Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hướng nghiệp cần cụ thể, rõ ràng

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên hào hứng thảo luận tại chương trình tập huấn
Ngày 13-12, Báo Giáo Dục TP.HCM đã phối hợp với Sở GD-ĐT TP, Trường ĐH Quốc tế RMIT tổ chức chương trình “Tập huấn hướng nghiệp cho giáo viên trung học”. Tại chương trình, giáo viên và cán bộ quản lý các trường THPT đã thảo luận cùng báo cáo viên để công tác hướng nghiệp ngày càng chuyên nghiệp hơn chứ không phải là việc làm tự phát, dựa vào kinh nghiệm đứng lớp mà có.
Đa dạng hình thức, hiệu quả chưa cao
Theo chia sẻ của nhiều đại biểu, hầu hết các trường hiện nay đều tiến hành hướng nghiệp theo từng bước ở từng khối học.
Thầy Huỳnh Công Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình cho biết: “Trường chúng tôi thường tổ chức giáo dục hướng nghiệp theo từng bước. Chẳng hạn, ở lớp 10 HS còn có nhiều ước mơ nên sẽ cho các em thể hiện suy nghĩ ước mơ của mình qua giờ sinh hoạt dưới cờ. Ở lớp 11, chúng tôi sẽ cho trao đổi trước lớp về cách làm như thế nào để các em đạt được mục đích nghề nghiệp mình chọn. Còn lớp 12, chúng tôi cho các em trao đổi với chuyên viên những ngành nghề mình muốn, cần làm gì để đạt được…”.
Đối với bộ phận tư vấn, không chỉ giới hạn lực lượng là giáo viên chủ nhiệm, bộ môn công nghệ hay các chuyên viên, một số trường còn mời cựu HS về tư vấn cho các em và hình thức này đã có những kết quả nhất định. Cô Hoàng Thị Diễm Trang (Phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Định) chia sẻ: “Chúng tôi thường mời những người đang làm việc liên quan đến ngành các em quan tâm về trường chia sẻ, trong đó nhấn mạnh những góc khuất của nghề cho HS hiểu rõ hơn. Những người này thường là cựu HS của trường vì họ sẽ dễ đồng cảm về hoàn cảnh gia đình cũng như năng lực học tập của các em”.
Mặc dù đã đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp nhưng hoạt động này hiệu quả chưa cao. Bằng chứng là HS sau trung học vào học nghề chỉ đạt hơn 10%, hàng năm có gần 100% thí sinh tốt nghiệp THPT làm hồ sơ dự thi CĐ, ĐH gây lãng phí lớn cho gia đình và xã hội.
Giáo viên phải chuyên nghiệp
“Qua chương trình tập huấn, quý thầy cô sẽ thảo luận và chia sẻ những phương thức để có thể áp dụng vào hoạt động hướng nghiệp cho HS đạt hiệu quả nhất. Buổi tập huấn xoay quanh những lý thuyết về phát triển nghề nghiệp để thầy cô có thêm kiến thức cụ thể, chuyên nghiệp trong công tác hướng nghiệp tại trường của mình” (giáo sư Joyce Kirk, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế RMIT tại Việt Nam cho biết).
Thực tế, Trung tâm Tuyển sinh hướng nghiệp (Trường ĐH Quốc tế RMIT) thường tiếp các sinh viên mới vào trường đến chia sẻ về nghề nghiệp. Nhiều em cho biết chọn nghề là do sở thích bố mẹ hay thấy bạn bè thi thì mình cũng thi chứ chưa tìm hiểu kỹ. Điều này làm cho các em cảm thấy chán nản khi học tập, một số em học gần tốt nghiệp còn muốn đổi nghề.
ThS. Hồ Phụng Hoàng Phoenix (Chuyên viên tư vấn hướng nghiệp, Trường ĐH RMIT) cho rằng: “Hiện nay, các trường trung học đã có nhiều hình thức tư vấn cho HS nhưng thường là tự phát chứ chưa được chuyên nghiệp, chưa cụ thể, rõ ràng nên các em chưa hiểu hết về nghề. Vì vậy, các trường ĐH, CĐ cần tiếp tục hướng nghiệp để các em có những định hướng đúng khi thực hiện kế hoạch nghề nghiệp của mình”.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tư vấn hướng nghiệp, văn phòng II, Bộ GD-ĐT tại TP.HCM cho hay: “Hướng nghiệp không chỉ dành cho HS mà phải hướng nghiệp cho cả sinh viên và người đang lao động. Công tác này cần được chuyên nghiệp mới đạt hiệu quả cao chứ không nên kiêm nhiệm như hiện nay vì giáo viên sẽ thiếu các kỹ năng hướng dẫn, phát hiện sở thích HS… Dù có nhiều hình thức tư vấn nhưng quan trọng nhất vẫn nằm ở vai trò của giáo viên. Họ phải là những người linh động, nhạy cảm trước tình hình kinh tế xã hội và phải được bồi dưỡng, tập huấn… thường xuyên”.
Bài, ảnh: Dương Bình
 
Ông Nguyễn Thanh Tú, Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM chia sẻ: Hiện nay, hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho HS, sinh viên được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm thể hiện bằng nhiều chủ trương, chính sách về hoạt động hướng nghiệp. Hoạt động này đã khởi sắc nhưng hiệu quả vẫn chưa đạt như mong muốn. Vì thế, chương trình tập huấn này nhằm trang bị cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên làm công tác hướng nghiệp những kỹ năng tiếp cận, phát hiện, khám phá, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp của HS…

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)