Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hành trình của một “quyết định dũng cảm”

Tạp Chí Giáo Dục

Phóng viên Giản Quang Châu. (Ảnh: Forex)Giản Quang Châu nhìn thấy những ông bố bà mẹ khóc lóc khi dẫn con mình vào phòng mổ; thấy những cô y tá dò tìm mạch máu trên đầu các em bé để tiêm… Những cảnh tượng này khiến anh không thể không viết bài về trẻ em bị nhiễm độc sữa bột.

Giờ đây cái tên Giản Quang Châu được nhiều người xem như “người hùng”, thậm chí có không ít ý kiến cho rằng anh là người “đã cứu cả một thế hệ trẻ em ở Trung Quốc”. Giản Quang Châu hiện phóng viên báo Bưu điện Buổi sáng Phương Đông (Thượng Hải, Trung Quốc). Anh là nhà báo đầu tiên ở Trung Quốc nêu tên tập đoàn sữa hàng đầu Trung Quốc Sanlu (Tam Lộc) trong bài báo viết về trẻ em bị nhiễm độc sữa bột đăng ngày 11/9.

Ngày 11/9, Giản Quang Châu đăng tải bài viết có tiêu đề “14 trẻ sơ sinh ở Cam Túc nghi nhiễm bệnh thận do uống sữa bột Sanlu” chỉ rõ tên tập đoàn sữa Sanlu (Tam Lộc) là nghi can trong việc trẻ bị bệnh thận. Trước đó, nhiều tờ báo cũng viết rằng nhiều trẻ em bị sỏi thận, nhưng họ chỉ nói rằng đó là “một công ty nào đó” mà không kể tên công ty này. Thậm chí kể cả sau khi vụ việc của Sanlu vị vỡ lở, và toàn Trung Quốc tẩy chay tập đoàn này, các phương tiện thông tin đại chúng ở tỉnh Hà Bắc (là nơi tập đoàn Sanlu đặt trụ sở) cũng chỉ đăng các bài báo chính thức của hãng Tân Hoa Xã và không đưa ra nhận định hay phát hiện của mình.

Trong bài viết đăng trên blog của mình trên trang Tianya.cn ngày 14/9, Giản Quang Châu viết rằng anh không phải là người đầu tiên phát hiện rằng trẻ em bị bệnh sỏi thận do uống sữa bột nhiễm độc, nhưng anh là người đầu tiên “vạch mặt chỉ tên” tập đoàn Sanlu vào ngày 11/9.

Hành trình của quyết định dũng cảm

Giản Quang Châu bắt đầu điều tra vụ việc này vào đầu tháng 9, khi 14 em bé ở Cam Túc bị phát hiện mắc các chứng bệnh về thận. Anh nhận định rằng ở các tỉnh khác của Trung Quốc cũng có tình trạng tương tự, do vậy có thể không phải là do nước ô nhiễm. Những em bé bị bệnh thận đều có điểm chung là dùng sữa bột của tập đoàn sữa Sanlu. Do vậy mà Quang Châu nghĩ rằng bệnh của các em liên quan đến loại sữa này.

Bao trẻ em vô tội đã nhập viện vì uống sữa nhiễm độc. (Ảnh: Chinadaily)Sau này, Quang Châu kể lại: “Đó thực sự là một cuộc chiến. Chúng tôi đã phải nói chuyện với nhiều bác sĩ, bậc cha mẹ và đại diện tập đoàn Sanlu. Cuối cùng, chúng tôi tin rằng bệnh sạn thận của trẻ liên quan đến sữa bột Sanlu.”

Vào ngày 10/9, Giản Quang Châu thấy trên một tờ báo ở Cam Túc đưa tin 14 trẻ em tình nghi bị bệnh thận do dùng “một loại sữa bột nào đó”. Anh nghĩ ngay đến vụ sữa bột giả ở thành phố Phúc Dương, tỉnh An Huy khiến nhiều trẻ em bị tử vong hồi năm 2004. Quang Châu cảm thấy rằng đây có thể là một vấn đề an toàn thực phẩm nghiêm trọng. Vì vậy anh đã liên lạc với bệnh viện Giải phóng quân Nhân dân số 1 Trung Quốc ở Cam Túc. Các bác sĩ cho biết rất hiếm khi trẻ dưới 12 tháng tuổi bị các bệnh về thận. Đồng thời, bác sĩ cũng không khẳng định rằng sữa bột là nguyên nhân gây bệnh thận ở trẻ.

Nhưng theo Tiến sĩ Lý Văn Huy ở bệnh viện Giải phóng quân, nguồn thực phẩm chủ yếu của những trẻ sơ sinh này là sữa bột. Điều này khiến Giản Quang Châu thêm phần tự tin. Nhưng anh vẫn cảm thấy chứng cứ chưa đủ. Các đồng nghiệp nhắc nhở anh rằng hồi cuối tháng 8, một tờ báo ở tỉnh Hồ Bắc đã đưa tin 3 trẻ sơ sinh ở Hồ Bắc, Hà Nam và Giang Tây có thể bị bệnh sỏi thận do uống sữa bột, nhưng bài báo này cũng không đề cập tên của loại sữa bột này. Qua đồng nghiệp, Giản Quang Châu đã liên hệ với phóng viên ở Hồ Bắc và được biết 3 trẻ này cũng uống sữa bột Sanlu nhưng phóng viên đó không chỉ rõ tên Sanlu vì một số lý do.

Khi phân tích thực trạng là có nhiều trường hợp trẻ bị bệnh thận ở nhiều nơi khác nhau, Giản Quang Châu đi đến nhận định sơ bộ là vấn đề ở đây là sữa bột chứ không phải là chất lượng nước. Do đó, Quang Châu quyết định nói ra tên “Sanlu” trong bài viết của mình dù nhận ra mình có thể sẽ bị đối mặt với nhiều loại nguy hiểm.

Quang Châu vẫn chưa an tâm nên đã liên lạc với bộ phận truyền thông của Sanlu để xác nhận thông tin. Nhân viên truyền thông của Sanlu cứ thề lên thề xuống là “Không có vấn đề về chất lượng với sữa bột của chúng tôi”. Nhân viên này còn nói rằng mới đây một cơ quan ở tỉnh Cam Túc đã kiểm tra sữa bột Sanlu và khẳng định rằng sữa bột Sanlu đạt yêu cầu.

Giản Quang Châu kể lại rằng sau khi bài báo của anh về Sanlu được đưa đi in, anh đã mường tượng rằng ngày hôm sau người của Sanlu sẽ kết tội anh là tắc trách và phạt anh. Vì vậy, cả đêm đó anh không ngủ được.

Vào ngày 11/9, bài báo được rất nhiều trang web đăng lại sau khi nó xuất hiện trên báo Bưu điện Buổi sáng Phương Đông và điều này gây ra một cơn bão chống đối Sanlu. Về phần mình, Quang Châu chuẩn bị tâm lý để đối mặt với sự chỉ trích của Sanlu.

Quang Châu đến tòa soạn báo vào trưa ngày 11/9. Đồng nghiệp cho biết Sanlu đã gọi rất nhiều cuộc điện thoại cho anh.

Vào buổi chiều, Quang Châu nhận được cú điện thoại của bà Liu xưng là người của Sanlu. Bà Liu muốn bài báo phải được gỡ khỏi trang web của Bưu điện Buổi sáng Phương Đông.

Vào lúc 9 giờ tối ngày 11/9, Quang Châu hoàn tất công việc trong ngày và lên máy bay từ Thượng Hải đi Lan Châu. Trong chuyến bay, anh rất lo lắng vì thấy Sanlu vẫn hoàn toàn bình chân như vại sau khi bài báo của anh được đăng tải. Anh nghĩ rằng có khi mình sai. Vào lúc nửa đêm, Quang Châu đến sân bay Lan Châu. Anh bật điện thoại di động và đọc được tin nhắn của đồng nghiệp cho biết Sanlu vừa quyết định thu hồi tất cả những sản phẩm sữa bột được sản xuất trước ngày 6/8. Như vậy là sau hơn 10 tiếng “đấu tranh”, cuối cùng thì Sanlu quyết định cúi đầu nhận tội.

“Tại sao tôi chỉ rõ tên tập đoàn Sanlu?”

Đó là tiêu đề một entry (bài viết) của Giản Quang Châu đăng trên blog. Anh viết rằng: “Tôi không cảm thấy vui thích chút nào về việc này. Thực ra, tôi có nhiều nỗi buồn, trong đó có việc một tập đoàn nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc mất đi trách nhiệm với xã hội, sự “nhu nhược” của một số cơ quan thông tin đại chúng của Trung Quốc cũng như sự mất đi “trách nhiệm xã hội” của báo chí.”

Những hình ảnh như thế này đã tiếp thêm sức mạnh cho quyết định của Giản Quang Châu. (Ảnh: Chinadaily)Với Giản Quang Châu cũng như nhiều người dân Trung Quốc, thương hiệu “Sanlu” rất nổi tiếng. Tìm hiểu ở trang web của Sanlu và những nguồn tin khác, Quang Châu thấy thương hiệu truyền thống vững mạnh này của Trung Quốc có một lịch sử hơn nửa thế kỷ, chiếm 18% thị phần sữa, thậm chí còn được chỉ định cung cấp sữa cho các phi hành gia của tàu vũ trụ Thần Châu 7. Quả thật là Sanlu đã đầu tư nhiều công sức vào việc quảng bá thương hiệu của mình. Trong hơn hai thập kỷ qua, nhiều thương hiệu lớn của Trung Quốc đã bị “vùi dập” bởi làn sóng cải cách kinh tế thị trường, hoặc là bị “nuốt chửng” bởi các thương hiệu quốc tế, nhưng Sanlu vẫn vững mạnh.

Những dữ kiện này khiến Quang Châu cảm thấy rất yêu mến và trân trọng nhãn hiệu Sanlu. “Liệu rằng mình có nên kể tên Sanlu hay không?” là điều mà Quang Châu vô cùng băn khoăn khi viết bài. Anh e rằng rất có thể bài báo của mình sẽ làm tổn hại tập đoàn Sanlu, điều này khiến anh rất lo lắng và dày vò. Anh sợ rằng nếu viết sai, bài báo của mình sẽ gây ra những xáo trộn và thiệt hại không đáng có với một tập đoàn xuất sắc. Nếu điều này xảy ra, có thể anh sẽ phải ngồi vào ghế bị cáo trước tòa và có thể sẽ bị buộc tội giúp các thương hiệu nước ngoài phá hỏng một thương hiệu của Trung Quốc.

Sau nhiều đắn đo, cuối cùng Quang Châu vẫn quyết định kể tên Sanlu bởi vì nếu anh chỉ nói rằng “một công ty nào đó” thì chính anh đi ngược lại lương tâm của mình. Trước đó, nhiều công dân mạng đã lên tiếng rằng báo giới phải “chỉ mặt” những nhãn sữa gây bệnh cho trẻ. “Nếu anh có con nhỏ, anh có thể viết mập mờ như thế không? “Những lời phàn nàn của nhiều bà mẹ trẻ khiến Quang Châu quyết định kể tên Sanlu trong bài viết, kể cả khi anh có thể bị kiện tụng.

Trong khi thu thập dữ liệu cho bài viết, Quang Châu nhìn thấy những ông bố bà mẹ khóc lóc khi dẫn con mình vào phòng mổ, anh thấy những vị bác sĩ đầy trách nhiệm đã phải cân nhắc rất nhiều khi gây mê toàn bộ trước khi làm phẫu thuật cho những bệnh nhi dưới 12 tháng tuổi; anh thấy những mũi kim tiêm 5 ml chích vào đường niệu của những em bé đang khóc; anh thấy những cô y tá dò tìm mạch máu trên đầu các em bé để tiêm. Những cảnh tượng này khiến Quang Châu cảm thấy đỡ tội lỗi hơn về việc mình có thể ảnh hưởng đến một tập đoàn lớn với bài báo của mình nếu như nó bất cẩn.

Sau này, sự thực đã được phơi bày: đó là người tiêu dùng bắt đầu phản hồi về sữa Sanlu vào tháng 3. Đến tháng 6, tập đoàn nhận được nhiều lời phàn nàn hơn. Đến tháng 8, Sanlu âm thầm ngưng sản xuất và cố gắng thu hồi sản phẩm. Như vậy, Sanlu đã nhận thức được vấn đề sữa nhiễm độc từ rất sớm nhưng họ đã không thu hồi hết các sản phẩm và không thông báo cho người tiêu dùng. Nếu như Giản Quang Châu không kiên quyết kể tên Sanlu trong bài báo ngày 11/9, không biết rằng đến khi nào tập đoàn này mới bị đưa ra ánh sáng?

Xuân Vũ (dantri.com.vn)

Theo Sinoptic/Epochtimes/Zonaeuropa/RFA

Bình luận (0)