SV Trường ĐH KHTN TP.HCM thực hành trong phòng thí nghiệm. Ảnh: M.Tâm |
Không thể phủ nhận những thành tựu mà giáo dục ĐH đã đạt được trong thời gian qua, tuy nhiên, chúng ta vẫn còn đó những điều cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Quy mô đào tạo vượt xa năng lực đào tạo
Theo ông Lê Văn Học, phó trưởng đoàn giám sát của Quốc hội, từ năm 1987 đến 2009, số sinh viên (SV) cả nước tăng 13 lần nhưng số giảng viên (GV) chỉ tăng 3 lần. Tỷ lệ SV/GV quá cao so với quy định (28 SV/GV). Ở một số trường, tỷ lệ này lên đến 40 lần. Số SV không chính quy của cả nước trong năm học 2008-2009 chiếm hơn 50% tổng số SV các trường ĐH, CĐ. Nhìn chung, ở các trường ngoài công lập, số GV thỉnh giảng nhiều gấp 2 lần số GV cơ hữu khiến cho cơ sở đào tạo khó chủ động thực hiện kế hoạch đào tạo và khó đảm bảo chất lượng đào tạo. Giờ giảng của GV một số trường, một số môn học quá cao, đặc biệt là GV các môn chung và GV nhóm ngành hấp dẫn. Nhiều GV dạy tới 1.000 tiết/năm, trong khi quy định chỉ dừng lại ở 260 tiết/năm. Tỷ lệ GV có bằng TS trở lên còn ít, chỉ có trên 6,2% là TS và trên 2% là PGS, GS.
Đầu tư ngân sách hàng năm cho SV theo quy định của Nhà nước là 6 triệu/SV/năm. Tuy nhiên, do số lượng SV tuyển vào của các trường thường vượt chỉ tiêu nên suất đầu tư thực tế từ ngân sách nhà nước chỉ đạt 2,5 triệu – 3 triệu/SV/năm.
Cơ sở vật chất của hầu hết các trường ĐH, CĐ thời gian qua đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn ở trong tình trạng yếu kém. Theo đoàn khảo sát, đa số các trường có diện tích quá hẹp, diện tích phòng học, giảng đường của nhiều trường chưa đạt tiêu chuẩn (6m2/SV). Có những trường tỷ lệ này còn rất thấp như ĐH Luật Hà Nội chỉ 0,65m2/SV, ĐH Văn hóa 1m2/SV… và hầu như chưa có trường nào đủ diện tích để bố trí chỗ làm việc cho GS, PGS cũng như GV chính.
Chất lượng đào tạo: Bài toán còn nhiều ẩn số
Báo cáo của đoàn giám sát cho thấy, việc mở ngành của nhiều trường ĐH còn lỏng lẻo, đôi khi chưa phù hợp với yêu cầu chuyên môn và thực tế. Trong 10 năm qua, đã có 347/355 lượt trường đăng ký mở ngành. Việc Bộ GD-ĐT cho phép mở ngành và giao chỉ tiêu tuyển sinh mà không bắt buộc kiểm tra hồ sơ thực tế tại các trường đã dẫn đến tình trạng nhiều ngành mở ra không có đủ điều kiện đảm bảo chất lượng như quy định của pháp luật và cam kết của trường. Một số ngành mới mở ở các trường không phù hợp với trình độ ĐH như nấu ăn, võ thuật, thời trang… Bên cạnh đó, do tư duy quản lý chậm đổi mới nên các trường thường ít chủ động mở rộng mối quan hệ với các đơn vị sử dụng lao động. Phần lớn các trường hiện chưa chú trọng đến công tác tư vấn nghề nghiệp – việc làm cho SV. Đội ngũ làm công tác này chủ yếu là kiêm nhiệm.
Câu đố ĐH vùng
Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Tổng hợp TP.HCM (nay là ĐH QG TP.HCM), nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước, chuyên gia được mời của đoàn giám sát, 8 trường ĐH, CĐ ở Huế và Đà Nẵng trong năm học 2008-2009 đã đào tạo trên 210 ngàn SV nhưng trong đó, SV chính quy chỉ chiếm 38,04%, SV không chính quy chiếm trên 28% và SV đào tạo từ xa chiếm tới 28,1%. Riêng ĐH Huế, tỷ lệ SV đào tạo từ xa chiếm đến 51,1%. Từ thực tế này, GS Trân đặt ra rất nhiều câu hỏi. Thứ nhất, tỷ lệ SV chính quy thấp liệu chức năng, nhiệm vụ của ĐH có bị lệch hướng không? Liệu chất lượng đào tạo không chính quy và từ xa có được đảm bảo hay không? Sản phẩm của hai loại hình đào tạo này chất lượng ra sao? Cách quy đổi do Bộ GD-ĐT đề ra 5-6 SV không chính quy và nhiều hơn nữa cho đào tạo từ xa bằng một SV chính quy, bản thân nó phải chăng đã khẳng định có một sự giảm giá nào đó với hai loại hình đào tạo này? Đội ngũ GV của 8 trường ĐH, CĐ này cũng là một câu hỏi lớn. Số GV có trình độ ThS trở xuống chiếm tỷ trọng trên tổng số GV cơ hữu từ 67,1% đến 100%. Tại Trường CĐ CNTT Hữu nghị Việt – Hàn, 100% GV có trình độ ThS trở xuống. ĐH Sư phạm Huế có 232 GV cơ hữu, bao gồm 63 TS, 109 ThS và 60 cử nhân. Trường mời thêm 331 GV thỉnh giảng, trong đó có 215 TS, 75 ThS và 1 chuyên khoa I, 40 cử nhân. Như vậy, tổng số GV thỉnh giảng của trường gấp 1,43 lần GV cơ hữu, trong đó số TS thỉnh giảng gấp 3,41 lần TS cơ hữu. Theo báo cáo của ĐH Huế, trường có 213 TS cơ hữu và 86 TS thỉnh giảng. Vậy, 215 TS mà ĐH Sư phạm Huế mời thỉnh giảng đến từ đâu?
Nghiêm Huê
Bình luận (0)