Theo báo cáo “Phát triển Giáo dục Đại học đáp ứng yêu cầu công việc – Những kĩ năng và nghiên cứu vì sự phát triển của Đông Á” của Ngân hàng Thế giới (World Bank), dù đã đạt được những thành tựu ấn tượng, song giáo dục đại học của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém về năng lực quản lý, đặc biệt là đào tạo kĩ năng mềm cho sinh viên.
Trăn trở với bài toán thiếu kĩ năng mềm
Là chìa khóa then chốt cho sự phát triển của đất nước, giáo dục đại học đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Những cá nhân tốt nghiệp đại học luôn ghi được điểm số cao hơn về các biện pháp trong năng lực kĩ năng so với những người không học đại học. Những quốc gia có nhiều sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành khoa học kĩ thuật và đầu tư vào nghiên cứu giáo dục đại học có xu hướng đạt được những kết quả đổi mới tốt hơn nước khác là những ví dụ điển hình khẳng định tầm quan trọng trong giáo dục đại học tại các quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ.
Hiện nay, giáo dục đại học của Việt Nam còn tồn tại khá nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng. Trong vài thập niên trở lại đây, việc cải thiện kĩ năng mềm cho sinh viên Việt vẫn là một bài toán lớn với nhiều thách thức. Bảng xếp hạng quốc tế và đầu ra các nghiên cứu cho thấy hệ thống giáo dục đại học Việt Nam không chú trọng vào nghiên cứu chất lượng đầy đủ. Thậm chí có rất ít các trường đại học đào tạo các lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ cao. Ví dụ, theo các cuộc khảo sát gần đây, có không tới 3% doanh nghiệp tuyên bố hợp tác với các trường đại học hoặc các viện nghiên cứu về vấn đề phát triển sản phẩm. Không tới 20% giảng viên của các trường Đại học ở Việt Nam có trình độ Tiến sĩ, và phần lớn công việc chính của họ cũng chỉ là giảng dạy chứ không có trách nhiệm nghiên cứu.
Sinh viên Việt Nam còn thiếu hụt nhiều kĩ năng mềm. Ảnh: Internet.
|
Các nhóm kĩ năng cần thiết cũng chưa được trang bị đầy đủ cho sinh viên Việt. Người sử dụng lao động Việt Nam nhận thấy sự yếu kém đặc biệt nghiêm trọng trong kĩ năng giao tiếp và tiếng Anh cũng như kiến thức thực tế trong công việc của một sinh viên mới ra trường. Việc thiếu kĩ năng mềm được thể hiện rõ nhất trong các ngành công nghệ chuyên sâu, làm hạn chế khả năng cải tiến và đổi mới công nghệ. Rõ ràng việc đào tạo kĩ năng mềm tại Việt Nam còn quá nhiều yếu kém và đòi hỏi những thay đổi mạnh mẽ.
Tạo sự liên kết giữa trường Đại học với thế giới bên ngoài
Bà Emanuela Gropello, Chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Ban Phát triển Con người, khu vực Đông Á Thái Bình Dương, một trong những tác giả của báo cáo trên cho hay: “Giáo dục đại học của Việt Nam đang đi theo xu hướng đúng và có những bước phát triển mới, tuy nhiên vẫn còn phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc cải thiện kĩ năng mềm cho sinh viên, và tạo nên một hệ thống đại học có liên kết với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu”.
Các diễn giả tham gia xây dựng báo cáo của World bank cùng đồng tình khi cho rằng nguyên nhân của tình trạng thiếu kĩ năng mềm tại các trường đại học Đông Á, trong đó có Việt Nam xuất phát chủ yếu từ việc thiếu liên kết giữa các trường đại học với các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp.
Chính sự tách rời khỏi những nhân tố cốt lõi khác của ngành giáo dục đại học đã khiến giáo dục đại học tại Việt Nam không tạo ra được những kết quả mong đợi. Bà Emanuela cho biết, tại Việt Nam, việc không liên kết giữa cơ sở giáo dục đại học với các công ty trong vấn đề đào tạo kĩ năng và thúc đẩy nghiên cứu, giữa các cơ sở giáo dục đại học với các viện nghiên cứu, giữa các cơ sở giáo dục đại học với nhau, giữa cơ sở giáo dục đại học với các cơ sở giáo dục dự bị là một trong những nguyên nhân khiến sinh viên bị thiếu hụt kĩ năng mềm.
“Đưa các trường đại học của Việt Nam vào trong một chỉnh thể thống nhất, tạo sự liên kết, tương tác với các thành phần khác bên ngoài xã hội như: viện nghiên cứu, doanh nghiệp… là cách thức tốt nhất để đảm bảo vốn kĩ năng mềm cho sinh viên và hướng tới một nền giáo dục có hiệu quả cao tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam”, bà Emanuela khẳng định.
Theo Thu Thủy
(QĐND Online)
Bình luận (0)