Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Kiến trúc sư Nguyễn Duy Tuấn: Đam mê dẫn lối thành công

Tạp Chí Giáo Dục

 

KTS Nguyễn Duy Tuấn (giữa) nhận giải thưởng nghiên cứu khoa học về ứng phó với biến đổi khí hậu – Tiểu vùng sông Mê Kông 

 

Bạn bè, đồng nghiệp và đối tác luôn nói rằng, tình yêu lớn đối với hội họa cùng tinh thần ham học hỏi đã đưa anh đến bến bờ thành công. Nhưng trong suy nghĩ của chàng kiến trúc sư (KTS) trẻ, chính sự thông minh, linh hoạt và chịu thương chịu khó được thừa hưởng từ mẹ là “chất liệu đẹp” giúp anh từng bước khắc họa rõ nét “chân dung” sự nghiệp. Anh là Nguyễn Duy Tuấn, chủ nhiệm Văn phòng KTS Tuấn và cộng sự.
Tự cầm bút vẽ ước mơ
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở TP.Đà Nẵng, ngay từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Duy Tuấn đã mang trong mình sự mặc cảm, tự ti. Tưởng chừng lối sống khép kín ấy sẽ đẩy anh ra khỏi cuộc sống hiện tại. Thế nhưng, mọi vấn đề đã được tháo gỡ khi vô tình vào dịp hè nọ, một người bạn rủ anh tham gia phong trào Đội do các anh chị trong Đoàn phường tổ chức. KTS Nguyễn Duy Tuấn nhớ lại: “Ngày ấy, tôi có cơ hội trải lòng với bạn bè và các anh chị em trong tổ chức Đội nên quên đi mặc cảm về cái nghèo mà cố gắng phấn đấu học tập”.
Với sự thông minh, nhanh nhẹn, lên cấp 3, anh được BGH Trường THPT Diên Hồng tín nhiệm bầu vào BCH Đoàn trường, rồi Bí thư Chi đoàn và Chủ nhiệm CLB Công tác xã hội. Những ngày tháng sống trong tổ chức Đoàn đưa đến cho anh nhiều hoạt động thực sự ý nghĩa. Lúc thì anh cùng bạn bè tổ chức nấu cháo cho các bệnh nhân nghèo ở bệnh viện, khi lại dạy học cho thanh thiếu niên ở trường giáo dưỡng hay cùng các em nhỏ kém may mắn đón Tết Trung thu… “Đoàn là nơi thổi cho người thanh niên ngọn lửa nhiệt huyết và là chiếc nôi bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Đoàn giúp tôi tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm cũng như trang bị những kỹ năng cần thiết, đặc biệt là sự tự tin, năng động. Vì thế, tôi thấy mình trưởng thành hơn”.
Điều khiến ngày càng nhiều người yêu mến và “nể” cậu bí thư lãng tử là mặc dù hoạt động Đoàn rất năng nổ nhưng kết quả học tập của anh không hề “thua bè kém bạn”. Ngoài thời gian dành cho học tập và công tác Đoàn, niềm đam mê của anh là vẽ. Rảnh tay một chút là anh lấy giấy bút phác họa những điều cảm thấy thích trong cuộc sống. Mà lạ lắm, những bức chân dung thường thiên về vẻ đẹp của người phụ nữ. Trong tùy bút của mình, KTS Nguyễn Duy Tuấn trải lòng: “Người có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời tôi là má. Má đi lên từ gian khổ rồi nuôi nấng tôi lớn lên trong những khó khăn, nhọc nhằn. Má dạy cho tôi nhiều điều về cuộc sống, về đời người. Vì thế, tôi thích phác họa những người phụ nữ khi trong họ toát lên vẻ đẹp tâm hồn như má”. Rồi anh vẽ cả cuộc sống, vẽ những nếp nhà trong xóm nghèo nơi anh ở và tả lại vẻ đẹp quê hương qua cái nhìn căng tràn nhựa sống của một thanh niên đang chập chững vào đời. Khi vẽ, anh thấy mình đang tả rất thực về một góc nhìn cuộc sống. Cái nhìn của riêng anh.
“Nghiện” hội họa nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh quyết định chọn ngành kiến trúc để có cơ hội hoàn thiện nốt bức tranh ước mơ còn dang dở. Nhờ thành tích học tập tốt, không lâu sau, anh nhận được học bổng và sang nước ngoài bắt đầu hành trình vẽ… tương lai. Tốt nghiệp xong, anh về Việt Nam với hành trang là những kiến thức tiến bộ “cóp nhặt” được từ nước bạn để cống hiến cho quê hương. Anh hành nghề một cách miệt mài với mong muốn ứng dụng được kiến thức mình có được sau nhiều năm học hành chăm chỉ. Và cơ duyên đã đưa anh đến để rồi gắn bó lâu dài với nghiệp “trồng người”. 
Trăn trở với nghiệp “đưa đò”
Từ khi còn là sinh viên, anh đã tham gia thiết kế nhiều công trình và nhận được không ít lời khen của thầy cô, bạn bè cũng như chủ đầu tư. Với những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình học tập ở nước ngoài, anh nghĩ mình sẽ nhanh chóng có được một vị thế xứng đáng. Nhưng anh… đã sai. “Những năm đầu mới ra trường, tôi đã gặp không ít khó khăn và thất bại nhiều lần. Những “đứa con tinh thần” của tôi lần lượt ra đời nhưng hiếm cái được đưa vào xây dựng bởi nó chưa phù hợp với thực tế. Ai cũng biết một công trình phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đặc biệt là đặc điểm đất đai, môi trường xung quanh… Và tôi hiểu, tôi đã quá chú trọng vào lý thuyết mà quên đi việc thực hành, thực nghiệm. Bên cạnh đó, môi trường đòi hỏi tính kỷ luật rất cao của công ty khiến một cựu sinh viên kiến trúc có tâm hồn bay bổng như tôi cảm thấy gò bó”, anh Tuấn tâm sự. Làm việc được mấy tháng, anh hiểu rằng những kiến thức mình có được chỉ là những hạt cát nhỏ giữa đại dương rộng lớn. Từ đó, anh quyết tâm trau dồi thêm kiến thức nghe lẫn kỹ năng giao tiếp.
Và những nỗ lực không mệt mỏi ấy đã được đền đáp xứng đáng khi ngày càng có nhiều người biết đến các công trình do anh thiết kế. Đặc biệt, năm 2007, KTS Nguyễn Duy Tuấn mang về cho mình giải thưởng hết sức cao quý – Architects Award (Top ten châu Á Thái Bình Dương), tổ chức tại Hồng Kông. Cũng trong năm này, anh nhận được học bổng toàn phần của Anh quốc để học lên thạc sĩ và làm trợ giảng cho một giáo sư ở Đại học Hồng Kông. Thời gian học tập và làm việc nơi đất khách tuy không lâu nhưng đủ để một người ham học hỏi như anh tích lũy thêm cho mình sự tự tin, năng động cũng như cách nghĩ khác về nghề. Anh nhận ra, lý thuyết chỉ thực sự “thăng hoa” khi có chất xúc tác từ môi trường thực tiễn cùng bàn tay vun vén của con người.
Ở cái tuổi đã đủ chín chắn như anh, nhiều người đã tạm ngưng việc nghiên cứu, học tập để tạo dựng cơ nghiệp cho mình. Trong khi đó, KTS Nguyễn Duy Tuấn vẫn “mặn mà” với chuyện “dùi mài kinh sử”. Hiện anh vừa làm nghiên cứu sinh vì nhận được học bổng tiến sĩ toàn phần của Canada, vừa là giảng viên thỉnh giảng cho một số trường đại học lớn tại TP.HCM. Với anh, được tiếp xúc hàng ngày với sinh viên là niềm hạnh phúc lớn, bởi: “Dạy có nghĩa là bạn được học hai lần. Sinh viên hiện nay rất thông minh, họ có nhiều phản biện sáng ý giúp giảng viên nghiệm ra vấn đề để “lận lưng” thêm cho mình nhiều ý tưởng hay”.
Từ kinh nghiệm “xương máu” mà bản thân phải nếm trải, anh nhận thấy sinh viên Việt Nam hiện nay chú trọng quá nhiều vào lý thuyết thay vì đầu tư cho khâu thực hành. Bên cạnh đó, đất nước chúng ta cũng đang trong tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, những lao động có tay nghề chất lượng ngày một khan hiếm. Với mong muốn có thể giúp những bạn trẻ yêu thích sự sáng tạo của ngành kiến trúc, KTS Nguyễn Duy Tuấn đang lên kế hoạch mở một trường đào tạo nghề. Theo đó, anh sẽ mời các học viên được đào tạo bài bản và có thâm niên từ những công ty của Mỹ, Nhật… về giảng dạy để “lò luyện” của mình có thể “xuất xưởng” những công nhân tay nghề cao, đáp ứng tốt nhu cầu thực tế. Anh Tuấn cho biết: “Cách đây vài năm, việc mở trường đối với tôi chỉ là một giấc mơ. Nhưng giấc mơ này đang dần dần được hiện thực hóa vì đến nay, 70% kế hoạch đã hoàn thành. Nửa đầu năm sau, tôi sẽ có một ngôi trường mới dành cho những người thợ thật sự”.
Theo quan niệm của người Việt, năm thìn hứa hẹn cho chúng ta rất nhiều thành công, thuận lợi bởi rồng là biểu tượng cho đỉnh cao của sự chiến thắng. Chúc cho kế hoạch đầy ý nghĩa của người KTS luôn sống trọn vẹn với nghề sẽ thành công tốt đẹp.
Bài, ảnh: Dương Bình
KTS Nguyễn Duy Tuấn hiện nắm trong tay khá nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước như: Architects Award – Top ten châu Á Thái Bình Dương (2007), giải nhất thiết kế Phố đi bộ Nguyễn Huệ (2009), Giải thưởng nghiên cứu khoa học về ứng phó với biến đổi khí hậu – Tiểu vùng sông Mê Kông… và nhiều bằng khen của Hội KTS Việt Nam và TP.HCM…
 

Bình luận (0)