(GD TP.HCM): – Ngày 31-10, Ban Tuyên giáo TW tổ chức Hội nghị Giao ban chuyên đề “Văn hóa học đường trong tình hình hiện nay”. Hiện nay nước ta có 22 triệu học sinh, sinh viên đang theo học tập trung tại các trường phổ thông, cao đẳng, đại học… chiếm gần 1/4 dân số cả nước. Hiện nay một bộ phận học sinh, sinh viên bị tha hóa về đạo đức lối sống, sống thực dụng, buông thả, sa vào các tệ nạn, trở thành tội phạm… gây lo lắng, bức xúc cho gia đình và xã hội, cản trở sự phát triển của đất nước.
Để khắc phục những tồn tại này, PGS.TS Đào Duy Quát nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nhấn mạnh: Nguyên nhân của những vấn đề này là do: Nhận thức của lãnh đạo các cấp về tầm quan trọng của văn hóa, đạo đức chưa đúng mức dẫn đến việc lãnh đạo, chỉ đạo còn bộc lộ nhiều bất cập, buông lỏng, hữu khuynh; cũng vì thế mà chúng ta chưa có sự đầu tư đúng mức về văn hóa, chưa thực sự quan tâm đến chương trình, nội dung và phương pháp để giáo dục, đào tạo văn hóa, nhân cách cho các em, chưa quy rõ trách nhiệm của hệ thống các trường, chưa gắn kết được quan hệ mật thiết giữa gia đình nhà trường và xã hội.
Từ những nguyên nhân chủ yếu này, ông Quát cũng đưa ra những giải pháp cần làm ngay như: các bộ, ban ngành liên quan phải tìm ra được hệ thống chuẩn mực về đạo đức của học sinh, sinh viên để giáo dục cho các em; các cấp, các ngành phải hình thành những thiết chế, quy chế và thể chế văn hoá để Nhà nước và các trường có cơ chế đầu tư cho hợp lý; đổi mới cách đào tạo đội ngũ giáo viên các cấp theo các chuẩn mực văn hóa đã đề ra; đổi mới cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa; thiết lập lại hệ thống quản lý đời sống văn hóa tinh thần của con người như báo chí, xuất bản, phát thanh- truyền hình, các cửa hàng ấn phẩm về văn hóa, nhà hàng karaoke….; đẩy mạnh các hoạt động Đoàn, Đội, xây dựng các mô hình văn hóa điểm tại các trường…
T.N
Bình luận (0)