Khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với lực lượng phòng vệ Nhật hôm 27.10 rằng Tokyo phản đối việc dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng châu Á, người nghe thực sự của phát biểu này lại ở Bắc Kinh, tờ Financial Times (Mỹ) bình luận.
Xe tăng Trung Quốc tập trận tại Sơn Đông, tỉnh duyên hải phía đông Trung Quốc – Ảnh: Reuters |
Một ngày sau đó, hôm 28.10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng gay gắt, cáo buộc giới lãnh đạo Nhật đang “liên tục đưa ra những phát biểu khiêu khích” và thể hiện một sự “ngạo mạn ngông cuồng”.
Hoàn cầu Thời báo, tờ báo có xu hướng dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc, thậm chí còn cảnh báo rằng nguy cơ mâu thuẫn giữa hai cường quốc “bùng lên thành xung đột quân sự” đang gia tăng.
Quan hệ Trung – Nhật trở nên căng thẳng kể từ sau khi Tokyo mua 3 đảo thuộc quần đảo Senkaku (mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) hồi năm 2012.
Ông Mike Green, một chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS – Mỹ), nhận định rằng khả năng xảy ra một cuộc đối đầu gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư “cao hơn bao giờ hết". Ông Mike Green cũng nhận định "ngòi nổ" có thể sẽ giống như tình huống khơi mào Thế chiến thứ nhất, tức là từ một nguyên cớ nhỏ, tưởng chừng không liên quan.
Thế chiến thứ nhất bùng nổ sau khi Đại công tước Franz Ferdinand của Áo – Hung bị một phần tử dân tộc chủ nghĩa người Serbia ám sát tại Sarajevo vào tháng 6.1914.
Ông Green còn bình luận thêm rằng phát biểu của ông Abe cuối tuần qua là dấu hiệu cho thấy thủ tướng Nhật sẽ “không để bị ép”.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng ông không thấy “có triển vọng gì về một giải pháp dễ dàng” cho tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vì Bắc Kinh luôn tin rằng gây sức ép là chiến thuật hữu hiệu nhất.
Ông Green dẫn ra câu chuyện Trung Quốc được cho là đã ép Philippines phải hạ giọng trong tranh chấp chủ quyền tại bãi cạn Scarborough ở biển Đông.
Nhận định về việc Nhật Bản liên tục đưa ra các báo cáo về tàu hải giám và máy bay Trung Quốc tiến gần lãnh thổ nước này, ông Lưu Giang Vĩnh, một chuyên gia nghiên cứu về Nhật Bản tại Trường đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), nói rằng Nhật đang tiến hành “chiến tranh tâm lý và chiến tranh ý kiến dư luận”.
Chính phủ Nhật Bản tuần trước cũng đã thông qua dự luật cho phép lực lượng phòng vệ nước này bắn hạ các máy bay không người lái (UAV) nước ngoài xâm phạm không phận, nếu các cảnh báo bị phớt lờ.
Ông Lưu tỏ ra hoài nghi về khả năng Nhật Bản sẽ thực thi đạo luật nói trên, cho rằng luật này “đi ngược lại hiến pháp Nhật, vốn quy định chỉ tấn công nước khác nếu bị tấn công trước”.
Học giả người Trung Quốc cũng nói thêm rằng hiện không có luật quốc tế nào quy định về hoạt động của UAV tại các vùng tranh chấp.
Tàu chiến Nhật Bản – Ảnh: AFP |
Giáo sư Niu Zhongjun, Trường đại học Ngoại giao Trung Quốc, nhận định rằng cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều không muốn chiến tranh, nhưng “khó có thể tránh được những vụ nổ súng do sơ ý”.
Trong khi đó, Hoàn cầu Thời báo vẫn tiếp tục đăng tải những cảnh báo gay gắt đối với Nhật Bản, cho rằng Nhật chớ nên nghĩ Trung Quốc sẽ tránh đụng độ vũ trang với Nhật vì “sợ Mỹ”.
“Khó có thể nói được là giữa Trung Quốc và Mỹ, bên nào sợ bên nào hơn”, tờ báo Trung Quốc dọa dẫm.
theo TNO
Bình luận (0)