Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục – Đào tạo TP.HCM: Hội nhập giáo dục quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

Một trong những chỉ tiêu quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở GD-ĐT TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015 đưa ra là: phấn đấu đến năm 2015, giảm sĩ số học sinh (HS)/lớp xuống còn 30 em, tăng tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày (tiểu học: 100%, THCS: 50%, THPT: 30%). Đây là điều kiện cần để đưa GD-ĐT TP hội nhập giáo dục quốc tế. Xung quanh vấn đề này, Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – TS. Huỳnh Công Minh.
PV: Nhiều năm gần đây, số dân nhập cư vào TP.HCM ngày càng đông, kéo theo đó là số HS mỗi năm học một tăng. Để đảm bảo tất cả trẻ em đều được đi học, nhiều trường đã phải tăng sĩ số HS/lớp, giảm số lớp 2 buổi/ngày. Ngành GD-ĐT đang và sẽ làm gì để khắc phục tình trạng này, thưa tiến sĩ?
TS. Huỳnh Công Minh: Trung bình mỗi năm, TP.HCM xây mới khoảng 900 phòng học, nhiều nhất so với cả nước. Đặc biệt là năm nay, nhằm đẩy mạnh tiến trình xây dựng mới, tổ liên ngành được thành lập bởi 6 sở liên quan đã hoạt động hết công suất. Kết quả, hàng chục ngôi trường bị đóng băng từ nhiều năm qua đã được khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng. Cụ thể cấp thành phố có các trường Hiệp Bình (Q.Thủ Đức), An Nghĩa (huyện Cần Giờ), Phước Kiển (huyện Nhà Bè), Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Tân), Nguyễn Văn Linh (Q.8). Ở quận, huyện, địa phương nào cũng có trường được xây mới. Theo đó, năm học 2010-2011, toàn ngành có 1.059 phòng học mới được đưa vào sử dụng. Trong đó, mầm non: 153 phòng, tiểu học: 369 phòng, THCS: 273 phòng, THPT: 189 phòng học…
Ngoài ra toàn ngành còn xây mới hàng trăm phòng chức năng, cụ thể là 44 phòng giáo dục thể chất – nhà đa năng, 40 thư viện, 8 phòng giáo dục nghệ thuật và 95 phòng học bộ môn – thực hành thí nghiệm.
Trong năm học qua (năm học 2009-2010), 24/24 quận, huyện đã quy hoạch mạng lưới chi tiết trường lớp đến năm 2020 với tổng diện tích 1.904,21 ha. Các quận, huyện đã xác định được địa điểm, diện tích mặt bằng cụ thể cho từng trường thuộc các ngành, cấp học trên địa bàn. Song song, từng địa phương cũng đã đề xuất phương án tạo vốn đền bù giải tỏa để giải phóng mặt bằng và lên kế hoạch triển khai xây dựng.
Trên cơ sở quy hoạch mạng lưới trường lớp đã được UBND các quận, huyện phê duyệt, trong năm học mới 2010-2011 ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng.
Là năm học đầu tiên của kế hoạch 5 năm 2010-2015 nên năm học 2010-2011, ngành GD-ĐT TP.HCM lấy chủ đề: “Năm học tiếp tục đổi mới toàn diện nhà trường và xây dựng nhà trường tiên tiến hội nhập quốc tế”. Với chủ đề này, ngành GD-ĐT TP sẽ phải làm gì, thưa tiến sĩ?
– Căn cứ vào yêu cầu của Bộ GD-ĐT và của TP, ngành GD-ĐT TP đề ra phương hướng nhiệm vụ năm học 2010-2011 là: Tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện nhà trường theo tinh thần thông báo 242-TB/TW của Bộ Chính trị, từng bước hình thành một nền GD-ĐT tiên tiến, hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc. Theo đó toàn ngành sẽ tập trung vào 5 chỉ tiêu cơ bản. Đó là củng cố và tiếp tục xây dựng, tăng cường số lượng các trường học tiên tiến, hiện đại. Phấn đấu trong từng bậc học ở từng địa phương phải có ít nhất 4 đơn vị trường học đạt chuẩn của khu vực và quốc tế. Chỉ tiêu tiếp theo là đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cấp trường lớp theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đầu tư trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập nhằm tiếp tục đảm bảo đủ chỗ học đạt chuẩn ở mọi bậc học, tiến tới đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Chỉ tiêu thứ ba là lãnh đạo các đơn vị trường học trên cơ sở 8 bài học đổi mới nhà trường phải tổ chức xây dựng chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2011-2015. Cán bộ, giáo viên phải khai thác triệt để các tri thức trên mạng nhằm nâng cao chất lượng sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học. Một chỉ tiêu cũng rất quan trọng trong năm học mới là phổ cập tin học, ngoại ngữ cho HS phổ thông để các em tiếp cận tài liệu trên mạng và biết sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp. Không chỉ có vậy, năm học này các trường sẽ đẩy mạnh việc giáo dục kỹ năng sống cho HS. Chỉ tiêu cuối cùng là tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và ban đại diện cha mẹ HS để tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của phụ huynh trong công tác giáo dục HS.

Một tiết học tại Trường THCS Nguyễn Du, Q.1
Để xây dựng được mô hình nhà trường tiên tiến hội nhập quốc tế, ngoài việc giảm sĩ số HS/lớp, tăng số HS được học 2 buổi/ngày, các trường cần phải làm gì nữa thưa tiến sĩ?
– Đó là đổi mới nội dung, chương trình giáo dục theo hướng tích hợp, gọn nhẹ nhằm tạo điều kiện cho HS tự tìm tòi, tự học. Thực hiện có hiệu quả phương pháp giáo dục từ “dạy học sang dạy cách học”, chuyển từ dạy “số đông” sang dạy “cá thể”. Theo đó, yêu cầu người giáo viên phải hiểu được tâm sinh lý, đặc điểm, điều kiện học tập của HS. Từ việc chọn lựa phương pháp phù hợp, tổ chức cho HS mỗi ngày đến trường là một ngày vui, ham thích học tập. Đến việc người giáo viên cần nắm vững yêu cầu chuyên môn. Trên cơ sở đó mà vận dụng, gợi mở để biến nội dung giáo dục thành những điều phù hợp với tâm sinh lý HS giúp các em tiếp thu một cách dễ dàng, sâu sắc.
Đồng thời giảm lý thuyết, tăng thực hành, đổi mới mạnh mẽ công tác kiểm tra, đánh giá. Khi ra đề thi, giáo viên phải chú trọng việc biên soạn các câu hỏi dưới dạng mở, khuyến khích HS sáng tạo trong giải quyết vấn đề, tránh học vẹt từ chương, thuộc lòng, ghi nhớ máy móc.
Có thể nói, công thức của mô hình nhà trường tiên tiến hội nhập quốc tế là: Trường tiên tiến hội nhập quốc tế = sĩ số ít + học 2 buổi/ngày + dạy cá thể.
Xin cám ơn tiến sĩ!
Kim Anh (thực hiện)
Hiện nay, TP.HCM có khá nhiều trường đã đạt được chuẩn tiên tiến, hiện đại. Cụ thể như Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm – Q.1, Trường Tiểu học Lương Định Của – Q.3, Trường Tiểu học Võ Trường Toản – Q.10, Trường Tiểu học An Phú 1 – huyện Củ Chi, Trường THCS Nguyễn Du – Q.1, Trường THPT Lê Quí Đôn…

 

Bình luận (0)