Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Điểm khối ngành kỹ thuật tăng đột biến

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh thi vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM vui vẻ ra về vì làm bài được
Đánh dấu cho sự trở lại của nhóm ngành kỹ thuật năm nay chính là phổ điểm thi đẹp và điểm chuẩn tăng đột biến. Nhưng lo lắng của các trường lại nằm ở việc “giữ chân” thí sinh vào năm tới, khi mà các em có thể… “né” ngành kỹ thuật vì ngại điểm chuẩn cao.
Ngành kỹ thuật “lên giá”
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM lâu nay được biết đến là một trong những đơn vị “có tiếng” trong việc đào tạo khối ngành kỹ thuật. Thuộc hạng tốp trên nên hầu như điểm chuẩn của các ngành vào trường khá cao và ổn định, ít có chiều hướng giảm. Năm nay, TS. Lê Chi Thông (Trưởng phòng Đào tạo nhà trường) cho biết, điểm trung bình thí sinh vào trường tăng khoảng 3 điểm. Môn toán tăng khoảng 1 điểm và hóa tăng trên dưới 2 điểm. Theo đó, điểm chuẩn tăng đáng kể, từ 3 đến 4 điểm, có ngành tăng đến 4,5 điểm.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đơn vị có phổ điểm thi hằng năm thường chỉ ở mức trung bình, khá thì mặt bằng chung năm nay đã “nhích” lên mức 6-7. Điểm chuẩn cũng nằm trong ngưỡng từ 18 đến 20. Đại diện nhà trường cho biết, mức tăng tối đa có ngành lên đến 5 điểm. Có thí sinh thi vượt điểm chuẩn năm ngoái đến 2 điểm mà vẫn không giành được tấm vé vào học.
Cuộc cạnh tranh “gay gắt” vì lượng thí sinh đầu quân đông, kèm theo điểm thi tăng cho phép các trường đào tạo ngành kỹ thuật có điều kiện lựa chọn nguồn tuyển chất lượng. Bản thân thí sinh cũng thấy việc đậu ĐH của họ thật sự… xứng đáng. Đại diện phòng đào tạo một trường đánh giá, việc thí sinh dịch chuyển sang nhóm ngành kỹ thuật cũng như điểm chuẩn của khối ngành này tăng lên chủ yếu do tác động của thông tin về cắt giảm chỉ tiêu, cơ hội việc làm bão hòa đối với nhóm ngành kinh tế. Bên cạnh đó, quy chế liên thông mới khiến học sinh dù học yếu cũng “khát khao” thi ĐH cho bằng được và rất ngại liên thông. Một số ngành kỹ thuật các năm gần đây lấy xấp xỉ “sàn” đã đáp ứng được nhu cầu này của thí sinh.
Liệu thí sinh có “lùi” về kinh tế?
“Điểm chuẩn tăng cao chắc chắn sẽ tác động đến xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh trong năm tới. Tuy nhiên, xu hướng chọn ngành nghề còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa như dư luận xã hội chẳng hạn” – TS. Lê Chi Thông nhận định.  Cũng theo TS. Thông, thí sinh bây giờ nắm bắt thông tin kinh tế, xã hội khá nhanh nhạy. Trước thực tế xã hội các em có thể đánh giá được nhu cầu ngành nghề, tuy nhiên đó mới chỉ là đánh giá trước mắt. Còn về lâu dài, có thể ngành này năm nay không khả quan mấy nhưng lại có tiềm năng trong 4-5 năm tới, khi sinh viên ra trường.
TS. Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cũng bày tỏ, sau vui mừng là nỗi lo, bởi tâm lý thí sinh ai cũng muốn học ĐH. Vì vậy nếu cùng “chen” vào một chỗ mà việc giành được suất học quá khó khăn do chọi đông quá thì hẳn nhiên các em sẽ tìm một hướng đi khác. Nỗi lo của trường là năm tới, sẽ có bộ phận thí sinh có thể “chùn bước” khi đăng ký vào trường do ngại điểm chuẩn quá cao.
Trong khi đó, đại diện một trường ĐH khác lại cho rằng, việc thí sinh “né” kỹ thuật, “lùi” lại kinh tế không thể diễn ra trong “ngày một ngày hai”. Ít nhất trong vòng vài năm tới, khi mà kinh tế “nóng” trở lại, nhu cầu việc làm thuộc khối ngành này tăng thì thí sinh mới quan tâm trở lại. Việc lựa chọn ngành nghề của thí sinh không phụ thuộc hoàn toàn vào điểm chuẩn.
Cũng theo vị đại diện này, công tác tư vấn hướng nghiệp các năm qua cho thấy không ít thí sinh dù có phần yêu thích nhóm ngành kinh tế nhưng do “áp lực” của vấn đề khan hiếm việc làm nên “đành chấp nhận” chọn lựa sang nhóm ngành kỹ thuật. Các em “phòng hờ” trong trường hợp “xui rủi” trượt ngành kỹ thuật, điểm số đó vẫn có thể dùng xét tuyển sang ngành thấp hơn và vẫn giành được cơ hội học ĐH. “Trước đây, cũng từng có giai đoạn khối kỹ thuật rất được quan tâm và khối ngành kinh tế không phải “hot”. Thí sinh thi không đậu kỹ thuật mới chuyển sang nhóm ngành kinh tế” – vị này nhìn nhận.
Dự báo của một số trường, việc điểm chuẩn khối kỹ thuật tăng cao chưa đủ khiến thí sinh “lội ngược dòng” lại vào nhóm ngành kinh tế trong năm tới. Thay vào đó, khả năng, một số ngành chọi đông tại các trường tốp trên năm nay sẽ có phần “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, xu hướng “đầu quân” của số đông thí sinh vào nhóm ngành kỹ thuật sẽ không thay đổi. Bởi cùng một ngành kỹ thuật, thí sinh không đủ điểm đậu ở trường tốp cao cũng có thể có suất học ở trường thuộc tốp thấp hơn.
Bài, ảnh: Mê Tâm
 
Theo dòng tuyển sinh
Sáng 25-7, ĐH Bách khoa Hà Nội đã hoàn thành mọi công đoạn chấm thi và chuẩn bị công bố. Trưởng phòng Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, thủ khoa là Nguyễn Thành Trung, học sinh Trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) được 29,75 điểm, làm tròn thành 30 (10-9,75-10).
Á khoa của trường được 29,5 điểm, đó là Vũ Đức Thuận, THPT Tứ Kỳ (Hải Dương). Theo thống kê ban đầu, toàn trường có hơn 1.000 thí sinh được từ 25 điểm trở lên. “Điểm chuẩn dự kiến vào trường năm nay tăng trung bình 3 điểm so với năm 2012”, ông Sơn cho hay.
H.Tuân
Trường ĐH Cần Thơ và ĐH Y dược Cần Thơ đã công bố kết quả thi tuyển sinh năm học 2013.
Theo ThS. Nguyễn Minh Trí, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Cần Thơ, điểm chuẩn của trường dự kiến tăng khá cao so với năm  trước. Chỉ tính số thí sinh đạt từ 14 điểm trở lên là 19.170 em. Từ 15 điểm trở lên: 14.744 em. Trường sẽ bổ sung  nguyện vọng 2 một số ngành để nâng cao chất lượng đầu vào.
Trường ĐH Y dược Cần Thơ có 12.055 thí sinh dự thi, tăng gần 5 lần so với năm 2012. Nhìn chung, phổ điểm  kỳ thi năm nay tăng nhiều so với năm 2012. TS. Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết: Năm 2012, điểm chuẩn của ngành y đa khoa và ngành dược học đều 23,5 điểm. Năm học 2013-2014, Trường ĐH Y dược Cần Thơ có chỉ tiêu 1.250, bao gồm cả chỉ tiêu hệ đào tạo theo địa chỉ. Dự kiến điểm chuẩn năm nay tăng khá nhiều, trước mắt ngành y đa khoa dự kiến điểm chuẩn là 25,5 điểm.
Đ.Phượng
Ngày 24-7, TS. Nguyễn Hoàng Việt, Trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng, thành viên Hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Nẵng năm 2013 cho biết, công tác chấm thi của ĐH Đà Nẵng hiện đang bước vào giai đoạn cuối. Mặc dù chưa có kết quả chính xác nhưng qua kết quả chấm thi sơ bộ cho thấy, mặt bằng điểm thi năm nay có tăng hơn so với năm ngoái. Dự kiến điểm chuẩn một số ngành thuộc khối C của Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng có thể cao hơn năm 2012 từ 1 đến 1,5 điểm; điểm chuẩn vào Trường ĐH Bách khoa và ĐH Kinh tế Đà Nẵng có thể tăng từ 2,5 đến 3,5 điểm.
Được biết, năm 2012, điểm chuẩn vào Trường ĐH Bách khoa là 16, ĐH Kinh tế là 17 điểm và điểm chuẩn các ngành khối C thuộc ĐH Sư phạm thấp nhất là 14,5 điểm.
Vĩnh Yên
 
Ngậm ngùi cho trường ngoài công lập
Để hút được thí sinh đến với mình, nhiều trường ĐH ngoài công lập đã phải bỏ ra rất nhiều công sức. GS. Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Thăng Long cho biết, xây dựng một trường ĐH ngoài công lập cũng giống như người mẹ nuôi một đứa con, cần một quãng thời gian 18 năm để “đứa con” trưởng thành.
Còn PGS.TS Phan Trọng Phức, Hiệu trưởng Trường ĐH Đại Nam cho biết, để có được sinh viên đến với mình, trường đã phải xây dựng mạng lưới tư vấn chân rết tại khắp các tỉnh thành trong cả nước. Công, của bỏ ra không biết bao nhiêu để kể. Dù đã đầu tư nhiều nhưng năm nay số lượng thí sinh đến dự thi tại trường cũng chỉ đạt con số khiêm tốn.
Không khỏi ngậm ngùi cho thân phận trường ngoài công lập, một vị hiệu trưởng cho biết từ sau Tết âm lịch, trường đã phải “đổ quân” về khắp các trường THPT để tìm kiếm thí sinh. Vất vả là thế nhưng hiệu quả cũng chưa đáng là bao vì từ ngày thành lập đến nay đã 6-7 năm nhưng trường chưa bao giờ tuyển đủ chỉ tiêu. Trong khi đó, vị hiệu trưởng này cũng cho biết, nhìn sang trường công lập, ví dụ như Học viện Kỹ thuật Mật mã, năm nay, Hiệu trưởng mới tham gia tư vấn tuyển sinh nhưng chỉ vài buổi nói chuyện, số lượng hồ sơ đổ về trường đã vọt lên con số hàng vạn.
Trong khi các trường công lập có khi không cần đợi điểm sàn của Bộ GD-ĐT cũng đã công bố điểm chuẩn thì các trường ngoài công lập vẫn đứng ngồi không yên vì không biết làm thế nào để tuyển đủ chỉ tiêu dù sẽ tuyển từ sàn.
Nghiêm Huê
 
 

Bình luận (0)