Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhập nhằng… “trường quốc tế”

Tạp Chí Giáo Dục

Bài cuối: Trường “dỏm” – ai dẹp?

Đây là bảng cơ sở ngoại ngữ Không Giang Mới trước khi bị thanh tra

Sự xuất hiện của các trường quốc tế “dỏm”, các trung tâm ngoại ngữ “nhái” đã gây không ít phiền toái cho những nhà đầu tư giáo dục chân chính. Đặc biệt là gây thiệt thòi cho người học. Song, để dẹp được những trường “dỏm” lại không đơn giản chút nào…
“Quýt làm, cam chịu”
“Việc Trường Ngoại ngữ Không Gian Mới cố tình đặt tên (cả tiếng Việt và tiếng Anh), thiết kế logo, bài trí văn phòng theo những từ ngữ, hình ảnh, nhãn hiệu mà Cơ sở Ngoại ngữ Không Gian đã đăng ký và được bảo hộ gây rất nhiều trở ngại, phiền toái cho chúng tôi”, bà Đặng Thị Kim Anh – đại diện Cơ sở Ngoại ngữ Không Gian bức xúc.
Theo bà Kim Anh, khoảng đầu tháng 11-2008, một số giáo viên, nhân viên của Cơ sở Ngoại ngữ Không Gian nói với phòng nhân sự là muốn được về dạy, làm việc tại cơ sở mới ở số 425 Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp cho gần nhà. Không chỉ có vậy, nhiều học viên xuống phòng ghi danh thắc mắc không biết có phải Ngoại ngữ Không Gian vừa mở thêm chi nhánh ở đường Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp… Trước những thông tin này, Cơ sở Ngoại ngữ Không Gian đã tìm đến địa chỉ 425 Nguyễn Oanh để xác minh. “Tại đây, chúng tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy sự hiện diện của Trường Ngoại ngữ Không Gian Mới giống đến 90% Cơ sở Ngoại ngữ Không Gian. Thậm chí trong tờ quảng cáo chiêu sinh của Không Gian Mới đã ghi “Chương trình dạy bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, đặc biệt tập cho học viên phương pháp phản xạ”. Trên thực tế, tại Việt Nam chỉ có duy nhất Ngoại ngữ Không Gian được quyền sử dụng “Phương pháp phản xạ” và các giáo trình “Sách học tiếng Anh theo phương pháp phản xạ” theo hợp đồng sử dụng tác phẩm được ký ngày 4-6-2005 giữa Cơ sở Ngoại ngữ Không Gian và tác giả”, bà Kim Anh nhấn mạnh.
Trước đó, “Phương pháp phản xạ” là phương pháp dạy tiếng Anh đã được Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa Thông tin VN đã cấp Giấy chứng nhận Bản quyền tác giả số 809/2005 ngày 3-6-2005. Các giáo trình “Sách dạy tiếng Anh theo phương pháp phản xạ” từ tập 1 – Reflex 1000 đến tập 8 – Reflex 8000 cũng đã cấp Giấy chứng nhận Bản quyền tác giả từ số 896/2004/QTG đến số 903/2004/QTG ngày 16-8-2004.
Đại diện The British International School tố cáo Trường Mầm non Quốc tế Sáng Tạo (P.4, Q.Tân Bình) sử dụng hình ảnh học sinh và mẫu đồng phục học sinh của trường mình. Đặc biệt, chữ viết tắt của Trường Mầm non Quốc tế Sáng Tạo là CIS gần giống với chữ viết tắt của The British International School là BIS nên dễ gây hiểu lầm cho phụ huynh học sinh.
Trước những sai phạm của Ngoại ngữ Không Gian Mới và Trường Mầm non Quốc tế Sáng Tạo, cả Ngoại ngữ Không Gian và Trường BIS đều gửi đơn khiếu nại tới Thanh tra Sở GD-ĐT và yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết theo thẩm quyền.
Cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương
Trước những bức xúc của Cơ sở Ngoại ngữ Không Gian, Trường BIS, bà Bùi Thị Diễm Lệ – Phó chánh thanh tra Thanh tra Sở GD-ĐT cho biết: “Căn cứ Nghị định 49/2005 của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Sở GD-ĐT chỉ có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi hoạt động không phép của Cơ sở Ngoại ngữ Không Gian Mới và Trường CIS. Về việc xử phạt hành vi vi phạm bản quyền là thuộc về chức năng của tòa án, chúng tôi cũng đã hướng dẫn Không Gian và BIS những thủ tục này…”
Chiều 22-12, trao đổi với chúng tôi về những sai phạm hành chính của Trường CIS, bà Trần Thị Ngọc Oanh – cán bộ UBND P.4, Q.Tân Bình cho biết: “Sau khi có chỉ đạo của UBND quận, vừa qua chúng tôi đã “dẹp” được Trường CIS. Hiện tại, CIS đang hoàn tất hồ sơ xin thành lập nhóm trẻ gia đình tại địa chỉ mới (hẻm 190 Hoàng Văn Thụ) gửi UBND P.4…”.
Đối với hành vi hoạt động không phép của Cơ sở Ngoại ngữ Không Gian Mới, P.17, Q.Gò Vấp, theo ông Nguyễn Văn Nam – Chánh thanh tra Thanh tra Sở GD-ĐT thì “Thanh tra Sở đã có công văn gửi Công an Q.Gò Vấp yêu cầu hỗ trợ giúp đỡ giải quyết kiến nghị ngưng hoạt động của cơ sở này. Tuy nhiên, đến thời điểm này Thanh tra Sở GD-ĐT vẫn chưa nhận được hồi báo của Công an Q.Gò Vấp”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi bị các cơ quan nhà nước xử phạt, Cơ sở Ngoại ngữ Không Gian Mới đã gỡ chữ “Không Gian Mới” và thay vào đó là chữ “Nam – Âu”. Song, dù là Không Gian Mới hay Nam – Âu thì cơ sở này vẫn chưa được cấp phép hoạt động…
“Tuy bảng hiệu chính đã sửa đổi từ Không Gian Mới thành Nam – Âu nhưng phía bên trên vẫn để logo New Space giống với logo của Không Gian, bên trong phòng ghi danh để là Trường Ngoại ngữ New Space. Vẫn biết là Cơ sở Không Gian Mới vi phạm Luật sở hữu trí tuệ, Luật doanh nghiệp nhưng chúng tôi không muốn đưa ra tòa mà chỉ muốn nói chuyện phải trái với họ. Song, đã nhiều lần liên hệ với Không Gian Mới nhưng không lần nào gặp được ông Trương Minh Hiếu – hiệu trưởng…”, bà Kim Anh – đại diện Không Gian cho biết.
Còn việc đưa chi nhánh mới vào hoạt động mà chưa xin phép của Cơ sở Ngoại ngữ Đông Âu, ông Nam cũng cho biết: “Thanh tra Sở GD-ĐT TP.HCM đang mời đại diện Đông Âu tới giải trình, trên cơ sở đó sẽ ra quyết định xử phạt…”.
Hòa Triều
Việc ra quyết định xử phạt những trường “dỏm”, cơ sở ngoại ngữ “nhái” sẽ không phải nằm “trên giấy” nếu có sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương…

 

Bình luận (0)

Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhập nhằng… trường quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

LTS: Nhiều năm trở lại đây tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP.HCM, các trường quốc tế mọc lên như nấm sau mưa. Song, bên cạnh những trường có chất lượng, có uy tín cũng có không ít trường hoạt động theo kiểu… chụp giật, “treo đầu dê, bán thịt chó”.
Bài 1: “Ăn cắp” thương hiệu để hoạt động

Trường New Space chưa có giấy phép đã tuyển sinh

Thời gian gần đây Thanh tra Sở GD-ĐT TP.HCM liên tục nhận được đơn của các trường quốc tế phản ánh về tình trạng thương hiệu của trường bị các cơ sở giáo dục khác “ăn cắp”. Cụ thể như Trường Ngoại ngữ Không Gian tố cáo Trường Ngoại ngữ Không Gian Mới; Trường BIS tố cáo Trường CIS sử dụng hình ảnh học sinh của trường để quảng cáo, lấy mẫu đồng phục học sinh…
Chưa có giấy phép đã chiêu sinh
Ngay sau khi nhận được đơn phản ánh của Trường Ngoại ngữ Không Gian (The OuterSpace Language School), ngày 3-12-2008, Thanh tra Sở GD-ĐT đã làm việc với Trường Ngoại ngữ Không Gian Mới (New Space Language School). Trường New Space có trụ sở tại số 425 đường Nguyễn Oanh, P.17, Q.Gò Vấp. Trường có 4 chương trình đào tạo, đó là: TOEIC (cấp độ dự bị/4 khóa, cấp độ chính khóa/3 khóa); TOEFL (cấp độ dự bị/3 khóa, cấp độ chính khóa/4 khóa); Anh văn giao tiếp, Anh văn tổng quát (8 cấp độ); Anh văn thiếu nhi dành cho trẻ từ 6 đến 12 tuổi (6 cấp độ). Mức học phí từ 76 đến 160 USD/khóa học từ 2,5 đến 6 tháng.
Với những lời quảng cáo có cánh như: đội ngũ giáo viên nhiều kinh nghiệm, chuyên môn cao; giáo trình cập nhật hiện đại, phù hợp với nhu cầu học viên; thực tập với giáo viên bản ngữ, luyện chuẩn theo giọng Mỹ; cơ sở vật chất hiện đại; cam kết đạt TOEIC trên 700 điểm, TOEFL trên 80 điểm… Đặc biệt, chương trình Anh văn thiếu nhi còn được quảng cáo là: chương trình soạn thảo của Trường ĐH Cambridge; liên kết đào tạo chứng chỉ, bằng cấp quốc tế. Theo đó, chỉ trong vòng hơn 2 tháng (từ 18-9-2008 đến 2-12-2008), Trường New Space đã chiêu sinh được 181 học viên, thu 184.211.000 VNĐ.
Song, điều đáng nói ở đây là Trường New Space hoạt động “chui”. Khi đoàn kiểm tra yêu cầu cho xem giấy phép hoạt động thì ông Trương Minh Hiếu và ông Nguyễn Thành Trung – đại diện Trường New Space trả lời chưa có. Trước đó, ngày 29-10-2008, Trường New Space đã nộp hồ sơ xin thành lập “Cơ sở Ngoại ngữ Tin học Không Gian Mới” tại Sở GD-ĐT. Theo hẹn trong phiếu nhận hồ sơ của Sở GD-ĐT thì ngày 8-12-2008 sẽ trả kết quả hồ sơ. Như vậy là Trường New Space đã hoạt động trước khi nộp hồ sơ xin cấp phép hoạt động trong khoảng thời gian gần hai tháng, từ 18-9-2008. Tại buổi làm việc, Đoàn thanh tra còn phát hiện Trường New Space sử dụng con dấu tự khắc mang tên “Cơ sở Ngoại ngữ Tin học New Space – số 425 Nguyễn Oanh, P.17, Q.Gò Vấp”.
Trước những sai phạm của Trường New Space, Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở phải ngưng hoạt động kể từ ngày 4-12; nộp lại con dấu cho Đoàn kiểm tra; trả lại toàn bộ số tiền đã thu của học viên.
Trước đó, ngày 31-10, theo đơn tố cáo của Trường BIS (The British International School), Thanh tra Sở GD-ĐT cũng đã làm việc với Trường Mầm non Quốc tế Sáng Tạo (Creative International School – CIS), địa chỉ số 7A đường Cộng Hòa, P.4, Q.Tân Bình. Trường CIS đi vào hoạt động từ tháng 9-2008, đến ngày 30-10 thu nhận được gần 40 cháu từ 2 đến 5 tuổi. Học phí từ 3.600 đến 3.900 USD/năm học (chương trình song ngữ), từ 2.000 đến 2.300 USD/năm học (chương trình tăng cường tiếng Anh).
Cũng như Trường New Space, Trường CIS hoạt động khi chưa có giấy phép. Do đó, Đoàn kiểm tra yêu cầu bà Nguyễn Thị Phượng, đại diện Trường CIS: không được để bảng tên, bảng quảng cáo và ngưng hoạt động vào ngày 1-11.
Kêu ngưng nhưng… cứ dạy
Theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra thì bắt đầu từ ngày 4-12-2008, Trường New Space phải ngưng hoạt động nhưng hiện trường vẫn hoạt động bình thường. Sáng 18-12, trong vai phụ huynh đến đăng ký học cho con, tôi đã có mặt tại Trường New Space. Khi tôi nói muốn đăng ký cho con học tại lớp Let’s go 2, một nhân viên cho biết: “Hiện tại trường có một lớp Let’s go 2 đã khai giảng được gần một tháng, học vào sáng thứ bảy, chủ nhật – từ 8 giờ 30 đến 10 giờ 30. Nếu chị muốn cho bé học tại lớp này thì đặt cọc trước 50.000 đồng để em xếp chỗ. Khóa học sẽ kéo dài trong 6 tháng, mỗi tuần học 2 buổi và học phí là 1.588.000 ngàn đồng”. Tôi lại hỏi: “Học với giáo viên trong nước hay nước ngoài vậy em?”, “Học với giáo viên trong nước, trung bình 2 tuần các học viên sẽ được tiếp xúc với giáo viên nước ngoài một lần”, nhân viên này trả lời… “Còn chương trình TOEIC và chương trình TOEFL thì sao? Có phải thi xếp lớp không?”, tôi hỏi thêm. Nhân viên trả lời: “Bây giờ trường chưa có lớp TOEFL và TOEIC, nếu chị muốn học thì để lại tên, số điện thoại, khi nào có lớp em sẽ báo”…
Một chị bán nước gần khu vực Trường New Space cũng cho biết: “Ban ngày tôi không thấy có người học, trừ thứ bảy và chủ nhật. Còn buổi tối thì đông lắm, từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần”…
Xem ra việc yêu cầu “ngưng hoạt động” của Đoàn thanh tra (trong đó có cả Thanh tra Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, cán bộ UBND P.17) đã không có hiệu lực đối với Trường New Space.
Còn Trường CIS thì sao? Sau năm lần, bảy lượt, Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình, UBND P.4 – Q.Tân Bình tới làm việc và yêu cầu ngưng hoạt động. Song mãi đến đầu tháng 12-2008, bà Nguyễn Thị Phượng mới chịu đóng tiền phạt (350.000 đồng) tại UBND P.4. Không chỉ có vậy, bà Phượng còn hứa trong vòng 10 ngày (kể từ ngày đóng tiền phạt) sẽ đóng cửa và trả lại tiền học phí, tiền ăn cho phụ huynh học sinh. Song, chiều 18-12, tôi gọi điện tới Trường CIS thì được biết trường vẫn đang nuôi dạy học sinh cũ và nhận học sinh mới…
Trước sự “ngoan cố” của New Space và CIS, bà Bùi Thị Diễm Thu – Phó chánh thanh tra Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Các trường hoạt động “chui” thì Sở có trách nhiệm yêu cầu ngưng hoạt động. Còn chính quyền địa phương nơi các trường hoạt động không phép đặt trụ sở, cụ thể ở đây là Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, UBND P.17, Công an P.17 – Q.Gò Vấp và Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình, UBND P.4, Công an P.4 – Q.Tân Bình có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện yêu cầu của Đoàn thanh tra”. Thế nhưng, ở địa phương thì “Mình làm giáo dục nên không thể “mạnh tay” được, biết rằng trường hoạt động không phép nhưng cũng phải từ từ nhắc nhở…”, một cán bộ Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình tâm sự.
Bài & ảnh: Hòa Triều
Sự cả nể, nương nhẹ của địa phương đã vô tình tiếp tay cho các cơ sở giáo dục hoạt động không phép ngang nhiên hoạt động khi đã có yêu cầu ngưng hoạt động.