Trong thời gian Tết Nguyên đán, nhiều khả năng sẽ xuất hiện đợt triều cường cao trên địa bàn thành phố. Vì vậy tình trạng tràn và vỡ đê bao có thể xảy ra. Thế nhưng tại các quận, huyện ven và ngoại thành tình trạng những con đê “già yếu” được xây dựng hàng chục năm nay được gia cố lại nhiều lần và không có dấu hiệu gì khả quan để ngăn triều cường trong những ngày Tết…
Hai tuyến đê bao chạy dọc theo rạch Cầu Đúc, quận Thủ Đức trong thời gian gần đây, đoạn chảy qua khu vực phường Hiệp Bình Phước vẫn cứ bị triều cường phá vỡ liên tục. Ở các rạch khác như: rạch Cầu Làng, rạch Lùn chảy qua các phường Linh Đông, Hiệp Bình Chánh, Tam Bình… cũng là vùng nhạy cảm của nhiều trận vỡ đê không phải chỉ xảy ra trong mùa mưa hay triều cường lớn, mà còn xảy ra ngay cả mùa nắng khô hạn. Có mặt tại đây vào những ngày cuối năm, nhiều tuyến đê này vẫn giữ nguyên trạng thái như cũ, chưa có động thái gì tích cực cho việc gia cố hay xây mới. Trên con rạch Cầu Làng đoạn chảy qua các khu phố 7, 8 của phường Hiệp Bình Chánh, nhiều đoạn đê đóng tràm cừ được gia cố từ nhiều năm nay giờ đang trong thời kỳ mục rữa, yếu ớt. Nhiều nơi do nước chảy siết nên khoét sâu vào làm rỗng chân đê, càng làm cho việc vỡ đê khó bề tránh khỏi.
Ở quận 12 nơi có hệ thống sông rạch chằng chịt và địa hình trũng thấp hơn 2,5 mét so với đỉnh triều cường hàng năm. Thế nhưng những con đê “già cõi” được đắp từ hàng chục năm nay, chắp vá nhiều do vỡ đi vỡ lại nên rất mong manh thì khó có thể ngăn được sức nước của triều cường vào cuối năm. Đơn cử như ở các phường Thạnh Lộc, An Phú Đông, Thạnh Xuân… trong đợt triều cường vừa qua, hàng chục mét đê bao tại đây đã bị vỡ và hàng ngàn mét đê bao bị nước tràn qua chảy vào khu dân cư, nhiều trường học phải đóng cửa cho học sinh nghỉ học. Hiện nay, các rạch chảy qua địa bàn quận như rạch An Phú Đông, rạch Thạnh Lộc, rạch Giao Khẩu, rạch Bà Hồng… là nơi có những tuyến đê yếu và chắp vá nhiều nơi. Thế nhưng công tác chuẩn bị gia cố để ứng phó với đợt triều cường trong những ngày Tết Canh Dần thì hầu như chưa có động tĩnh gì! Dẫn tôi ra con đê trước nhà, chị Nguyễn Thị Chín (khu phố 3, P. Thạnh Xuân, Q. 12), cho biết: “Đoạn đê này bị bẻ nhiều lần rồi, giờ có bẻ nữa cũng không sao. Nhìn lớp trên trô ráo vậy chứ bên dưới mục chân hết rồi. Không biết có chịu nổi con nước ba mươi Tết sắp tới, không chừng người dân xóm này bì bõm đón Xuân cũng nên…”.
Tại xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, trong năm vừa qua cũng là năm có nhiều sự cố về vỡ đê bao ở các ấp 1, 2, 3 , 4 và ấp 5. Khảo sát lại các tuyến đê nơi đây mới thấy lo lắng, nhiều nơi ở ven rạch Bà Hồng, đê bao bị triều cường làm vỡ giờ mới được vá lại một cách sơ sài. Trong khi đó nhiều tuyến đê xung yếu đi qua những khu đất bỏ hoang rất ít được quan tâm. Nhiều người dân ở đây bức xúc: “Không biết chủ đất ở đâu mà cứ để tình trạng đê bao già yếu như cái răng sắp rụng như thế này. Ngày tư ngày Tết mà vỡ đê thì dân địa phương lãnh đủ”.
Những con rạch chạy qua xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi như rạch Phú Cường, Tư Bắc, rạch Dứa, rạch Nhỏ, rạch Bà Đen, rạch Mười Lến… hiện cũng có dấu hiệu xuống cấp, người dân sống trong vùng thường xuyên phải sống chung với ngập lụt. Trong năm vừa qua, tại các nhánh rạch này thường xuyên bị nước triều cường tràn qua gây ngập úng cục bộ. “Năm nào những ngày Tết nước cũng vỡ hoặc tràn qua mặt đê, đường lầy lội, bùn sình nhão nhoẹt rất khó đi lại. Nghe dự báo năm nay tình trạng triều cường còn cao hơn mọi năm, nhưng với đê bao yếu thế này chắc người dân ở đây lại tiếp tục chịu cảnh ăn Tết với ngập quá!” – anh Trần Văn Lê, ấp 6, xã Bình Mỹ lo lắng.
HUỲNH SANG
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, ảnh hưởng do triều cường gây ra, tạo điều kiện cho nhân dân vui Tết, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão thành phố đề nghị: các phường, xã, thị trấn, đơn vị trực thuộc vận động, tuyên truyền nhân dân chủ động đề phòng, tránh tư tưởng chủ quan, mất cảnh giác trong việc ứng phó, xử lý các sự cố tràn bờ và bể bờ trong dịp Tết Canh Dần do triều cường gây ra; rà soát, kiểm tra hệ thống bờ bao và xử lý ngay các điểm bờ bao thấp, lỗ mọi, hàm ếch tránh nguy cơ tràn bờ, bể bờ. |
Bình luận (0)