Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giải pháp… “đánh đố” thí sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT yêu cầu những thí sinh (TS) học trung cấp, CĐ muốn liên thông (LT) lên CĐ, ĐH nhưng tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng phải tham gia kỳ thi 3 chung với các TS dự thi ĐH, CĐ chính quy. Tại các trường, số lượng TS đăng ký dự thi LT không phải là ít nhưng cơ hội của những TS  này thực sự mong manh.
Thi 3 chung nên chung điểm sàn
Theo ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, năm nay các TS dự thi LT CĐ, ĐH thi 3 chung với TS chính quy nên cũng sẽ phải chung điểm sàn. Điều này thực sự đặt các TS LT vào sự khó khăn. Bởi thực tế, sau 2-3 năm xa rời kiến thức THPT, những TS này khó có thể đạt được “ngưỡng” theo quy định của bộ. Trước đó, trả lời báo chí, lãnh đạo các vụ, cục chức năng của Bộ GD-ĐT đều cho rằng cách làm này sẽ hạn chế những TS muốn đi đường vòng vào ĐH. Điều này là đúng nhưng cũng lại không đúng. Thứ nhất, những TS này đã đủ điều kiện vào TCCN hoặc CĐ, họ cũng đã trải qua một thời gian để học những môn liên quan đến nghề nghiệp sau này và họ đã đủ điều kiện để “qua” (đã tốt nghiệp). Học tiếp lên bậc học cao hơn cũng có nghĩa là họ sẽ được nâng cao trình độ nghề nghiệp của mình. Do đó, không có lý do gì để được học cao hơn, họ lại phải thi các kiến thức học ở THPT. Thứ hai, đây vẫn là cách làm “ngược” của Bộ GD-ĐT. Cho rằng đây là một giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục của ngành nhưng thực tế, đây là cách để siết đầu vào như những cách làm lâu nay của bộ. Trong khi tất cả các nước trên thế giới tìm cách siết đầu ra thì Bộ GD-ĐT Việt Nam vẫn tìm cách chỉ để siết đầu vào và hy vọng cách làm đó sẽ nâng cao được chất lượng. Sự phi lý này đã dẫn đến việc hàng năm, số lượng tiền của Việt Nam chảy ra nước ngoài rất nhiều do các gia đình tìm cách cho con em mình đi du học.
Bên cạnh đó, trong khi chờ hướng dẫn của bộ các trường ĐH, CĐ cũng tiên liệu cách giải quyết của mình. Nhiều trường dự kiến sẽ xây dựng song song hai mức điểm chuẩn cho hai hệ chính quy và LT. Chưa có kết quả cụ thể, nhưng các trường đều cho biết, điểm chuẩn hệ LT sẽ thấp hơn hệ chính quy. Đại diện Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật thương mại, Hà Đông, Hà Nội, số học sinh trung cấp của trường thi LT năm nay khá đông. Để tạo điều kiện thuận lợi cho những TS này, trường sẽ xét điểm chuẩn riêng, chỉ cần điểm của TS không dưới điểm sàn quy định của Bộ GD-ĐT. Học viện Bưu chính Viễn thông cũng có ý định xây dựng điểm chuẩn riêng cho các TS thi LT năm nay. Trường cũng cho biết những TS này có thể sẽ có ưu tiên nhất định về mặt điểm chuẩn để khuyến khích tinh thần học tập, tuy nhiên, điểm cũng không thể quá thấp.
Khó qua “sàn”
Tuy khẳng định sẽ có điểm chuẩn riêng cho hệ LT, nhưng khi được hỏi, các trường đều không mấy tin tưởng sẽ có nhiều TS qua “sàn” của bộ. Tại các phòng thi, nhiều TS đến chỉ để có mặt hoặc ngủ và đa số trong các TS này là thi LT. Bỏ kiến thức 2, 3 năm, lại phải cập rập ôn thi tốt nghiệp, kiến thức THPT khó có thể còn lại trong đầu các TS thi LT. Hơn nữa, cách ra đề thi mỗi năm mỗi khác, phương pháp làm bài cũng khác đã khiến nhiều TS thi LT để giấy trắng. Ông Lê Hữu Lập, Phó giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông cho rằng năm nay sẽ có rất ít TS LT có thể đạt “sàn”. Ông phân tích, cách đây 3 năm các em vừa học xong chương trình THPT, kiến thức còn  “nóng”, được ôn luyện, chuẩn bị kỹ càng mà thi còn không đỗ thì sau 3 năm không động đến kiến thức, không có thời gian ôn luyện, khó có thể đỗ được. Ông Lập cho biết thêm, năm nay đề thi cũng có những câu phân hóa, có câu dễ, câu khó nhưng câu hỏi dễ cũng chỉ chiếm đến 3 điểm là cùng. Muốn đạt điểm trung bình không phải là dễ. Kết quả chấm thi bước đầu tại học viện đã khẳng định điều đó. Trong khi điểm sàn của bộ thường từ 13 điểm thì TS LT khó thể đạt được mức điểm này. 
Đưa ra một mức dây nhưng người ta không thể vượt qua, đây là giải pháp “đánh đố” TS chứ chưa chắc đã là giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)