Hơn một tháng qua trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra liên tiếp 30 vụ ngộ độc rượu phải vào bệnh viện cấp cứu, trong đó có 11 trường hợp đã tử vong. Thế nhưng những “đệ tử lưu linh” vẫn không lấy đó làm gương mà cứ “sáng say, chiều xỉn”. Các bác sĩ cảnh báo, nguy cơ tử vong do ngộ độc rượu là rất cao…
Rượu là một chất độc hại
BS. Đinh Dạ Lý Hương – Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết: “Rượu là một trong nhiều chất độc hại mà con người tự nguyện tiêu thụ. Và càng ngày càng có nhiều người uống, độ tuổi của người uống cũng trẻ hóa dần. Theo Viện Chiến lược & Chính sách Y tế, mức độ sử dụng bia rượu của người Việt Nam đang cao gấp đôi tiêu chuẩn an toàn cho phép”.
Hiện nay chưa có thống kê nào cho biết trên thế giới có bao nhiêu loại rượu. Tuy vậy, tất cả những thức uống này có chung một đặc điểm là chứa chất cồn ethylic. Trong đó, nồng độ cồn của bia là 2,5 – 8%; rượu vang là 8 – 13%; các loại rượu mạnh như rượu đế, rượu nếp, rượu gạo của Việt Nam là 30 – 40%; rượu nhập khẩu như Whisky, Jonny Walker, Brandy, Martin, Gin là 40 – 60%.
Việc lạm dụng kéo dài rượu, bia, ngay cả những loại rượu an toàn cũng có thể gây ra những tổn hại lâu dài cho sức khỏe. Chẳng hạn như tim là cơ quan dễ bị tác động bởi rượu nên người uống có thể bị bệnh cao huyết áp, xơ mỡ động mạch, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Rượu bia tác động lên các vi khuẩn đường ruột, làm giảm sút khả năng hấp thu chất đạm, đường, chất béo, vitamin B9, B12. Bia rượu có thể làm tăng khả năng dị ứng với thức ăn và giảm khả năng đề kháng, gây viêm loét dạ dày, viêm tụy mãn tính. Rượu còn làm tăng nguy cơ các bệnh ung thư như ung thư miệng, họng, thực quản, gan.
BS. Lê Quốc Nam – chuyên khoa tâm thần cho biết: “Rượu bia nói chung có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương giống như một loại thuốc ngủ hay thuốc an thần nhẹ. Khi say rượu sẽ dẫn đến các thay đổi hành vi, cảm xúc, ngôn ngữ… Mức độ thay đổi này tùy thuộc vào nhiều yếu tố như nồng độ rượu, số lượng rượu uống vào, tình trạng dạ dày lúc uống, khả năng giải độc của gan. Khi uống nhiều rượu dễ dẫn đến tình trạng ngộ độ rượu cấp, biểu hiện: nói nhiều, hung hăng hoặc im lìm, vui buồn thay đổi nhanh chóng, thỉnh thoảng cười hay khóc. Cuối cùng là lơ mơ, hôn mê và tử vong. Về lâu dài, uống rượu nhiều sẽ dẫn đến sa sút tâm thần như giảm trí nhớ, nặng hơn là không tự vệ sinh cá nhân và không tự ăn uống; rối loạn thần kinh như nghe ảo thanh, hoang tưởng; trầm cảm, có ý nghĩ muốn chết; rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ…”.
Nồng độ methanol càng cao, nguy cơ tử vong càng lớn
Theo BS. Lý Hương, có hai nguyên nhân gây ngộ độc rượu cấp: do rượu chứa tạp chất cao hoặc hóa chất gây độc; do uống quá liều. Trong đó, nguyên nhân thứ nhất dễ dẫn đến tử vong hơn.
Hiện nay trên thị trường có khá nhiều rượu giả với độc tố cao. Qua xét nghiệm mẫu rượu liên quan đến các ca tử vong cho thấy hàm lượng methanol vượt mức cho phép từ vài chục đến vài trăm lần.
Vậy methanol là gì? Methanol còn gọi là aicol mathylic, carbinol hay đơn giản là rượu gỗ. Đó là chất lỏng không màu, dễ bốc cháy, mùi vị giống rượu ethanol, có các lý tính như ethanol. Methanol được dùng trong công nghiệp như pha chế các loại sơn đánh bóng gỗ, chất lau kính xe, chế mực in máy photocopy…
Tại sao trong rượu lại có hàm lượng methanol cao. Theo BS. Lý Hương, đó là rượu chế ra từ cồn công nghiệp, dùng cồn công nghiệp pha với nước lã tạo ra rượu trắng. Sau đó cho thêm nước cốt rượu gạo, rượu nếp, nước cốt thảo mộc cho ra rượu nếp, rượu trắng, rượu thuốc. Hoặc cũng có loại rượu chế từ cồn ethylic kém chất lượng với hàm lượng methanol aldehyt, acetone vượt tiêu chuẩn. Thậm chí, rượu “độc” ra đời còn do “sáng kiến” nâng cấp tiêu chuẩn lên 45 độ, người chế rượu pha thêm cồn vào rượu biến rượu “dở” thành rượu “xịn”. Ngoài 3 cách pha chế rượu trên, các nhà sản xuất rượu còn tận dụng bã mía vụn để chưng cất rượu. Trong quá trình lên men, bã mía sẽ phân hủy ra hàm lượng methanol rất cao. Rượu “độc” ra đời cũng có thể là do vô ý. Khi chưng cất rượu trắng có 3 phần rượu thu được. Phần rượu đầu, ngoài ethanol còn có các tạp chất độc hại như methanol, acetaldehyde, các acid và ester. Phần rượu giữa, chủ yếu là cồn ethanol dùng uống. Phần rượu cuối có chất độc furfurol, các cồn khác độc hơn ethanol và ester…
Khi uống rượu có nồng độ methanol cao chậm say hơn rượu thật, nhưng nguy hiểm vì rất độc, đào thải chậm. Tùy theo sự nhạy cảm của từng người, chỉ cần hấp thu dần dần đến mức 7 ml methanol là có thể gây hôn mê và tử vong. Khi vào cơ thể, methanol được chuyển hóa bằng phản ứng oxy hóa biến thành formaldehyde và acid formic rất độc, làm ngừng hô hấp tế bào, nhất là tế bào thần kinh, tích lũy ở dây thần kinh thị giác làm rối loạn khả năng nhìn. Do vậy, nhiều khả năng uống có thể bị mù hẳn ngay cả khi đã được cấp cứu tránh khỏi tử vong.
Kim Anh
Uống nhiều rượu sẽ gây suy giảm khả năng tình dục ở nam giới. Với nữ giới, uống rượu khi mang thai sẽ khiến thai nhi có nguy cơ bị dị dạng mặt sọ, não nhỏ, dị tật tứ chi hoặc gây sảy thai. |
Bình luận (0)