Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo viên ngoại thành: Lao đao vì giá cả

Tạp Chí Giáo Dục

Còn mấy tháng nữa lương mới tăng, thế nhưng các mặt hàng thiết yếu đã rục rịch tăng. Đặc biệt, trong những ngày giáp Tết, mặt hàng thực phẩm tăng khá mạnh. Theo đó đời sống của giáo viên, nhất là giáo viên ngoại thành đã khó nay lại càng khổ…
Cái gì cũng tăng, trừ lương
Phải đến tháng 5-2010, lương căn bản mới tăng từ 650.000 đồng lên 730.000 đồng thế nhưng bắt đầu từ gần cuối tháng 11-2009 đã có nhiều loại hàng hóa rục rịch tăng giá.
Điển hình như kể từ ngày 14-1-2010, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được phép điều chỉnh giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu tăng lên. Theo đó, xăng A92 tăng lên 16.400 đồng/lít, xăng A95 lên 16.900 đồng/lít. Giá xăng tăng, đồng nghĩa với việc mỗi ngày những người tham gia giao thông bằng xe gắn máy, trong đó có đội ngũ giáo viên phải chi thêm tiền để đổ xăng.
Không chịu lép vế với xăng dầu, điện và nước cũng hùa theo để nâng giá. Và mặt hàng tăng giá nhiều nhất, ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống hàng ngày của người dân chính là thực phẩm. Người dân có thể bỏ xe máy để đi xe đạp vì xăng tăng giá, thay nước máy bằng nước giếng… nhưng không thể nhịn ăn được. Vì vậy, dù giá thực phẩm tăng từng ngày, người tiêu dùng vẫn phải móc hầu bao ra để mua.
Đặc biệt, trong những ngày giáp Tết, lợi dụng nhu cầu mua nhiều thực phẩm của người dân, các mặt hàng thực phẩm đều đua nhau tăng giá. Từ bánh mứt, rau – củ – quả cho đến thịt, cá đều tăng giá.
Cô Hoa – giáo viên mầm non ở huyện Bình Chánh cho biết: “So với mọi năm thì năm nay tiền Tết có tăng, nói là tăng nhưng thực ra cũng chỉ có 600.000 đồng. Số tiền này chỉ đủ mua một cặp bánh chưng, một cây chả giò. Trong khi đó Tết có bao nhiêu thứ phải mua. Ngoài thực phẩm ra cũng phải mua hoa, cây cảnh cho có không khí Xuân chứ. Đặc biệt là phải mua quần áo mới cho hai đứa con. Cha mẹ thì có thể mặc quần áo cũ nhưng con cái thì sao nỡ – bạn bè nó có mà nó không có thì tủi lắm. Năm nào cũng vậy, thấy Tết đến là sợ. Năm nay lại càng sợ hơn vì cái gì cũng tăng chóng mặt, chỉ có thu nhập của giáo viên là không thấy tăng…”
Thu không thể đủ… chi

Cô Trịnh Thanh Phương, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tạo (Nhà Bè) cho học sinh ăn bữa trưa. Ảnh: H.Triều

Nếu nói về lương, giáo viên dạy ở ngoại thành hơn giáo viên dạy ở nội thành tới 500.000 đồng/tháng. Nhưng, ngoài lương ra, các thầy, cô dạy ở đây chẳng còn nguồn thu nhập nào cả. Tiền dạy buổi thứ hai ư ? Một lớp có 30 học sinh thì có tới 20 em thuộc diện xóa đói giảm nghèo, diện chính sách nên được miễn, giảm tiền học phí. 10 em còn lại, tháng nào may mắn thì được 8 em đóng, thường thì chỉ có 5 – 6 em. Với mức học phí 30.000 đồng/tháng/học sinh, giáo viên chỉ được lãnh 70%, thì làm một phép tính đơn giản sẽ thấy, dạy cả tháng các thầy, các cô chỉ nhận được trên dưới 100.000 đồng. Cô Đ.T.H. trước đây dạy Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tạo, Nhà Bè nay về một trường khác cũng ở huyện Nhà Bè bức xúc: “Mỗi tháng chỉ nhận được vài chục ngàn đồng tiền dạy buổi thứ hai. Nguyên nhân là do phần lớn gia đình học sinh quá nghèo, dù các em có muốn đóng cũng không có tiền để đóng. Nhiều lúc chồng tôi bực bội kêu nghỉ dạy ra chợ bán rau có khi thu nhập lại cao hơn đi dạy…”.
Giáo viên ở nội thành có thể mở lớp dạy thêm tại nhà, hoặc dạy thêm ở các trung tâm nhưng đối với giáo viên ngoại thành dạy thêm là một thứ xa xỉ. Vì ngay cả học chính thức, giáo viên phải đến nhà từng học sinh năn nỉ các em mới chịu ra lớp thì làm gì có chuyện học sinh đi học thêm…
Thu nhập “hẻo” như vậy nhưng mức chi tiêu thì không ít hơn so với các đồng nghiệp ở nội thành, thậm chí còn cao hơn. Bởi hàng hóa phải đưa từ nội thành ra, nước sinh hoạt phải mua giá cao.
Đối với những giáo viên từ nội thành ra ngoại thành giảng dạy còn khó khăn gấp bội. Để ngày ngày được đứng trên bục giảng, cô N.T.T.A. (nhà ở quận 3) phải đi hơn 30 cây số đến trường ở xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Cô tâm tư: “Tổng thu nhập hàng tháng của tôi gần 2 triệu đồng. Để có được số tiền này mỗi ngày tôi phải đi từ 6 giờ sáng và đến 5 – 6 giờ chiều mới về đến nhà. Nếu như trừ đi tiền xăng xe (20.000 đồng/ngày), ăn sáng (15.000 đồng/bữa), ăn trưa (20.000 đồng/bữa)… thì xem như không còn dư được đồng nào”.
Những năm gần đây, khoảng cách về chất lượng giáo dục ở ngoại thành và nội thành đã được kéo giảm. Cở sở vật chất trường lớp ở ngoại thành cũng được đầu tư xây mới nhiều. Tuy nhiên, đời sống giáo viên ở đây vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Phần lớn giáo viên đều khó sống với đồng lương của mình. Và mỗi khi vật giá leo thang, các thầy, cô giáo lại lao đao…
Bài, ảnh: Hòa Triều
 

 

Bình luận (0)