Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Giải pháp để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh đủ chỉ tiêu

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 20-10 là thời hạn cuối cùng các trường đại học, cao đẳng công bố danh sách thí sinh trúng tuyển, khép lại một kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) chính quy không mấy khả quan đối với nhiều trường cả công lập và ngoài công lập. Vì vậy, ngay sau khi kết thúc kỳ tuyển sinh năm nay, Hiệp hội các trường ÐH, CÐ ngoài công lập đã tổ chức hội thảo bàn về đổi mới công tác tuyển sinh chính quy.
Mặc dù Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) chưa có thống kê chính thức về kết quả tuyển sinh năm 2011 của các trường ÐH, CÐ trên cả nước nhưng có khá nhiều trường công bố không tuyển đủ chỉ tiêu. Trường đại học Ðại Nam tuyển được 900/1.400 chỉ tiêu. Trường đại học Văn Hiến (TP Hồ Chí Minh) do số lượng thí sinh trúng tuyển vào các ngành xã hội học và văn học không đủ số lượng, cho nên trường đã không thể mở lớp… Từ thực tế nhiều trường tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, có nhiều ý kiến phát biểu tại hội thảo cho rằng:  Cần có những nghiên cứu, đánh giá đổi mới công tác thi, tuyển sinh theo hình thức "ba chung", cũng như công tác đào tạo đại học hiện nay. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ÐH, CÐ ngoài công lập Trần Xuân Nhĩ, mùa tuyển sinh 2011, nhiều trường kể cả công lập và ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu chỉ vì thiếu nguồn tuyển do "điểm sàn đã chặn nguồn các trường". Hiệp hội đề xuất Bộ GD và ÐT thay đổi phương án tuyển sinh ÐH, CÐ theo hướng tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT và lấy đó vừa làm kết quả xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào ÐH, CÐ.
Hiệu trưởng Trường đại học Lương Thế Vinh (Nam Ðịnh) Hoàng Trọng Yêm  cho rằng: Bộ GD và ÐT chỉ nên làm nhiệm  vụ  quản  lý  nhà  nước, giao quyền tự chủ cho các trường kết hợp với thanh tra. Chẳng hạn, các trường "tốp trên" nếu không muốn dùng kết quả thi tốt nghiệp thì có thể tổ chức kỳ thi với những yêu cầu riêng của mình để chọn được thí sinh như mong muốn; còn các trường "tốp dưới" thì xét tuyển. "Nếu cứ với tình hình tuyển sinh ảm đạm như năm nay thì chỉ vài năm nữa, các trường ngoài công lập sẽ "ăn" vào "vốn" – ông Yêm nói. Cùng quan điểm nói trên, Hiệu trưởng Trường đại học dân lập Hải Phòng Trần Hữu Nghị cũng cho rằng: Lấy điểm tốt nghiệp THPT để xét vào ÐH, CÐ là tốt nhất. Ðiều đó cũng sẽ khuyến khích các trường THPT thúc đẩy chất lượng giảng dạy. Không nên lấy điểm môn này cao hơn môn kia dẫn đến tình trạng học sinh học lệch. Muốn thế, phải tổ chức thi tốt nghiệp THPT thật nghiêm túc để bảo đảm kết quả chính xác.
Có thể nói, việc một số trường ÐH, CÐ, nhất là trường ngoài công lập đề nghị bỏ "ba chung", "thả nổi" việc xét tuyển để cứu trường khỏi tình trạng "đói" sinh viên, cho thấy sự nóng lòng của các trường chỉ vì mục tiêu duy nhất là làm thế nào để tuyển đủ chỉ tiêu sau một mùa thi "thất bát". Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, Bộ GD và ÐT đưa ra chủ trương điểm sàn trong "ba chung" là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu, không phải hoàn toàn do điểm sàn cao, mà bởi các trường này chưa gây dựng được uy tín cũng như các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo để thu hút người học. Nhìn nhận một cách khách quan, nhiều nhà quản lý, chuyên gia giáo dục cho rằng, cần có những điều chỉnh trong các kỳ tuyển sinh chứ khó có thể "thả nổi" tuyển sinh. Hiệu trưởng Trường đại học Chu Văn An (Hưng Yên) Ðặng Văn Ðịnh thừa nhận rằng: Quy chế thi, tuyển sinh ÐH, CÐ là một quy chế được xây dựng tốt, nghiêm túc, chặt chẽ bậc nhất trong các quy chế thi cử. Mặt khác, việc tổ chức thi "ba chung" đã cho thấy việc tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá được nâng lên đáng kể. Có chăng chỉ nên điều chỉnh những gì không còn phù hợp mà thôi. Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường đại học Thành Tây Nguyễn Công Tạn cho rằng: Việc đổi mới thi tuyển sinh là xét trên bình diện tổng thể tăng quy mô đào tạo và tăng chất lượng. Vì vậy trường ngoài công lập phải chấp nhận cạnh tranh; không phải vì bảo vệ lợi ích hẹp hòi của một số ít trường ngoài công lập để đặt vấn đề bỏ "ba chung" mà quan trọng là tạo được một sân chơi chung, bình đẳng trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các trường. Ở đâu có môi trường học tập, chất lượng đào tạo cũng như sinh viên ra trường có trình độ, năng lực tốt thì ở đó có nhiều người vào học, đó là chuyện đương nhiên chứ không phải chờ đến "bảo hộ". Cùng quan điểm nói trên, Phó Hiệu trưởng Trường đại học FPT Nguyễn Xuân Phong cho rằng: Trên thực tế, mỗi trường phải xây dựng được thương hiệu và uy tín của mình bằng việc khẳng định chất lượng, còn việc cải tiến quy chế thi cử phải nghiên cứu một cách khoa học chứ không chỉ đơn thuần theo "cầu cứu" của một số trường không tuyển sinh đủ chỉ tiêu…
Thứ trưởng GD và ÐT Bùi Văn Ga từng cho rằng: Giải pháp để các trường tuyển sinh đủ chỉ tiêu là nâng cao chất lượng và uy tín. Không quảng bá nhằm thu hút thí sinh bằng mọi giá, dưới mọi hình thức, thiếu lành mạnh, gây phản cảm, bức xúc trong xã hội. Theo chúng tôi, Bộ GD và ÐT cũng cần có những thay đổi hợp lý, nhất là xóa bỏ những "rào cản vô hình" làm ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh. Nói như Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường cao đẳng ASEAN (Hưng Yên) Trần Kim Phương: Nhiều trường chưa đáp ứng được các điều kiện theo quy định mở ngành, nhưng vì xin được mở một ngành theo cơ chế "xin – cho" hiện nay quá vất vả cho nên phải tính chuyện "xin một thể" cả những ngành "khó" để dự phòng. Mặt khác, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, số chỉ tiêu chính quy các trường không tuyển sinh đủ, sau một quá trình "xin – cho" lại được Bộ GD và ÐT chuyển đổi sang chỉ tiêu đào tạo liên thông, liên kết. Ðây sẽ là những kẽ hở cho vấn đề tiêu cực có thể nảy sinh. Ðiều đó đòi hỏi ngành GD và ÐT cần có sự đổi mới quyết liệt để không tái diễn tình cảnh nguồn tuyển sinh vẫn thiếu trong khi ở nhiều nơi người có nhu cầu học vẫn không thể vào trường.
Theo XUÂN KỲ
(NDDT)

Bình luận (0)