Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xây dựng trường lớp: Chờ đến bao giờ?

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false VI X-NONE X-NONE MicrosoftInternetExplorer4

Một lớp học rộng rãi, thoáng mátTrước những phản ánh trên Báo Giáo Dục TP.HCM về việc hiện nay xây dựng, quy hoạch trường lớp còn chậm; chiều 13-10, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn TP.HCM. Hội nghị nhằm tìm giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc, đồng thời có biện pháp mạnh đối với những nơi gây ách tắc trong việc thực hiện dự án xây dựng trường học.

“Giậm chân” việc xây trường

Trong những cuộc họp gần đây do chính Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà chủ trì, đối tượng yêu cầu tham dự là lãnh đạo các sở ngành liên quan đến việc triển khai các dự án xây dựng trường lớp nhưng chưa một lần chúng tôi thấy sự hiện diện của lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, thay vào đó là những chuyên viên hoặc cao lắm là phó phòng đại diện tham dự. Trong khi, chính các sở này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện các dự án. Bà Nguyễn Thị Thu Hà bức xúc đặt vấn đề: “Chín tháng chỉ mới giải ngân 30% ngân sách xây trường(!?)” . Tính đến thời điểm hiện nay, chỉ có 10/24 quận huyện đã ban hành quyết định phê duyệt đề án quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn như: quận 6, 10, 11 Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Tân, hai huyện Bình Chánh và Củ Chi. Còn quận 8 và huyện Nhà Bè thì chờ Sở Quy hoạch – Kiến trúc thẩm định, những quận huyện còn lại cũng phải chung “số phận” chờ đợi do một số nơi sau khi quy hoạch xong, địa phương lại lấy đất chuyển sang sử dụng mục đích khác gây thêm khó khăn cho việc thực hiện các dự án. Quỹ đất dành để xây trường học đến năm 2020, theo quyết định đã được thành phố phê duyệt từ năm 2003 là 1.904 ha, nhưng thực tế diện tích đất xây trường tính đến cuối năm học 2007-2008 chỉ 601 ha. Một trưởng phòng GD-ĐT nói với chúng tôi: “Đúng ra với dự án khu dân cư 35.000 dân thì quy hoạch đất xây trường phải trên 12 ha, nhưng Ban quản lý dự án chỉ chuyển hơn 6 ha, chúng tôi phải năn nỉ để có được hơn 9 ha”? Trước thực tế của việc chậm trễ này, bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh: “Những dự án của quận huyện nào đã được thành phố phê duyệt, nếu chưa thực hiện hay chậm trễ thì chủ tịch UBND các quận huyện đó phải chịu trách nhiệm. Chúng ta không thể để con em nhân dân thiếu chỗ học, thầy trò phải dạy và học nhờ chỗ này chỗ nọ”.

Cũng còn chút an ủi

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Hóc Môn cho biết: “Dù là một huyện ngoại thành, nhưng tìm đất để xây trường là chuyện không dễ đối với huyện Hóc Môn. Chúng tôi đã và đang thương thảo với người dân để có thêm đất xây trường. Riêng xã Đông Thạnh đã có một trường THPT, hai trường THCS, 3 trường tiểu học và một trường mầm non, dù vậy trong tương lai chúng tôi thấy vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho nhân dân trong xã nên tất nhiên phải có đề án phát triển xây thêm trường”. Bà Trần Nguyệt Ánh, Phó chủ tịch UBND quận 10 báo cáo: “Dân số tăng, nhu cầu về chỗ học tăng theo, quận 10 đã làm việc với các đơn vị  như Bưu chính Viễn thông, Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 để có thêm đất xây trường. Chúng tôi phải ra tận Trung ương để trình bày và kết quả có thêm 8 khu đất mới với hàng chục ngàn ha đất dành xây thêm trường mới. Đối với các trường học diện tích quá nhỏ, quận 10 đã vận động những đơn vị, cá nhân để lại đất nhằm mở rộng trường như Trường Tiểu học Điện Biên”. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Mười, Phó chủ tịch quận Bình Tân cho biết: “Hiện quận Bình Tân đã có hai trường THPT, tháng 11 này sẽ khởi công xây dựng Trường THPT Bình Trị Đông A, đến đầu năm 2009 sẽ khởi động xây Trường THPT Tân Tạo và qua tháng 8 hoặc tháng 9-2009 sẽ tiếp tục xây thêm hai trường THPT nữa”. Quận 4 cũng là địa phương đầu tư cho giáo dục khá mạnh. Năm học 2008-2009 đã đưa vào sử dụng một trường tiểu học rộng rãi và hoành tráng từ khu đất giải tỏa. Ông Trần Tấn Tài, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận 5 nói: “Quỹ đất của quận 5 rất hiếm, để mở rộng trường, chúng tôi chỉ chọn các phương án xây thêm lầu hoặc giải tỏa xây chung cư cho người dân hầu có đất thêm trường”.

Ngóng chờ

Không riêng hàng chục trường phổ thông phải chờ xây mà chúng tôi đã đề cập trong các số báo trước, một số trung tâm giáo dục thường xuyên (TT GDTX) của TP cũng chịu số phận chờ.  Cơ sở vật chất của các TT GDTX thiếu thốn và xuống cấp thê thảm, trong số đó một số TT GDTX cũng chờ xây. Theo lời ông Nguyễn Văn Cương, Trưởng phòng GDTX Sở GD-ĐT TP.HCM: “TT GDTX huyện Nhà Bè đã được UBND thành phố ký quyết định phê duyệt, nhưng 4 năm nay vẫn chưa thấy gì. Tương tự TT GDTX quận 7 cũng thế, thành phố phê duyệt 3 năm rồi và kết quả vẫn… chờ. TT GDTX của huyện Bình Chánh chỉ có tên trên giấy còn cơ sở là con số 0. Một số TT GDTX các quận như: quận  4 phải ở “ké” cơ sở của trường Đảng nên chỉ có loe hoe vài phòng học; quận 8 phải mượn mấy phòng học của Trường Tiểu học Tuy Lý Vương; quận 5 thì manh mún, chật hẹp nếu không may xảy ra hỏa hoạn không biết điều gì sẽ đến? Một chuyên viên GDTX Sở GD-ĐT nói: “Trong các TT GDTX chỉ có TT GDTX quận 3 là may mắn nhất. Quận 3 đã lấy cơ sở của trường tiểu học để xây mới trung tâm”.

T.T.Q

Ngày 23-8-2008, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cùng lãnh đạo các sở: GD-ĐT, Tài chính và Sở Nội vụ có cuộc họp tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong với nội dung xây dựng trường lớp. Tại đây bà Thu Hà bức xúc: “Tôi không thể tin được, một trường học với cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng như vậy, chưa xứng tầm với tên tuổi”.

Ngày 4-9-2008, tại UBND TP.HCM, một cuộc họp đột xuất do bà Nguyễn Thị Thu Hà chủ trì với nội dung ghi nhận tiến độ xây dựng trường lớp cho năm học 2008-2009 đến đâu? Tình hình vẫn không chuyển biến, thiếu phòng học khá trầm trọng. Bà Thu Hà đề nghị thành lập Tổ liên ngành để giám sát, đôn đốc việc thực hiện các dự án xây trường học.

Ngày 7-9, phát biểu tại buổi kết thúc kỳ họp thứ 13 HĐND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Lê Hoàng Quân chỉ đạo: “Những dự án xây trường học đang dở dang phải khẩn trương hoàn thành. Sau đó hai ngày (9-9-2008) cũng tại UBND TP.HCM, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà chủ trì cuộc họp có sự hiện diện của các sở Tài chính, Nội vụ, GD-ĐT và phó chủ tịch 24 quận huyện, nội dung cũng như cuộc họp ngày 4-9 và tình hình xây dựng trường học vẫn giậm chân!

Ngày 14-10, UBND TP.HCM lại tiếp tục tổ chức cuộc họp với các sở ngành liên quan (chỉ có lãnh đạo Sở GD-ĐT, còn các ngành khác chỉ cử đại diện là chuyên viên hoặc phó trưởng phòng) và lãnh đạo UBND, Ban quản lý dự án, trưởng phòng GD-ĐT 24 quận huyện cũng vẫn nội dung trên. Cuối cuộc họp, tình hình xây dựng thêm trường học vẫn không có gì chuyển biến”.

Bình luận (0)