Bắt đầu từ năm học 2008-2009, Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng đã đẩy mạnh việc tổ chức đánh giá ngoài với nhiều hoạt động kiểm tra kỹ thuật công tác kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) phổ thông các trường được chấp nhận đánh giá ngoài. Đến nay, đã có 9 trường ở các bậc học từ TH đến THPT được công nhận đạt chất lượng giáo dục ở các cấp độ khác nhau. Thế nhưng hầu như các trường đều rơi vào tình trạng kiểm định xong… để đó!
Việc làm công phu
Qua kinh nghiệm của các trường tham dự KĐCL ngoài tại Đà Nẵng cho hay, nội hàm giữa các tiêu chí trường chuẩn và trường đạt chất lượng kiểm định ngoài gần như trùng nhau. Điểm khác biệt lớn nhất ở kiểm định ngoài đó là khâu tự đánh giá. Đây là khâu quan trọng nhất trong quy trình kiểm định. Các trường tự xem xét, nghiên cứu trên cơ sở các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng do bộ ban hành để báo cáo các điều kiện phục vụ dạy học như CSVC, nhân lực GV; tình trạng chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục… từ đó có những biện pháp khả thi để cải tiến chất lượng. Điều đó có nghĩa rằng, quá trình tự đánh giá cũng đồng thời thể hiện tính tự chủ và tính tự chịu trách nhiệm của nhà trường trong toàn bộ hoạt động giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Thể hiện một quá trình liên tục theo kế hoạch, được ưu tiên đầu tư nhiều công sức, thời gian, có sự tham gia của tất cả các bộ phận và cá nhân trong nhà trường. Để tránh việc “tự mình khen mình”, công tác tự đánh giá đòi hỏi tính khách quan, trung thực và công khai. Các giải thích, nhận định, kết luận đưa ra trong quá trình tự đánh giá phải dựa trên các thông tin, minh chứng cụ thể, rõ ràng, đảm bảo độ tin cậy. Bên cạnh đó, sau mỗi đánh giá tiêu chí phải rút ra kinh nghiệm cũng như đề ra phương án khắc phục khả thi nhất. Báo cáo tự đánh giá phải bao quát đầy đủ các tiêu chí trong tiêu chuẩn đánh giá chất lượng nhà trường.
Tuy nhiên trên thực tế, quá trình tự đánh giá cho thấy công tác đánh giá gặp nhiều vấn đề bất cập, khó khăn. Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Nhi (Hiệu trưởng Trường TH Hoàng Dư Khương – Q.Cẩm Lệ) cho biết: “So với trường chuẩn, kiểm định ngoài đòi hỏi công tác chuẩn bị kế hoạch, hồ sơ rất chi tiết và công phu. Sự tỉ mẫn thể hiện ngay từ khâu viết báo cáo trong quá trình minh chứng”. Cùng quan điểm trên, thầy Đỗ Văn Tây (Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt) nói: “Từ trước tới nay, trong các hoạt động đánh giá khác, quy trình thực hiện của các trường thường là viết báo cáo rồi mới tìm minh chứng. Bây giờ KĐCL thì tiến hành theo quy trình ngược lại. Bởi vậy, nhiều trường nhầm lẫn giữa báo cáo đánh giá KĐCL với báo cáo thông thường”.
Ở một khía cạnh khác, đa phần các BGH nhà trường tham gia kiểm định đều cho rằng, số lượng hồ sơ cần xây dựng quá nhiều, trong khi có rất nhiều tiêu chí trùng nhau. Để hạn chế lượng hồ sơ, các trường nghĩ ra giải pháp xây dựng đường dẫn các tiêu chí đó. Có những tiêu chí như cổng trường, hàng rào… là điều mỗi trường hiển nhiên phải có, nhưng khi kiểm định vẫn phải chụp hình, làm hồ sơ. Mặt khác, giữa tiêu chí trường chuẩn với kiểm định lại có nhiều tiêu chí trùng nhau nhưng trong quá trình làm kiểm định, các trường không được tích hợp hồ sơ mà phải làm lại từ đầu nên tốn nhiều thời gian.
Qua thực tế kiểm định có thể thấy, khâu quan trọng nhất trong KĐCLGD là từ khâu tự đánh giá, các trường phải hình thành được các biện pháp cải tiến chất lượng mang tính khả thi. Ông Lê Văn Tùng (Chuyên viên Phòng GD-ĐT Hải Châu, phụ trách công tác KĐCLGD) cho rằng, chỉ với công tác KĐCLGD thì các trường mới có thể đánh giá những điểm mạnh, yếu một cách có hệ thống.
Xong rồi… bỏ xó
Trong quá trình KĐCL, bất cứ CBQL nào cũng phải nắm được thực trạng của cơ sở giáo dục mình quản lý, thế nhưng, xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng sao cho đảm bảo tính khả thi lại là một việc khác. Qua quá trình kiểm định, có ý kiến cho rằng, nếu không tham gia kiểm định thì việc rà soát, bổ sung các điều kiện để đảm bảo và nâng cao chất lượng giảng dạy vẫn phải là việc làm thường xuyên của các cơ sở giáo dục. Công tác kiểm định gặp khó khăn vì đội ngũ cán bộ phải vừa làm công tác chuyên môn vừa xây dựng hồ sơ. Nguyên nhân dẫn đến góc nhìn khắt khe trên một phần xuất phát từ những khâu rối rắm của kiểm định. Về nâng cao chất lượng GV, cô Nguyễn Thị Thu Nhi cho rằng, GV muốn tiếp tục học lên cao để nâng chuẩn nhưng khó ở chỗ, để đảm bảo kế hoạch nhưng ở Đà Nẵng không có lớp đào tạo cao học giáo dục tiểu học mà muốn học phải ra tận TP.Huế, trong khi GV vừa công tác vừa học tập thì gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể, thời gian quy định lập hồ sơ từ 8 đến 10 tuần nhưng trên thực tế các trường phải mất một năm trời mới hoàn thành.
Nhiều CBQL nhận xét rằng, so với việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, thì khối lượng công việc của KĐCL rõ ràng đòi hỏi ở một mức độ cao hơn. Thế nhưng, trên thực tế, lại chưa có những ràng buộc về quyền lợi và nghĩa vụ đối với những trường đạt hoặc chưa đạt các tiêu chuẩn về chất lượng. Thầy Đỗ Văn Tây trăn trở: “Khi kiểm định xong phải được xã hội công nhận, phải có sự lan tỏa trong ngành và toàn xã hội”. Tuy nhiên hiện nay, việc kiểm định nhận giấy chứng nhận xong rồi các trường gần như… bỏ xó. “Ít ra thì cũng cần có quyền lợi trong việc tuyển sinh ngoại tuyến, đằng này chỉ nhận được mỗi tờ giấy chứng nhận và không có gì khác”, cô Nguyễn Thị Vân Anh (Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Độ) băn khoăn. Mặt khác, theo thầy Tây, tâm lý chung của phụ huynh không quan tâm đến đạt chuẩn hay không đạt chuẩn. Mà hầu hết họ chỉ chạy theo cái thương hiệu đã tồn tại bấy lâu, mặc dù những trường đó nếu đem ra kiểm định chưa chắc đã đạt chất lượng.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)