Hội nhậpThế giới 24h

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật tài chính khẩn cấp mới

Tạp Chí Giáo Dục

Bất chấp thời hạn chót phải thông qua dự luật ngân sách để tránh nguy cơ chính phủ phải đóng cửa vào ngày 1/10 đang cận kề, hai viện Quốc hội Mỹ vẫn tiếp tục chia rẽ sâu sắc về vấn đề này.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, với 54 phiếu thuận và 46 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã lần thứ hai trong sáng 1/10 (theo giờ Việt Nam) bác bỏ dự luật ngân sách khẩn cấp mới vừa được Hạ viện phê chuẩn ít giờ trước đó, trong đó không bao gồm ngân sách cho dự luật cải tổ y tế của chính quyền Barack Obama – thường được gọi là "Obamacare".

Quang cảnh bên ngoài tòa nhà Quốc hội Mỹ. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc chiến ngân sách giữa hai viện Quốc hội Mỹ. Văn kiện vừa bị Thượng viện phủ quyết được Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua ngay trong ngày, song tiếp tục không bao gồm ngân sách cho dự luật "Obamacare".

Các nhà lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện tuyên bố mọi đề xuất, nếu không bao gồm các khoản ngân sách cho chương trình Obamacare, sẽ đều bị Thượng viện bác bỏ, bất chấp việc đó dẫn tới việc đóng cửa một bộ phận công sở liên bang.

Trong ngày, phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Obama tuyên bố ông sẽ không từ chức cho dù một bộ phận công sở liên bang phải đóng cửa lần đầu tiên trong vòng 17 năm qua.

Ông Obama hoan nghênh việc trước đó Thượng viện do phe Dân chủ kiểm soát bác bỏ dự luật của phe Cộng hòa tại Hạ viện. Ông Obama tuyên bố sẽ tiếp tục thương lượng với các nhà lãnh đạo Cộng hòa trong đêm 30/9 (sáng 1/10 – theo giờ Việt Nam) nhằm đạt được một thỏa hiệp để tránh việc công sở liên bang phải đóng cửa.

Trong khi đó, khoảng một triệu nhân viên làm việc cho chính quyền liên bang Mỹ đang phải gấp rút vạch ra các kế hoạch khẩn cấp cho khả năng một bộ phận công sở liên bang phải đóng cửa từ ngày 1/10 do cuộc tranh cãi bất phân thắng bại vào phút chót về kế hoạch ngân sách tài khóa 2014 giữa Nhà Trắng và phe Dân chủ kiểm soát Thượng viện với phe Cộng hòa nắm quyền đa số tại Hạ viện.

Trong ngày cuối cùng của tài khóa 2013 này, các nghiệp đoàn của gần 2,8 triệu nhân viên làm việc cho các bộ ngành thuộc chính phủ liên bang đã đồng loạt lên tiếng hối thúc các nhà lập pháp Mỹ trong những giờ còn lại ít ỏi của tài khóa 2013 hãy có những nhượng bộ lẫn nhau nhằm tránh đẩy hàng trăm nghìn thành viên của họ trên khắp nước Mỹ phải nghỉ việc không hưởng lương, bắt đầu từ ngày 1/10.

Lãnh đạo các nghiệp đoàn cho biết nếu Quốc hội, trong đêm 30/9, không nhượng bộ lẫn nhau để thông qua ngân sách tài khóa 2014, sẽ có khoảng từ 800.000 đến một triệu trong tổng số 2,8 triệu nhân viên làm việc cho chính phủ liên bang sẽ buộc phải nghỉ việc không được hưởng lương do các bộ ngành không có ngân sách để hoạt động và trả lương.

Người phát ngôn của Liên đoàn các nhân viên làm việc cho chính phủ liên bang (AFGE), tổ chức nghiệp đoàn liên bang lớn nhất, cho biết khoảng một nửa trong tổng số 670.000 thành viên của họ có thể sẽ phải luân phiên nghỉ không lương, nếu Quốc hội không thông qua ngân sách tài khóa 2014.

Trong trường hợp hết đêm 30/9, Quốc hội không thông qua được kế hoạch ngân sách tài khóa 2014, từ 800.000 đến một triệu công chức liên bang có thể phải nghỉ việc không lương; 1,4 triệu binh lính sẽ tiếp tục thi hành nhiệm vụ nhưng có thể phải lĩnh lương chậm; Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ cho nghỉ việc gần như toàn bộ nhân viên.

Các ngành và các cơ quan làm các nhiệm vụ thiết yếu như kiểm soát không lưu, kiểm tra hành khách, các toà án liên bang, cơ quan bưu chính, phần lớn nhân viên của Bộ An ninh Nội địa sẽ tiếp tục làm việc. Các công viên quốc gia, các thư viện và các viện bảo tàng sẽ đóng cửa.

Điểm tranh cãi mấu chốt trong kế hoạch ngân sách tài khóa 2014 là Đạo luật cải cách y tế Obamacare quy định tất cả người Mỹ đều buộc phải có bảo hiểm sức khỏe trước năm 2014, nếu không sẽ bị phạt về kinh tế. Hiện tại nước Mỹ có khoảng 50 triệu người, chiếm 16% dân số, không có bảo hiểm y tế.

Luật cải cách y tế của ông Obama hy vọng sẽ giúp khoảng 32 triệu người trong số này được hưởng các dịch vụ y tế thông qua bảo hiểm. Ðể có kinh phí cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho tất cả mọi người, chính quyền Obama đề nghị tăng thuế 5% đối với những người giàu có thu nhập từ hơn 1 triệu USD/năm.

Tầng lớp người giàu và các nghị sỹ Cộng hòa đã phản đối đạo luật này, cho rằng nó sẽ làm tăng khoảng 500 tỷ USD tiền thuế đối với người Mỹ./.

(TTXVN)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)