Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đẩy mạnh an ninh cho làng đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 25-11 tại Nhà điều hành Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM, Đảng ủy ĐHQG TP.HCM, Quận ủy Thủ Đức và Huyện ủy huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương đã phối hợp tổ chức Hội nghị an ninh trật tự an toàn xã hội cho sinh viên (SV) ĐHQG TP.HCM.
Nhiều tệ nạn vây quanh làng đại học
Khu quy hoạch ĐHQG tại Thủ Đức – Dĩ An vẫn đang trong quá trình xây dựng để trở thành khu đô thị ĐH đầu tiên của cả nước. Tại đây có khoảng 19.000 SV học tập và sinh hoạt. Các điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ công tác đào tạo đang ngày một phát triển đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho SV. Tuy nhiên, với địa bàn rộng, tình hình an ninh trật tự chưa ổn định, một số bộ phận SV sống xen lẫn dân nhập cư, một số đối tượng có tiền án tiền sự thường xuyên lui tới… đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống SV. Kết quả điều tra về chất lượng cuộc sống SV ngoại trú cho thấy, đa số các nhà trọ đều làm bằng mái tôn ẩm thấp, đặc biệt khu vực nhà trọ ở Hồ Đá có tới 50 phòng không đủ ánh sáng. Nguồn nước không được kiểm tra, những bãi rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng… Bên cạnh đó, khu quy hoạch mới xây dựng được khoảng hai tuyến đường trục chính là đường Đông Tây và đường Bắc Nam chiều dài khoảng 3,8km. Trên các tuyến đường này, hàng ngày có khoảng 25.000 SV qua lại từ kí túc xá đến giảng đường và ngược lại. Đại diện của Ban quản lý xây dựng ĐHQG cho biết: “Lợi dụng các tuyến đường trên, các xe tải trốn trạm thu phí thường đi vào, đồng thời tệ nạn đua xe vẫn thường xuyên diễn ra đã làm mất trật tự an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho người đi đường, chủ yếu là SV”.
Trong thời gian gần đây, phát sinh thêm một số khó khăn khác như các bãi container phát triển ngày càng nhanh, việc tái lấn chiếm tiếp tục diễn ra với diễn biến phức tạp hơn; số lượng SV học ở khu vực này ngày càng tăng là một vấn đề thách thức lớn trong công tác đảm bảo an ninh.
Nhiều giải pháp an toàn hơn cho SV
Theo TS. Tăng Hữu Thủy Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM nên “chăm lo đời sống vật chất văn hóa tinh thần cho SV hơn nữa, vai trò quan trọng này không chỉ thuộc về Ban lãnh đạo ĐH mà còn là chính quyền địa phương của huyện Dĩ An và quận Thủ Đức”. Qua các hoạt động văn hóa nên lồng ghép nội dung an ninh để nâng cao nhận thức cho SV. Đối với những vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, các tổ chức đoàn thể nên thường xuyên kết hợp với chính quyền bộ phận chức năng tiến hành kiểm tra triển khai đồng bộ nhằm đảm bảo sức khỏe. Hội nghị cũng đã quyết định đặt biển báo cấm xe tải và xe container lưu hành tại khu vực làng ĐH để đảm bảo an toàn giao thông cho SV.
Làng ĐH Thủ Đức trong những năm gần đây cũng thường xuyên xảy ra các hiện tượng cướp giật tài sản như dây chuyền, túi xách, điện thoại di động… Ông Phạm Văn Sung, Phó trưởng Công an quận Thủ Đức cho biết: “Tội phạm thường xuyên cướp giật một cách trắng trợn người đi đường, đặc biệt khu vực Hồ Đá là nơi nam nữ SV thường hay lui tới nên rất nhiều vụ án đã xảy ra ở đây”. Theo ông, trước hết cần đẩy mạnh công tác phòng ngừa lên trên hết, tăng cường tuyên truyền giáo dục, nâng cao giáo dục cho SV và người dân tự bảo vệ mình. Tăng cường quản lý số lượng SV lưu trú ngoài và thông tin lại cho nhà trường để tạo nên mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường và chính quyền địa phương. Lực lượng công an cũng đã thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra trên địa bàn, đồng thời phối hợp với ĐHQG thành lập Đội dân phòng vững chắc hỗ trợ lực lượng công an.
Anh Trần Nam, Phó bí thư Đoàn trường ĐH KHXH&NV đưa ra ý kiến nên xây dựng đường dây nóng khi gặp những chuyện khó khăn về trật tự an ninh, SV có thể liên hệ trực tiếp để giải quyết vấn đề nhanh chóng. Đồng thời nên xây dựng hệ thống phát thanh cho khu vực SV ngoại trú để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và kĩ năng sống cho SV. Bên cạnh đó, thông qua các chương trình như điểm tin để cung cấp những vấn đề an ninh trong khu vực để SV nắm rõ và đề phòng… Anh cũng đưa ra kiến nghị, nếu được hỗ trợ cơ sở vật chất, khoa Báo chí & Truyền thông Trường ĐH KHXH&NV xin phép được đăng cai tổ chức Câu lạc bộ Phát thanh cho SV ngoại trú.

Dương Bình

Bình luận (0)