Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM thì việc trẻ làm nài ngựa dẫn đến tai nạn rất cao |
Hiện nay, vấn nạn tai nạn thương tích (TNTT) trẻ em gia tăng đến mức báo động, số vụ tai nạn ngày càng nghiêm trọng tập trung chủ yếu vẫn do chết đuối, tai nạn giao thông hay do té ngã… Tuy vậy vấn đề này vẫn chưa có giải pháp căn cơ phần vì thiếu người, thiếu kinh phí và thiếu cả giải pháp…
Chết vì tai nạn giao thông và đuối nước
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH mỗi năm cả nước có 46.000 trường hợp TNTT trẻ em, tính trung bình mỗi ngày có 10 trường hợp chết do TNTT gây ra. Trong năm 2008, TP.HCM có 63.156 trẻ em bị TNTT, Hà Nội có 28.344, Đồng Nai 16.623, Bến Tre có hơn 16.000… Trong đó tỷ lệ trẻ em bị đuối nước chiếm 46% trong tổng số em bị chết do TNTT; 12.500 người chết do tai nạn giao thông, trong đó trẻ em chiếm 35%, điều đáng nói là số vụ TNTT ở trẻ em ngày càng gia tăng đến mức báo động. Đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bạc Liêu cho biết, chỉ tính 9 tháng của năm 2009, toàn tỉnh đã để xảy ra 1.880 ca TNTT, độ tuổi bị từ 0-14 tuổi chiếm 903 ca, từ 15-19 tuổi chiếm 991 ca…
Nguyên nhân gây TNTT cho trẻ em phần lớn là do chết đuối và tai nạn giao thông. Theo ông Nguyễn Văn An, Phó cục trưởng Cục BVCSTE (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, cả năm 2008 và nửa năm 2009 số lượng trẻ em tử vong do đuối nước chiếm 46%; còn tai nạn giao thông mỗi năm gây nên 12.000 người bị chết trong đó trẻ em chiếm 35%; tiếp đó là do ngã, bị bỏng nước, điện giật… Những yếu tố đó đang là mối đe dọa và gây lo lắng cho các bậc cha mẹ, gây nên nhiều cái chết thương tâm. Mặt khác, nhiều cái chết đau lòng từ những nguyên nhân “khó tin”. Ông Nguyễn Văn An kể, một ông lão ở tỉnh Phú Thọ trong lúc tắm cho cháu, bỏ cháu vào nhà nghe điện thoại, khi ra thì cháu bé đã chết do ngợp nước.
Bà Nguyễn Thanh An, cán bộ UNICEF, lo lắng: “Tình hình trẻ bị TNTT do nạn bạo hành gia đình cũng là một trong những thực trạng đáng lo ngại. Điều đáng nói là vấn đề này vẫn chưa có cách giải quyết căn cơ, nên vẫn chưa hề giảm mà có chiều hướng gia tăng”. Bà An nhấn mạnh: “Thực trạng TNTT có thể cao hơn rất nhiều, bởi thực tế số liệu mà ngành LĐ-TB-XH có được đều dựa vào hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế…”. Bà An đưa ra ví dụ ở tỉnh Nam Định trong năm vừa qua, một vị phó chủ tịch UBND tỉnh báo cáo cả năm chỉ có một trẻ bị chết, trong buổi chiều lại có một thống kê đưa ra số trẻ em bị chết tại tỉnh này lên đến 80 người!
Nhân lực thiếu trầm trọng
Bà Lê Thị Xưa, đại diện Sở LĐ-TB-XH tỉnh Ninh Thuận nêu khó khăn, nhân lực thiếu về số lượng, yếu về kỹ năng; trong khi đó các ban ngành thiếu sự phối hợp, đặc biệt là thiếu về tài chính. Bà Xưa lấy ví dụ, tiền để cho nhân viên hoạt động về BVCSTE chỉ có 390.000 đồng/tháng, trong khi đó không có bất cứ khoản trợ cấp nào khác. Nhân viên không thể hoạt động tốt khi thu nhập chỉ ở mức như vậy. Đồng quan điểm trên đại diện Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắc Lắc than thở: “Cả tỉnh Đắc Lắc chỉ có 3 điểm vui chơi cho trẻ em, vì vậy nhiều trẻ em không có điểm vui chơi nên đành ra ngoài đường, ao, sông… chơi. Tai nạn xảy ra là điều khó tránh khỏi. Mặt khác, nhiều gia đình đã không thật sự quan tâm, giám sát tới hoạt động của con em mình nên thực tế đã xảy ra chết người ngày càng cao”.
Bà Marjatta Tolvannen – Ojutkangas, đại diện UNICEF nêu giải pháp: “Để đối phó với tình trạng trẻ em bị TNTT ngày càng gia tăng thì việc tăng cường công tác tuyên truyền, tiếp cận với các thông tin về an toàn trong mỗi gia đình, trường học và toàn thể cộng đồng là rất cần thiết”. Ngoài ra việc nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ trong việc bảo vệ an toàn cho con cái cũng cần được chú trọng. Hơn nữa, một trong những biện pháp để giảm thiểu các tai nạn cho trẻ em rất hữu hiệu là trang bị kiến thức cho trẻ.
Ông Đàm Hữu Đắc, Thứ trưởng thường trực Bộ LĐ-TB-XH khẳng định: “Trong thời gian tới bộ sẽ tăng cường nhiều hoạt động để giảm tỷ lệ TNTT cho trẻ. Tăng cường phối hợp với các ban ngành nhằm tuyên truyền hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn xảy ra. Bộ cũng sẽ đề xuất tăng cường nhân lực và mức phụ cấp cho đội ngũ bảo vệ chăm sóc trẻ em”.
V.Mạnh – T.Dung
Bình luận (0)