Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thi tốt nghiệp THPT: Ôn tập thế nào cho hiệu quả?

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân trong giờ ôn tập môn văn. Ảnh: Như Hùng
Bộ GD-ĐT vừa công bố 6 môn thi tốt nghiệp. Năm nay, Bộ GD-ĐT không phát hành bộ tài liệu chuẩn kiến thức kỹ năng, do đó, các trường phải tự lên kế hoạch, phương án ôn luyện cho học sinh. Như vậy làm thế nào để có một kết quả tốt cho học sinh (HS) trong kỳ thi sắp tới?
Xoay quanh vấn đề này, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT yêu cầu: Các trường phải hoàn thành chương trình lớp 12 THPT theo đúng kế hoạch của các sở GD-ĐT, không được cắt xén chương trình đã qui định. Các trường THPT chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên dạy môn thi tốt nghiệp THPT chủ động xây dựng tốt kế hoạch, nội dung ôn tập; biên soạn hệ thống câu hỏi và bài tập phù hợp; có hướng dẫn, gợi ý trả lời…
PV: Ông có thể cho biết trọng tâm của chương trình ôn luyện cho HS?
Tổ chức việc ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, chú trọng việc giúp HS thông hiểu và vận dụng kiến thức. Bên cạnh việc ôn tập trong quá trình dạy học, thực hiện chương trình, SGK theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của bộ, nhà trường và giáo viên cần tổ chức tốt việc ôn tập cho HS theo từng chủ đề: nội dung trong mỗi chủ đề có thể bao gồm kiến thức, kỹ năng của các chương, bài khác nhau; đồng thời ôn tập tổng hợp kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12: nội dung tổng hợp của tất cả các chủ đề đã được ôn tập. Giáo viên cần hướng dẫn HS cách thức sử dụng SGK, sách bài tập theo qui định của bộ.
Việc sử dụng tài liệu tham khảo (nếu có) để hỗ trợ phương pháp dạy – học cần được cân nhắc thật cẩn thận. Bộ GD-ĐT còn yêu cầu: Trong việc tổ chức ôn tập, cần hướng dẫn HS vận dụng các phương pháp ôn tập phù hợp; kết hợp hướng dẫn HS tự học, tự ôn tập với ôn tập theo nhóm và ôn tập chung cả lớp. Đối với HS khá, giỏi cần có thời gian ôn tập linh hoạt, tăng cường tự học có sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn.
Thưa ông, năm trước một số trường THPT đã tổ chức “cắm trại” ôn thi cho HS lớp 12 cả ngày lẫn đêm. Theo ông, các trường nên tổ chức cho HS ôn tập như thế nào để đảm bảo hiệu quả mà không gây quá tải đối với cả thầy và trò?
Tôi cho rằng, việc dạy học, rèn luyện kỹ năng phải tiến hành trong suốt quá trình học tập của cả năm học chứ không phải chỉ đến khi kỳ thi gần bắt đầu thì mới ôn tập. Việc tổ chức ôn tập thế nào cho phù hợp và có hiệu quả với HS của mình thì không ai có thể làm tốt hơn giáo viên, HS và chính lãnh đạo của trường đó. Tuy nhiên, bộ đề nghị các nhà trường và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải thống nhất với HS, với phụ huynh HS để sắp xếp thời gian hợp lý cho con em họ học tập có hiệu quả nhất, nhưng không quá tải.
Ông có lời khuyên nào cho thí sinh để chuẩn bị bước vào kỳ thi này?     
Trong quá trình học cũng như ôn tập, các em nên dành thời gian cho việc rà soát, hệ thống lại phần kiến thức đã được học, sao cho học ôn được đến đâu chắc đến đó; rèn luyện cách phân tích đề thi, cách trình bày bài thi theo đặc thù từng môn thi, hình thức thi; chuẩn bị cho mình tâm lý tự tin trước khi bước vào kì thi. Cần giữ gìn sức khỏe để đảm bảo hoàn thành giai đoạn học tập và ôn thi với cường độ có thể cao hơn so với giai đoạn trước; cũng cần tránh tình trạng học cả ngày rồi lại thức suốt đêm để học, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)

“Giáo viên chủ nhiệm lớp phối hợp với giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp để phân nhóm HS lớp mình theo khả năng nhận thức; tập trung ôn tập nhiều hơn cho những HS học lực yếu; cử giáo viên có khả năng và kinh nghiệm kết hợp vận động những HS khá giỏi hỗ trợ thêm, giúp những HS này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi”, ông Chuẩn nói.

 

Bình luận (0)