Có thể nói cho đến thời điểm này, duy chỉ một mình Syria dám phớt lờ lằn ranh đỏ của thế giới
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định chế độ Syria đã sử dụng khí độc sarin chống nhân dân nước này trong vụ tấn công ở ngoại ô thủ đô Damascus ngày 21-8. Lặp lại tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama cách đây 1 năm, ông Kerry đã gọi việc sử dụng vũ khí hóa học là một lằn ranh đỏ đối với thế giới.
Vết nhơ Halabja
Vũ khí hóa học là loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và bị luật pháp quốc tế cấm sử dụng. Trong Thế chiến thứ nhất, lần đầu tiên vũ khí hóa học được sử dụng trên quy mô lớn. Hậu quả của các vụ tấn công bằng loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này kinh khủng đến mức Nghị định thư Geneva 1925 đã bao gồm việc cấm sử dụng nó và đã được 138 quốc gia phê chuẩn. Đây là lần đầu tiên việc sử dụng vũ khí hóa học được chính thức công nhận là lằn ranh đỏ đối với cộng đồng thế giới.
Thế nhưng, lằn ranh đỏ này đã bị vi phạm nghiêm trọng. Vụ thảm sát ở thành phố Halabja – Iraq ngày 16-3-1988, được gọi l
Các nạn nhân được điều trị sau vụ tấn công ở ngoại ô Damascus ngày 21-8 Ảnh: SANA
à “ngày thứ sáu đẫm máu”, là vết nhơ không bao giờ phai mờ trong lịch sử thế giới khi có đến 20 máy bay thả xuống nhiều loại khí độc làm chết khoảng 3.200-5.000 người và khoảng 7.000-10.000 người bị thương. Người ta cho rằng các lực lượng của nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein đã thực hiện vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nêu trên. Thoạt đầu, Cơ quan Quân báo Mỹ đổ lỗi cho Iran về vụ tấn công này vì Halabja chỉ cách biên giới Iran khoảng 14-16 km. Mặc dù có bằng chứng các lực lượng của Saddam Hussein đã sử dụng các tác nhân hóa học trước đó, vụ thảm sát Halabja được xem là vụ sử dụng chất hóa học đầu tiên được chứng minh bằng tài liệu.
Sau đó, theo báo The Guardian, Mỹ và Liên Xô đã có một bước đi khác nữa chống vũ khí hóa học khi đồng ý giảm bớt việc sản xuất và thiết lập chế độ thanh sát trong Thỏa thuận Wyoming 1989. Tiếp đó, năm 1993, thế giới lại thúc đẩy việc ngưng sản xuất, lưu trữ và sử dụng vũ khí hóa học trong Công ước Vũ khí hóa học (CWC). Kể từ đó, với các thỏa thuận vừa nêu, việc giảm bớt số lượng vũ khí hóa học đã đạt tiến bộ đều đặn.
Nếu như thực sự là chế độ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công ngày 21-8 năm nay thì có thể xác định rằng cho đến thời điểm này, duy chỉ một mình Syria tiếp tục phớt lờ lằn ranh đỏ của thế giới.
Tiêu hủy
CWC đòi hỏi tất cả mọi quốc gia sở hữu vũ khí hóa học phải tiêu hủy kho dự trữ của mình một cách an toàn. Bảy quốc gia tuyên bố có lưu trữ vũ khí hóa học khi tham gia CWC là Albania, Ấn Độ, Iraq, Libya, Hàn Quốc, Mỹ và Nga. Trong số này, Albania, Ấn Độ và Hàn Quốc đã hoàn tất việc tiêu hủy. Khi Nga, Mỹ và Libya tuyên bố họ không thể đáp ứng thời hạn chót phải tiêu hủy vũ khí hóa học vào năm 2012, các bên tham gia CWC đã đồng ý gia hạn thời gian.
Theo website Arm Control Association, Nga có lượng vũ khí hóa học lớn nhất với 40.000 tấn được phân bố tại 7 kho ở 6 khu vực trên cả nước. Mỹ công bố 28.577 tấn được lưu trữ tại 9 kho ở 8 bang và ở Hawaii. Kho vũ khí hóa học của Albania và Libya nhỏ nhất với 16 và 23 tấn. Ấn Độ và Hàn Quốc công bố kho vũ khí hóa học ở mức 2.000 tấn nhưng vẫn giữ bí mật về vị trí và kết cấu vũ khí của họ. Theo thông tin tình báo Mỹ, Syria và Triều Tiên từ lâu đã bị nghi ngờ phát triển vũ khí hóa học và lưu trữ các tác nhân hóa học.
Mỹ đã tiêu hủy 90% lượng vũ khí hóa học của mình trong khi tỉ lệ này ở Nga là 60%. Moscow dự kiến sẽ hoàn thành công việc vào cuối năm 2015 nhưng một số quan sát viên nhận định họ có thể kéo dài đến năm 2016 hoặc 2017. Tổ chức Cấm vũ khí hóa học, cơ quan thực hiện CWC, cho biết tính đến năm 2011, 72% lượng vũ khí hóa học được công bố trên thế giới đã bị tiêu hủy. Theo kế hoạch, số còn lại sẽ tiếp tục được tiêu hủy trong vòng vài năm tới. Hầu hết số vũ khí này được xác định ở Libya và Iraq nhưng điều quan trọng là chúng đang được bảo vệ và được tiêu hủy với sự hợp tác của các quốc gia đã ký kết CWC. Libya đặt mục tiêu đến tháng 12-2013 sẽ kết thúc việc tiêu hủy.
Theo các điều khoản của CWC, Syria đã được cho thời hạn 9 tháng, tức đến giữa năm 2014, để hoàn tất việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của mình. Đây cũng được xem là một lằn ranh đỏ khác nữa đối với Damascus. Tuy nhiên, Tổng thống Bashar al-Assad cho biết ông cam kết thực hiện kế hoạch tiêu hủy vũ khí hóa học của nước này nhưng cảnh báo rằng công việc sẽ có thể mất 1 năm. Ở một đất nước bị chiến tranh phá nát như Syria, quá trình này nhiều khả năng sẽ gặp không ít khó khăn.
Các loại vũ khí hóa học
– Tác nhân thần kinh (như sarin, soman, VX): Được xem là vũ khí hóa học gây chết người nhiều nhất dù ở dạng khí hay lỏng, được hít vào hoặc hấp thu qua da. Tác nhân thần kinh gây ức chế năng lực hô hấp và tuần hoàn của cơ thể bằng cách gây tổn hại hệ thống thần kinh trung ương.
– Tác nhân phồng rộp: Có các dạng khí, lỏng và có thể gây bỏng nặng và làm phồng rộp da. Chúng có thể gây ra các biến chứng cho hệ hô hấp nếu hít phải và bộ máy tiêu hóa nếu ăn vào.
– Tác nhân nghẹt thở: Đây là những chất độc hóa học tấn công trực tiếp vào hệ hô hấp khi cơ thể hít vào. Các tác nhân nghẹt thở thông dụng gồm: phosgene, chlorine và chloropicrin.
– Tác nhân máu: Nó cản trở cơ thể sử dụng và chuyển ôxy đi khắp mạch máu. Tác nhân máu được hít vào và sau đó được hấp thu vào mạch máu. Các tác nhân máu thông dụng là hydrogen chloride và cyanogen chloride.
Ngoài ra, các tác nhân kiểm soát bạo động, chẳng hạn như hơi cay, cũng được coi là vũ khí hóa học nếu được sử dụng trong chiến tranh. Theo trang web Arm Control Association, các quốc gia có thể sở hữu tác nhân kiểm soát bạo động một cách hợp pháp và sử dụng chúng vì mục đích thi hành pháp luật.
Theo NLĐ
Bình luận (0)