Trong hệ thống giáo dục – đào tạo quốc dân, đại học là bậc học có nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH đất nước. Ðể đáp ứng nhu cầu đào tạo, mạng lưới trường đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) đã được quy hoạch theo từng thời kỳ và do đó hằng năm có nhiều trường được thành lập thêm.
Tính đến cuối tháng 9-2009, cả nước có 440 trường ÐH, CÐ, trong đó có 312 trường mới được thành lập hoặc nâng cấp trong mười năm qua. Mỗi tỉnh, thành phố ít nhất có một trường ÐH, CÐ, trừ tỉnh Ðác Nông. Chưa dừng lại ở đó, nhiều địa phương, nhiều ngành đang tiến hành thủ tục hoặc dự kiến mở thêm các trường ÐH, CÐ mới.
Ðể đáp ứng nhu cầu đào tạo, nhất là thực hiện nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, việc thành lập mới hoặc nâng cấp các trường thành ÐH, CÐ là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện việc có thêm nhiều trường ÐH, CÐ như hiện nay có bảo đảm được chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu lao động mà xã hội đang cần không? Thống kê mới đây cho thấy, chỉ có hơn 60% số sinh viên tốt nghiệp ÐH có việc làm và cũng chỉ có khoảng chừng ấy tỷ lệ phần trăm sinh viên trong số đó là làm việc đúng ngành nghề đào tạo. Kỳ tuyển sinh năm 2010 và 2011 có nhiều trường ÐH, CÐ tuyển không đủ chỉ tiêu, thậm chí một số ngành không có thí sinh đăng ký dự thi. Nhiều trường ồ ạt mở thêm ngành, tăng chỉ tiêu đào tạo, dẫn đến chất lượng và hiệu quả đào tạo không đạt như mong muốn.
Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp có chức năng tăng cường đổi mới công tác quản lý giáo dục ÐH; nhất là lập lại trật tự, kỷ cương; kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ việc cho phép thành lập trường, mở thêm ngành đào tạo. Trước hết, cần thẩm định kỹ năng lực và sở trường, nhất là các yếu tố và điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo trước khi cho phép thành lập hoặc nâng cấp của từng trường. Cần thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát; nếu phát hiện cơ sở đào tạo nào không bảo đảm điều kiện thì kiên quyết không cho phép thành lập, nâng cấp, tăng chỉ tiêu hoặc mở thêm ngành, chuyên ngành. Thậm chí là giải thể nếu xét thấy cần thiết.
Kỳ tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2011 này cũng đã cho thấy sự mất cân đối trong ngành nghề đào tạo. Thí sinh dự thi trúng vào khối ngành kinh tế chiếm tới 27%, trong khi ngành khoa học cơ bản chưa đạt tới 3%. Khối các ngành kỹ thuật như công nghệ vật liệu, cơ – kỹ thuật, những mùa tuyển sinh gần đây điểm chuẩn hạ ngang bằng điểm sàn vẫn không có người theo học. Tại các trường đại học có nhiệm vụ đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho địa phương hoặc khu vực, nhóm ngành kỹ thuật, nông lâm cũng đứng trước nguy cơ phải đóng cửa. Từ thực tế đó ngành giáo dục cần đẩy mạnh hơn nữa công tác hướng nghiệp ngay trong trường phổ thông. Cần làm tốt việc dự báo nguồn nhân lực, hoạch định chiến lược đào tạo một cách khoa học, nhất là gắn đào tạo với nhu cầu xã hội. Các cơ sở đào tạo, cần chấp hành quy định về thành lập trường và mở ngành; nhất là cần đặt tiêu chí chất lượng và hiệu quả đào tạo lên hàng đầu; tránh vì theo phong trào hoặc vì mục đích lợi nhuận mà cố tình xin thành lập trường, mở thêm ngành, tăng quy mô tuyển sinh khi chưa đủ điều kiện.
Theo THẠCH ANH
(NDDT)
Bình luận (0)