Như Báo SGGP đã đưa tin, Thủ tướng đã ký quyết định điều chỉnh khung học phí đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học (ĐH) công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2009 – 2010. Theo đó, từ năm học 2009 – 2010, mức trần học phí ĐH đã được tăng từ 180.000 đồng/tháng lên 240.000 đồng/tháng. Hiện nay, các trường ĐH đang rục rịch tăng học phí.
Thu học phí theo ngành học
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Chính phủ trình đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009 – 2014 với mức tăng và lộ trình bị đánh giá là “gây sốc”, nhất là học phí ĐH. Vì vậy, Quốc hội đã ra Nghị quyết về vấn đề này theo hướng học phí đối với đào tạo nghề nghiệp và ĐH công lập thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước và người học.
Nghị quyết của QH cũng đã nêu rõ, chính sách học phí mới được thực hiện từ năm học 2010 – 2011. Riêng năm học 2009 – 2010, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, chưa ra khỏi suy giảm kinh tế, việc điều chỉnh tăng trần học phí tại các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và ĐH công lập chỉ thực hiện ở mức thấp mang tính quá độ trước khi thực hiện lộ trình điều chỉnh học phí từ năm học 2010 – 2011 đến năm học 2014 – 2015. Vì vậy, Chính phủ đã xác định trần học phí ĐH năm học mới này là 240.000 đồng/tháng.
Ngay sau khi quyết định này, nhiều ĐH đã chuẩn bị phương án tăng học phí. Ông Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trường đang nghiên cứu để điều chỉnh mức học phí phù hợp cho năm học mới. Học phí sẽ được thu tùy theo ngành học. Trong cùng một khoa, với các ngành khác nhau sẽ có mức học phí khác nhau. Khuynh hướng chung là các ngành “hot” sẽ có mức học phí cao (thu kịch trần 240.000 đồng/tháng) như Điện tử viễn thông, Tự động hóa… Các ngành dự kiến sẽ thu mức học phí thấp hơn như Dệt may, Luyện kim.
Ông Hoàng Ngọc Trí, Hiệu trưởng Trường ĐH Cộng đồng Hà Nội cũng cho biết sẽ điều chỉnh học phí theo từng ngành. Theo đó, các ngành công nghệ sẽ có mức học phí cao hơn so với các ngành kinh tế.
Vẫn không đủ bù chi?
Trong khi các trường khối ngành kỹ thuật dự kiến sẽ có nhiều mức học phí tùy theo độ “hot” của ngành thì không ít trường kinh tế cho biết sẽ tăng kịch trần. Và theo lý giải của nhiều trường, kể cả thu kịch trần thì học phí cũng “không giải quyết được gì nhiều”.
Giám đốc Học viện Ngân hàng Tô Ngọc Hưng cho biết, trường sẽ thu học phí ở mức cao nhất trong khung học phí được phép thu, là 240.000 đồng/tháng. “Mức tăng này cũng chỉ là tác động thêm về khoản thu cho trường, chứ không nhiều ý nghĩa so với những khoản tài chính mà trường phải bỏ ra”, ông Hưng nói. “Thu 240.000 đồng/sinh viên/tháng nhưng trên thực tế, cùng lắm, con số này chỉ được dùng 150.000 đồng. Chưa kể tới chúng tôi phải dành 15% trao học bổng cho sinh viên”, ông Hưng lý giải cho việc hàng năm trường phải bỏ ra một khoản lớn tiền bù đắp vào khoản miễn, giảm học phí cho các sinh viên thuộc diện chính sách.
Tương tự, năm học mới này, học phí của ĐH Ngoại thương sẽ là 240.000 đồng/tháng với hệ đại học và 200.000 đồng/tháng với hệ cao đẳng. Phí đào tạo của hệ đào tạo ngoài ngân sách cũng tăng 1 triệu/năm (từ 9 triệu đồng/năm lên 10 triệu đồng/năm). “Ở khung học phí cũ, hầu hết các trường cũng đã thu ở mức kịch trần là 180.000 đồng/tháng. Khung học phí mới, chúng tôi cũng sẽ thu ở mức kịch trần vì thực ra, với mức này, trường vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong tài chính, nhất là với trường tự chủ tài chính như ngoại thương”, bà Đào Thị Thu Giang, Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính của trường cho biết.
Ông Nguyễn Trọng Giảng cũng nói rằng, việc tăng học phí thêm 60.000 đồng/tháng cũng không giải quyết được nhiều cho vấn đề cải thiện chất lượng giảng dạy. “Các khoa đều cần có phòng thí nghiệm, trong khi một phòng thí nghiệm ở mức bình thường, đầu tư đã hết 1 tỷ đồng. Chúng tôi vừa xây dựng phòng thí nghiệm hóa hữu cơ hết 5 tỷ đồng. Với chi phí cao như thế thì mức học phí này vẫn là rất khiêm tốn”, ông Giảng nói.
Ông Đỗ Duy Truyền, Hiệu phó Trường ĐH Hà Nội cũng cho hay, “tăng lên 60.000 đồng/tháng, nhà trường chỉ gỡ được phần nào nguồn trả lương cho giáo viên”. Ông Lê Hữu Lập, Phó Hiệu trưởng Học viện Bưu chính Viễn thông thậm chí còn bày tỏ: “Nói thật, chúng tôi không quan tâm đến việc tăng học phí lắm, vì mức thu học phí công lập vẫn là quá thấp so với trường quốc tế hoặc dân lập, không đủ để trường trang trải gì nhiều”.
Phan Thảo (SGGP)
Bình luận (0)