Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Triệt phá đường dây thi thuê, thi hộ

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 1-4 vừa qua, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an cho biết, đã hoàn thành kết luận điều tra về vụ “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại một số trường ĐH, trong đó có cả Trường Công an.
Phát hiện nhờ nét chữ
Năm học 2012-2013 qua khâu hậu kiểm mỗi khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hàng năm, Trường T36, một trường mới thành lập trong công an nhân dân đã phát hiện một số trường hợp có dấu hiệu thi nhờ, thi hộ và đã tiến hành trưng cầu giám định chữ viết tại đơn vị Khoa học hình sự. Kết quả cho thấy, chữ viết trên bài thi của các trường hợp nghi vấn đều không phải là chữ viết của người đã đăng ký dự thi tuyển sinh, trúng tuyển và đang học tại trường. Sau đó, vụ việc đã được chuyển cho Cơ quan an ninh điều tra – Bộ Công an để làm rõ. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, một đường dây thi thuê, thi hộ vào các trường ĐH, CĐ trong đó có trường thuộc khối ngành công an đã dần hé lộ. Cơ quan an ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Văn Phượng, Đậu Đức Hải, Nguyễn Như Khải, Trần Văn Chung, Lê Quang Báu, Nguyễn Tôn Doãn (2 đối tượng Báu và Doãn sau đó được thay thế bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú); khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Hòa và Nguyễn Văn Bình đều về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
550 triệu/suất vào Trường Công an
Theo tài liệu của Cơ quan công an, cầm đầu đường dây này là Nguyễn Văn Phượng, 39 tuổi, hiện trú tại phường Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội). Thực tế, Phượng là một đối tượng học rất giỏi, từng thi đỗ trong tốp đầu một trường ĐH của Bộ Quốc phòng. Sau đó, do vi phạm kỷ luật nên Phượng đã bị đuổi học. Ba năm lao động tự do ngoài xã hội, nhưng nhờ có tố chất học tốt nên năm 1998, Phượng lại thi đỗ và học tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Từ năm 2005 đến nay, Phượng là nhân viên Công ty Vận tải hành khách Hà Nam, trụ sở tại TP.Bãi Cháy (Quảng Ninh). Nhận thấy có nhiều phụ huynh có nhu cầu muốn cho con em mình vào học các trường ĐH lớn, lại từng thi đỗ hai trường ĐH danh tiếng, Phượng thấy có thể sử dụng người khác để thi hộ.
Phượng đã trực tiếp móc nối, lôi kéo và cùng Nguyễn Như Khải, Trần Văn Chung, Nguyễn Thanh Văn tìm kiếm, tuyển chọn được 13 sinh viên có kiến thức tốt từng học ở một số trường ĐH trên địa bàn TP.Hà Nội (chủ yếu là Trường ĐH Bách khoa, ĐH Xây dựng, ĐH Quốc gia…) để tham gia đường dây thi hộ của mình. Trước mỗi kỳ thi ĐH, chúng tổ chức thu xếp nơi ăn ở tập trung, cũng như kiểm tra, cung cấp tài liệu, bổ sung kiến thức cho các đối tượng này. Theo thỏa thuận, mỗi trường hợp thi đỗ, các sinh viên này sẽ được trả công từ 60 đến 100 triệu đồng.
Trung bình mỗi trường hợp nhờ thi hộ, Phượng thu từ 200 đến 250 triệu đồng, nhưng chỉ yêu cầu đặt cọc trước từ 10-50 triệu đồng, còn sau khi thí sinh trúng tuyển vào học mới thu hết. Trừ các loại chi phí, Phượng đút túi khoảng 100 triệu đồng/trường hợp. Tuy nhiên, nhiều trường hợp các gia đình thí sinh nhờ thi hộ đã bị nâng qua một số khâu trung gian nên giá “đội” lên đến 550 triệu đồng.
Cách thức tổ chức thi hộ, thi thuê của nhóm Phượng vô cùng tinh vi. Phượng yêu cầu gia đình các thí sinh nhờ thi hộ gửi ảnh thí sinh cho chúng. Căn cứ vào ảnh của thí sinh, Phượng đối chiếu, lựa chọn người thi hộ có khuôn mặt giống với thí sinh nhất, sau đó dùng kỹ thuật photoshop sửa ảnh tạo ra một bức ảnh mới, vừa giống người thi hộ vừa giống thí sinh rồi gửi lại. Bọn chúng hướng dẫn các gia đình dùng những bức ảnh “nửa thật, nửa giả” này dán vào hồ sơ đăng ký dự thi theo mẫu chung, sau đó tiến hành làm các thủ tục sơ tuyển, thẩm tra lý lịch theo quy định. Sau khi có giấy báo dự thi, Phượng và đồng bọn yêu cầu người nhà thí sinh gửi kèm bằng tốt nghiệp phổ thông, CMND của thí sinh. Tất cả những loại giấy tờ này, chúng đưa cho người thi hộ sử dụng khi đi thi. Để tránh bị phát hiện, trong thời gian diễn ra kỳ thi, các đối tượng tổ chức thi hộ yêu cầu các thí sinh giả như đi thi thật, không được có mặt ở nơi cư trú. Cá biệt, có trường hợp, chúng còn gửi thêm cả tự dạng của người thi hộ cho thí sinh thật tập viết cho giống, chủ động đối phó khi nhập học nếu trúng tuyển…
Tổng cộng, theo kết luận điều tra, kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2012, các đối tượng tổ chức thi hộ trót lọt cho 5 trường hợp, năm 2013 cho 14 trường hợp. Do hành vi phạm tội được phát hiện và ngăn chặn kịp thời nên Công an TP.Hà Nội đã không xử lý hình sự.
Còn đối với “gà”, theo quy chế thi và tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT, nếu đang là sinh viên sẽ bị dừng học. Còn những sinh viên nhờ người thi hộ, thi thuê, khi bị phát hiện sẽ bị tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường trong hai năm tiếp theo, hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)