã mở cửa treo cờ, trào nước mắt sướng vui đón chào quân giải phóng.
Từ các phố Hoàng Diệu, Phan Bội Châu, các ngõ 5, ngõ 6, từ ấp Một, ấp Tám, nhân dân đổ ra đường đón chào chính quyền cách mạng. Đại tá Y Blốc Êban, sau 20 năm đi đánh giặc nay trở về thị xã quê hương trong tiếng reo mừng của đồng bào, trong vòng tay thắm thiết nhớ thương của các gia đình cơ sở cũ.
Tôi đến các trường Trung học Bồ Đề, Trung học Tổng Hợp, Trường Sư phạm, Trường Kỹ thuật, Trường Quang Trung, Trường Nguyễn Du, Lam Sơn, đã thấy giáo viên, học sinh tấp nập vui như ngày hội. Đông đảo học sinh các trường trung học cùng bà con dân phố các ấp đi quét dọn đường phố, xóa hết những di tích văn hóa nô dịch, lùng bắt ác ôn ngoan cố còn phá rối. Tại Trường Bồ Đề, hàng nghìn sĩ quan, binh lính nhân viên bộ máy ngụy quyền lần lượt ra trình diện. Tôi được anh Năm Vinh và anh Nguyễn Quang Chính phân công đứng ra giải thích những điều thắc mắc của trên 300 giáo viên các trường trong tỉnh. Đây là tầng lớp trí thức địa phương cần tranh thủ sự ủng hộ trước tiên để ổn định tình hình.
Trên các nẻo đường Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Thái Học, đồng bào các dân tộc, Hoa kiều, ngoại kiều sau mấy ngày tạm lánh về các đồn điền cao su, cà phê ngoại vi, sáng nay vui vẻ trở về…
… Đêm đêm tôi ngồi viết phóng sự: Điện chưa có, sau năm ngày mới chữa được. Ngày hôm qua địch cho máy bay bắn phá buôn Păn Pơ Lăm, chiếc đài vô tuyến của chúng tôi bị hỏng, bom dội gần rung lên, tôi và đồng chí Phạm Nhớ – Phó ban Tuyên huấn Khu ủy bị bom vùi suýt chết nên bài vở không đánh về Đài Giải phóng được. Anh em ở nhà vẫn ở rừng Trà My Quảng Nam, tưởng chúng tôi đã hi sinh, nghe kể lại nhiều phóng viên đã khóc.
Có một điều vui và phấn chấn, đồng chí Nguyễn Thành, Trưởng ban CP90 đã điện vào cho biết: Trung ương rất khen ngợi bài đánh kịp thời, gây phấn chấn và tin tưởng ở quần chúng nhân dân. Những bài vở điện ra, CP90 trình lên đồng chí Trưởng ban Tuyên truyền chiến dịch và được đọc bằng dây nói cho anh Sáu Lê Đức Thọ duyệt kịp thời phát đi nhanh chóng trong nước và trên thế giới nhằm tranh thủ bè bạn năm châu.
Ngày nào nơi trụ sở của Ban quân quản cũng vui, đồng bào các nơi đưa bánh mứt, kẹo, gạo nếp, đường về cho các nhà báo giải phóng ăn mừng chiến thắng.
Qua Đài Giải phóng: Trật tự an ninh đã thực sự trở lại trong thị xã mới giải phóng. Đây là thị xã thứ ba được giải phóng sau Quảng Trị 1972, Phước Long 1975.
Các em thiếu nhi vui lắm, suốt ngày quây quần bên các anh giải phóng đòi dạy bài hát, các em đưa đường xách túi cho đồng bào đi tản cư trở về buôn làng, phố cũ. Các chị, các mẹ thổi cơm, khâu vá, chăm sóc anh em thương binh. Người nào việc nấy, đang ổn định cuộc sống lành mạnh và đầy màu sắc dân tộc hơn xưa.
 
2. Sau đó tôi được lệnh điều vào Nam bộ, từ ấy đến nay mới đó mà hơn 34 năm. Hôm nay bỗng dưng tôi lại nhớ đến các bạn nhà báo cùng trong Đội Võ trang tuyên truyền đã góp sức trẻ của mình cho những ngày chiến thắng lịch sử năm xưa. Tôi nhớ Thắng Lộc, Triệu Xuân, Ngọc Văn, nhớ cô Sửu, cô Kim Anh, Báo Nhân Dân, cô Hoa và cô Lệ Thu là đại biểu Quốc hội khóa 9 và những người đồng chí, những người em Hà Nội đồng hành trên đường Trường Sơn vào Buôn Ma Thuột. Cô Hảo giờ đây thế nào? Hồi ấy chúng tôi cùng ngồi trên ca-bin, một chiếc đại xa, Hảo người tầm thước có đôi mắt đẹp, ngời sáng như nhung đen. Những đêm tối trời bạn Duy lái xe không dám bật đèn sợ lộ đã nói vui là có mắt Hảo soi đường. Mà thật vậy! Mỗi lần Hảo bước lên nhà sàn của đồng bào các sắc tộc là y như rằng cả một vùng sáng theo vì đôi mắt tỏa sáng ấy. Hảo có cái nhìn thông minh sắc sảo. Hàng mi Hảo tôi vẫn còn nhớ là hơi chớp nhìn ra trước “Chiếc gạt nước xua tan bao nỗi nhớ!” (Chiếc gạt bụi đúng hơn vì mùa khô). Những ngày năm ấy chúng tôi còn lang thang trên dặm dài lữ thứ, làm sao không chớp mi buồn được. Giọng nói của Hảo rất Hà Nội, rất dễ thương, môi hồng thắm không phải bôi son mà vẫn đỏ mọng chím chím hoa đào đất Bắc. Lạy Chúa! Tôi nói với Duy “mình có gia đình hai con rồi Duy ạ! Thôi “quẹo cua” và nói lảng sang chuyện khác đỡ phải suy nghĩ linh tinh về cô gái Bắc Hà dũng cảm, hình ảnh tuyệt đẹp của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến phương Nam”. Những bài báo, những tờ truyền đơn kêu gọi anh em binh lính, ngời ngời chính nghĩa do bàn tay của Hảo sắp chữ in rất đẹp. Hồi ấy làm gì có máy vi tính đánh chữ điện tử, nét chữ rõ ràng đâu ra đấy… Năm ấy đến nay đã vừa tròn ba mươi tư, đoạn thời gian không lâu lắm, mà đổi thay lớn trong mỗi người cùng với sự thay da của đất nước xây dựng.
 
3. Giờ đây, Buôn Ma Thuột, thành phố cao nguyên đã bừng sáng. Những vườn cà phê ngày xuân hoa nở trắng ngần. Những đồn điền cây công nghiệp và ăn trái thành nông trường quốc doanh, nông trường liên doanh với nước ngoài. Cả một vùng cây trái xanh tươi nào chè, ca cao, nào cao su, nào chuối, mít đang vào vụ nhộn nhịp.
Tôi vẫn hình dung nhớ lại các bà mẹ Ê Đê gửi gạo ra tiếp tế cho chúng tôi, giấu trong những hốc đá xa xôi. Tôi vẫn nhớ đồng chí Lê Hữu Kiểm – chỉ huy cũ của Đại đội 23 Trung đoàn địa phương thời chống Pháp của tôi, nay là Anh hùng quân đội vừa mới mất.
Các cô gái Mơ Nông áo quần rực sáng để lộ những thân hình tròn trịa mà nay tóc đã điểm sương. Nhiều bạn bè là nhà báo, là phóng viên, quay phim của chúng tôi như anh Đỗ Ba, anh Hữu, Y Khôn, Y Móc, Y Bơ Lăm đã hi sinh trong kháng chiến. Nhiều đồng chí của tôi anh hùng trên các trận địa, có người đã chết vì ốm đau, vì đói, vì nước lũ, vì hổ báo, và vì mùa xuân của chúng ta hôm nay. Tôi vẫn nhớ dưới cánh rừng Kơnia Tây Nguyên anh chị em chúng tôi quây quần bên chiếc Radio nghe Đài phát thanh Giải phóng ở Hà Nội đọc bài do mình viết, mình điện ra…
Chúng tôi vẫn nhớ thương nhiều gia đình đã che chở đùm bọc các nhà báo, như mẹ già Ê Đê tóc trắng như bông hiên ngang trước quân thù thà chết không chỉ hầm của cán bộ giải phóng. Sau 34 năm tròn tôi trở lại thăm mí Em thì mẹ không còn nữa. Rừng Kơnia ở buôn Bơ Lang giờ đã 34 mùa thay lá, chữ khắc tên tôi ở một cây đại thụ trước vẫn hằn sâu cách gốc cây một sải tay nay không tìm ra. Kỷ niệm còn đó, mà mẹ không còn. Nhà mồ của mẹ trên một ngọn đồi cao hoa Bơlang nở sáng. Tôi đứng lặng yên ngã mũ chào mẹ…
“Trích hồi ký Như rừng cây Kơnia
Đoàn Minh Tuấn

Bình luận (0)