Đây là con số được Bộ GD-ĐT và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) thống kê đưa ra tại Hội thảo Quốc gia về đào tạo nhân lực chế biến nông – lâm – thủy sản theo nhu cầu xã hội. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cùng nhiều đại biểu thuộc các bộ, trường, doanh nghiệp đã tới dự hội thảo này.
Lao động nông – lâm – thủy sản thiếu và yếu
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết mỗi năm Việt Nam cần khoảng 1.300 – 1.500 người có trình độ ĐH trở lên, 4.000 – 5.000 người có trình độ CĐ và TCCN và 6.500 – 7.000 công nhân kỹ thuật các chuyên ngành. Trong khi đó, chất lượng của nguồn nhân lực cũng là một vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm. Ông Trần Đức Sinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty lâm nghiệp Việt Nam khẳng định trong ngành lâm nghiệp đang thừa số lượng nhưng thiếu về chuyên sâu. Ông Sinh cũng khẳng định hiện Việt Nam đang lãng phí nguồn nhân lực. Ông Nguyễn Hữu Tài, Phó tổng giám đốc Công ty chè Việt Nam nhận xét hiện nay các trường ĐH của chúng ta đang đào tạo sinh viên ra làm lãnh đạo không phải làm chuyên môn. Do đó, ông kiến nghị nên giảm đào tạo các môn lý thuyết, tăng thời gian đào tạo thực hành. “Chúng ta đang dạy học sinh “bơi trên cạn”, ông nói. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học cũng khẳng định lao động trong ngành chế biến nông – lâm – thủy sản vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng. Trong tổng số 40 cán bộ của Cục chế biến, thương mại nông – lâm – thủy sản thì chỉ có 10 người đúng chuyên môn và cũng chỉ có 10 người có trình độ trên ĐH.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết hiện cả nước khối ngành nông – lâm – thủy sản có 28 trường ĐH, CĐ và 55 trường ĐH, CĐ có đào tạo ngành nghề liên quan đến lĩnh vực này. Khối dạy nghề có 1.783 cơ sở dạy nghề, bình quân mỗi tỉnh có 5 – 7 tổ chức dạy nghề cấp tỉnh, mỗi huyện đều có các trung tâm dạy nghề hướng nghiệp và có từ 1 đến 2 tổ chức dạy nghề.
Muốn nông nghiệp mạnh thì phải đào tạo nhân lực
Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2015 chỉ còn 40% và 30% vào năm 2020 lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Và số lao động này cũng phải được đào tạo. Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết quy mô dự kiến là 20% năm 2010 sẽ tăng lên 30% năm 2015 và 40% vào năm 2020. Như vậy, mỗi năm cần đào tạo nghề cho từ 1 – 1,1 triệu lao động nông thôn. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đưa ra phép so sánh: lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ 53% nhưng đóng góp cho GDP chỉ có 18%. Năng suất như thế là quá thấp. Người nông dân cần phải được đào tạo để nâng năng suất lao động lên. Theo kế hoạch, năm 2009, Bộ GD-ĐT, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp cùng Bộ LĐ – TB&XH triển khai đào tạo 1 triệu người ở nông thôn đang có việc làm. Chương trình này sẽ gắn với hội khuyến học để tổ chức. “Có được đào tạo thì nông nghiệp của Việt Nam mới không thua kém nông nghiệp các nước phát triển khác” – Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.
Thiên Lam
Bình luận (0)