Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo lần 3 Nghị định “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật”.
Ở Việt Nam, hội chứng tự kỷ mới được chẩn đoán gần 10 năm trước nhưng đã phát triển rất nhanh. Năm 2003, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM chỉ điều trị 2 trẻ, đến năm 2007 là 170 trẻ, năm 2008 đã là 350 trẻ. Còn ở Bệnh viện Nhi Trung ương, số lượng trẻ tự kỷ cũng tăng theo từng năm: Năm 2007 là 405 trẻ, năm 2008 là 963 trẻ và năm 2009 là 1.752 trẻ. Nếu tính theo tỷ lệ mắc tự kỷ ở Mỹ (dân số khoảng 300 triệu và có khoảng 1 triệu người tự kỷ), thì với dân số khoảng hơn 80 triệu người, Việt Nam có số người tự kỷ là khoảng hơn 200.000 người.
Ông Lâm Tường Vũ – Chủ tịch Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội cho biết: “Nghiên cứu Luật Người khuyết tật, chúng tôi rất xúc động, vì có rất nhiều quy định thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước đối với người khuyết tật đặc biệt là các quy định về giáo dục hòa nhập, bán hòa nhập và chuyên biệt, chủ chương đầu tư xây dựng các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc TW. Tuy nhiên chúng tôi vẫn nghèn nghẹn cảm giác là nhóm người tự kỷ chỉ nằm ở “bên lề” của luật. Chúng tôi tin rằng bao năm qua tất cả chúng tôi đã làm hết sức mình vận động tuyên truyền để cộng đồng hiểu biết và quan tâm đến những người tự kỷ, chúng tôi làm điều này bằng tinh thần xả thân và với hai bàn tay trắng. Ước mong lớn nhất của chúng tôi là một ngày nào đó “dạng tật” tự kỷ được công nhận bằng văn bản pháp luật chính thức như các dạng khuyết tật khác (như khuyết tật nghe, nhìn, vận động…)”. Và mong muốn sau quá trình can thiệp, người mắc chứng tự kỷ có thể cần được đánh giá lại về mức độ khuyết tật để được hưởng các chính sách khác về giáo dục, việc làm phù hợp. Bà Nguyễn Thanh Trà, Phó vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội – Văn phòng Quốc hội khẳng định: “Chắc chắn tự kỷ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật. Luật tạo điều kiện tốt nhất cho việc hòa nhập của trẻ tự kỷ. Cách tốt nhất theo tôi cho tự kỷ vào dạng khuyết tật khác là phù hợp nhất. Chính sách nhà nước đi kèm với dạng khuyết tật khác cũng công bằng so với các khuyết tất vận động, nhìn …. Hạng khuyết tật sẽ được các chuyên gia đánh giá chia thành các loại, từ đó có chính sách tương ứng. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền nhận thức, điều kiện xã hội… cũng cần có sự can thiệp của các bộ ngành, đa cấp”.
Có thể nói, đã đến lúc chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, rằng tự kỷ là một dạng khuyết tật để họ có chỗ đứng trong luật, để những gia đình kém may mắn khi chẳng may sinh ra những đứa con không bình thường bớt chơi vơi với nỗi đau dài vô tận, khi mỗi ngày họ phải đối diện với món quà buồn của thượng đế!
Nghiêm Huê
Bình luận (0)