Đi qua 1/3 chặng đường triển khai thực hiện, Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, tuy nhiên quá trình này vẫn lộ ra nhiều vấn đề bất cập cần kịp thời điều chỉnh để đề án thành công hơn trên 2/3 chặng đường còn lại.
Vấn đề được nêu ra tại Hội nghị giao ban công tác triển khai Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 diễn ra ngày 11-12 tại Đà Nẵng.
Đây là một đề án lớn, có tác động đến 80.000 GV, 20 triệu HS, SV trong 10 năm. Hiện nay, đề án đang bồi dưỡng 600 giảng viên tiếng Anh, 670 cán bộ quản lý, giảng dạy của các trường ĐH, CĐ không chuyên; triển khai dạy mở rộng tiếng Anh lớp 6 tại 30 tỉnh thành trên cả nước. Báo cáo tại hội nghị, bà Vũ Thị Tú Anh – Phó trưởng ban Thường trực đề án – cho biết, sau ba năm thực hiện triển khai rộng rãi, Đề án ngoại ngữ quốc gia đã tạo được chuyển biến về nhận thức trong xã hội, nhất là nhận thức của người dạy, người học về ý nghĩa và tầm quan trọng của môn học ngoại ngữ đối với chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đề án cũng đã tăng vị thứ xếp hạng lên 12 bậc, vượt qua cả Trung Quốc, Nga, Đài Loan… về trình độ tiếng Anh quốc tế.
Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai thực hiện, đi được 1/3 chặng đường, đề án đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập cần kịp thời giải quyết. Đa số ý kiến của đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng: Khâu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV tiếng Anh đạt chuẩn còn vấp nhiều cái khó. Theo PGS.TS Phan Văn Hòa, Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, yêu cầu về chuẩn trình độ tiếng Anh của GV là một rào cản không nhỏ. Và không thể một lúc yêu cầu GV đạt ngay chuẩn trong khi thực tế khảo sát con số GV đạt chuẩn còn quá thấp. Để đánh giá chuẩn GV cũng như công tác bồi dưỡng GV đòi hỏi một lộ trình về cả cách thức lẫn thời gian đào tạo, bồi dưỡng. Việc đào tạo, bồi dưỡng GV tiếng Anh đạt chuẩn cũng gặp không ít khó khăn, nhất là với GV đạt chuẩn. Đây là vấn đề cấp bách cần được khắc phục kịp thời. Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng đã đưa ra giải pháp rằng nên đưa đội ngũ GV đi đào tạo ở nước ngoài trong thời gian ngắn. Hoặc tự các trường ĐH chủ động phối hợp cơ quan chức năng tổ chức GV giao lưu với các tình nguyện viên bản ngữ thường đến nước ta trong dịp hè… Về vấn đề đánh giá năng lực GV, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển – Trưởng ban đề án – nhấn mạnh cần phải có giải pháp tích cực tháo gỡ, hoàn thiện dần trình độ, năng lực ngoại ngữ của GV.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai đưa SGK về trường dạy thí điểm còn quá chậm làm ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh, HS. Chương trình dạy triển khai vì thế còn gặp khó khăn. Việc áp dụng chuẩn đầu ra với sinh viên còn gặp vướng mắc vì trên thực tế không phải trường ĐH nào cũng áp dụng 100% đối với SV bước vào năm thứ nhất. Và nếu đánh giá theo chuẩn đối với SV không chuyên ngữ thì theo nhà giáo Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, với điều kiện như hiện nay chỉ có khoảng 30% nhận được bằng nếu như áp dụng chuẩn đầu ra theo đề án.
Ở góc độ tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho rằng, vừa bồi dưỡng nâng cao trình độ cho GV, vừa triển khai đào tạo thí điểm theo chuẩn cho HSSV, vừa đầu tư SGK, trang thiết bị dạy học… thì việc đề án còn bất cập, thách thức là điều tất yếu. Về vướng mắc tài chính, hai bộ sẽ tìm giải pháp tháo gỡ.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng cần sớm hoàn thiện xây dựng chương trình đào tạo, SGK thống nhất từ trên xuống. Mở các trung tâm kiểm định không chạy theo số lượng mà phải thận trọng, cân nhắc. Cần lấy chất lượng làm đầu và có lộ trình mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn đến năm 2020. Chủ động phối hợp giữa các đơn vị trong đào tạo bồi dưỡng GV, mua sắm trang thiết bị, trong công tác thi, kiểm tra, đánh giá trình độ GV và HS, SV.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)