Một quang cảnh dễ nhận thấy trong những ngày thi tuyển vào trường chuyên là việc phụ huynh thường tập trung đông trước cổng trường thi với tâm trạng lo âu, phấp phỏng. Có thể nói, vào học trường chuyên là mong muốn của nhiều bậc phụ huynh có con em chuẩn bị bước vào học ở các lớp đầu cấp THCS và THPT. Với mỗi lớp chuyên có sĩ số không quá 40 học sinh thì tỉ lệ “chọi” khi thi tuyển vào các trường chuyên không thua kém thậm chí còn vượt xa so với kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng cũng là điều dễ hiểu. Điều đáng nói là áp lực học không chỉ tác động tới những học sinh trong kỳ thi tuyển mà còn ảnh hưởng tới cả những học sinh đang học tập trong môi trường trường chuyên.
Vào học trường chuyên, học sinh có điều kiện học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục tốt, có đầy đủ cơ sở vật chất. Đặc biệt, học sinh sẽ được dìu dắt, dạy dỗ bởi một đội ngũ giáo viên có chất lượng. Không phải ngẫu nhiên mà tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp của các trường chuyên bậc THPT thường là 100%. Vào học trường chuyên, xác suất đậu đại học cũng thường rất cao. Với những ưu điểm, lợi thế nổi bật đó, các trường chuyên luôn có một sức hút lớn đối với những học sinh có học lực khá, giỏi và sự quan tâm đặc biệt của phụ huynh những học sinh này. Chính sự mong chờ, kỳ vọng quá lớn của các bậc phụ huynh vô tình đã tạo ra sức ép về mặt tâm lý cho học sinh. Nhất là với những học sinh có học lực trung bình hoặc trung bình khá, nhưng do sự ngộ nhận, thúc ép của phụ huynh mà đăng ký dự thi. Đến khi kết quả thi không như mong muốn đã rơi vào trạng thái hụt hẫng, tâm lý tự ti, buồn chán.
Áp lực trường chuyên còn thường xuyên được tạo ra và đeo đẳng, thường trực đối với nhiều học sinh học tập trong môi trường trường chuyên. Do học tập trong môi trường có nhiều học sinh ưu tú nên sự “cạnh tranh” diễn ra khá quyết liệt. Đây là động lực nhưng đồng thời cũng là áp lực lớn luôn đè nặng lên mỗi học sinh. Khối lượng kiến thức mà mỗi học sinh trường chuyên phải tiếp nhận thường “nặng” hơn từ 2 đến 3 lần so với học sinh ở các trường phổ thông bình thường, đồng thời với một lịch học dày đặc, căng thẳng hơn. Việc suốt ngày vùi đầu vào việc học đã “ngốn” hết thời gian vui chơi, giải trí của nhiều học sinh trường chuyên. Từ đó dễ dẫn đến những hệ quả không mong muốn về sức khỏe, tâm lý như: thiếu ngủ, mệt mỏi, không thích hòa đồng, cởi mở với mọi người xung quanh. Một số kỹ năng sống tối thiểu, cần thiết vì thế mà bị ảnh hưởng. Thậm chí, một số học sinh còn rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý, hành vi hoặc bị trầm cảm, tự kỷ.
Nhằm giảm áp lực trường chuyên cho học sinh, các bậc phụ huynh cần căn cứ vào học lực của con em để có sự định hướng phù hợp. Mỗi học sinh cần căn cứ vào khả năng của bản thân mà đưa ra quyết định có nên đăng ký dự thi hay không. Không nên chạy theo “phong trào”. Đối với những học sinh có năng lực học tập trung bình hoặc trung bình khá thì các bậc phụ huynh không nên đặt quá nhiều kỳ vọng và tạo sức ép tâm lý đối với con em mà chỉ nên xem đây là dịp để thử sức. Trên thực tế, với những học sinh có học lực trung bình hoặc trung bình khá khi học tập ở những trường phổ thông bình thường nếu có sự cố gắng, nỗ lực, tự tin và có phương pháp học tập phù hợp vẫn có thể gặt hái được thành công. Đối với những học sinh học tập trong môi trường trường chuyên, các nhà trường cần tạo ra nhiều hơn những sân chơi lành mạnh, bổ ích, những hoạt động ngoại khóa để giảm sức ép học hành hàng ngày. Nên chăng trong các trường chuyên, bộ phận y tế học đường bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe thể chất, cần được trang bị những kiến thức để có thể tư vấn, hỗ trợ kịp thời đối với những học sinh có biểu hiện rối loạn tâm lý, hành vi do áp lực học. Các gia đình có con em học trường chuyên cũng không nên chỉ quá chú trọng vào kết quả học tập mà sao nhãng, xem nhẹ đời sống tâm lý, tình cảm của con em.
BÙI MINH TUẤN
(Giáo viên Trường THPT Kim Liên – Nam Đàn – Nghệ An)
Bình luận (0)