Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thi hộ tại kỳ thi ĐH-CĐ 2008: Có thể buộc thôi học hoặc cấm thi hai năm

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Công tác thanh tra kiểm tra trong hai đợt tuyển sinh ĐH năm 2008 như thế nào? Thí sinh, giám thị vi phạm quy chế thi sẽ bị xử lý ra sao? Phó chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Trần Bá Giao (ảnh) đã có cuộc trò chuyện với PV Báo Giáo Dục TP.HCM trước giờ thi. Ông Giao cho biết:

Có tổng cộng 19 đoàn thanh tra cho cả hai đợt thi ĐH năm 2008 với khoảng 50 người tham gia. Việc thanh tra năm nay, ban chỉ đạo có đổi mới so với năm 2007. Đó là yêu cầu các trường phải tự chịu trách nhiệm. Bộ GD-ĐT chỉ kiểm tra, đôn đốc, giám sát các trường. Chính vì vậy, các đoàn thanh tra của Bộ chỉ đi lưu động đến các trường.

Đối với các trường, Bộ cũng đã tập huấn cho các cán bộ coi thi và thanh tra thi. Năm nay, Bộ có lưu ý nghiệp vụ coi thi cho các trường. Rút kinh nghiệm sau 6 năm thi 3 chung, khâu coi thi là quan trọng nhất để hạn chế đến mức thấp nhất tiêu cực cũng như những sai sót trong khi thi. Trong mấy năm trở lại đây, cùng với thực hiện cuộc vận động hai không, công tác coi thi đã được siết chặt. Chính vì vậy, số thí sinh vi phạm quy chế thi đã giảm đi nhiều. Năm 2007, thi tốt nghiệp THPT có 2.621 thí sinh vi phạm quy chế thi, năm 2008 chỉ có 1.016 thí sinh vi phạm. Đối với tuyển sinh ĐH, số thí sinh vi phạm quy chế cũng giảm đi. Năm 2007 số thí sinh thi ĐH vi phạm quy chế là 392, trong đó có 315 thí sinh bị đình chỉ. Trong khi đó, năm 2006 con số này tương đương là 1.166 và 964.

PV: Đánh giá của Bộ về thanh tra ủy quyền như thế nào thưa ông?

– Trong đánh giá chung của Bộ có đánh giá về công tác thanh tra ủy quyền. Về cơ bản là hoàn thành nhiệm vụ, yếu kém chỉ là trường hợp cá biệt. Năm nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường lựa chọn giáo viên có nghiệp vụ thanh tra coi thi. Nhờ có lực lượng này, tính nghiêm túc của kỳ thi đã tăng lên. Qua hai năm huy động thanh tra ủy quyền, đề án đổi mới thi và tuyển sinh nếu được thông qua sẽ chỉ còn một kỳ thi vào năm 2009. Khâu phối hợp giữa hai lực lượng (thanh tra ủy quyền của các trường ĐH, CĐ và cán bộ coi thi của các trường THPT) sẽ được tăng cường, tăng tính khách quan trong kỳ thi tạo sự phối hợp giữa phổ thông và ĐH. Tuy nhiên, trước đó vẫn có nhiều người băn khoăn về tính nghiêm túc của một kỳ thi. Đây là một thực tế. Ở một số địa phương còn buông lỏng kỷ cương nên xã hội không tin vào độ chính xác của kỳ thi tốt nghiệp. Nhưng tại sao ĐH làm được? Tính  nghiêm túc của thi và tuyển sinh được dư luận ủng hộ trong 2 năm qua đã triệt tiêu tư tưởng gian lận thi  cử trong thí sinh và người nhà, đã tạo được niềm tin trong xã hội.

Cho đến thời điểm này, Bộ đã thực sự yên tâm về đội ngũ thanh tra ủy quyền chưa?

– Về cơ bản là yên tâm nhưng không chủ quan, vẫn phải thanh tra, kiểm tra kỹ càng. Thuận lợi là khả năng sử dụng cơ sở vật chất của các trường ĐH, CĐ và khả năng tập trung thi tại các vùng có cơ sở vật chất tốt hơn. Tôi lấy ví dụ, Thừa Thiên Huế năm nay đã đưa hết học sinh THPT và BTTHPT về thành phố thi. Như vậy chọn địa điểm thi là cần thiết.

Thứ hai, tăng cường và chọn lọc kỹ lực lượng cán bộ coi thi trong phòng thi. Năm nay chưa thực hiện được nhưng sang năm sẽ triển khai vấn đề này. Chấm thi cũng có giáo viên các trường ĐH chấm. Bộ cũng đang xây dựng các biện pháp kỹ thuật cho việc tổ chức thi. Các thí sinh không nên hy vọng vào gian lận thi cử. Việc thí sinh vi phạm quy chế có tinh vi hơn nhưng cũng đều đã bị phát hiện. Điều đó khẳng định sự phối hợp giữa ngành giáo dục với lực lượng công an đã triệt phá các đường dây thi thuê thi hộ. Số lượng các vụ vi phạm đều đã giảm.Việc chống gian lận trong thi cử ngành giáo dục cũng đã có biện pháp còn đối với lực lượng công an cũng có nghiệp vụ để phát hiện.

Chợ phao đã giảm nhưng vẫn còn tồn tại, theo ông lý do vì sao?

– Đây là do tâm lý. Tâm lý này lại rơi vào số học sinh yếu kém, cần đến sự cầu cứu hỗ trợ của các hành vi gian lận. Đối với môn thi trắc nghiệm, thời gian thi ngắn, nếu thí sinh có ý định gian lận cũng là tự hại mình. Đối với các môn thi tự luận thì cũng chỉ là đoán mò. Không những thế, mang phao thi vào phòng thi sẽ bị đình chỉ thi. Năm nào Bộ GD-ĐT cũng phối hợp với lực lượng công an ở các quận trước đây có chợ phao thi để ngăn chặn kịp thời. Việc phối hợp này năm nay cũng đã tiến hành rồi.

Công tác in sao đề thi như thế nào, thưa ông?

– Ra đề thi vẫn theo nguyên tắc đảm bảo sự an toàn tuyệt đối. Chuyển đề xuống các trường cũng được đảm bảo an toàn. Đề thi thừa cũng được niêm phong. Việc đảm bảo đề thi các điểm trường cũng phải chịu trách nhiệm. Ai để lọt đề thi ra ngoài không chỉ bị xử lý theo quy chế mà còn bị xử lý hình sự. Vì đề thi nằm trong bí mật quốc gia. Thí sinh làm xong bài sớm cũng phải nộp lại đề thi cho giám thị coi thi.

Các trường ĐH năm nay có gặp khó khăn trong thuê địa điểm thi, Bộ có chỉ đạo như thế nào để giải quyết vấn đề này?

– Thi ĐH đúng là có khó khăn trong thuê địa điểm thi. Nhưng trách nhiệm tổ chức thi là của các trường. Ở điểm thi nào chưa đảm bảo an toàn thì phải tăng cường lực lượng. Các trường cũng đã tiến hành chuẩn bị, kiểm tra rất kỹ vấn đề này. Trong quy chế thi cũng có quy định về vấn đề này.

Theo ông, thí sinh và giám thị cần đặc biệt chú ý những điều gì trong quy chế thi năm nay?

– Về cơ bản, quy chế thi vẫn giữ như năm trước. Có điểm mới là quy định cụ thể xử lý các vi phạm như nhấn mạnh việc mang điện thoại vào phòng thi sẽ bị đình chỉ thi. Đối với giám thị, nếu là công chức sẽ bị xử lý theo pháp lệnh công chức hoặc theo pháp luật. Còn đối với thí sinh, nếu tổ chức thi thuê thi hộ là sinh viên sẽ bị buộc thôi học, là thí sinh có thể bị cấm thi hai năm.

Xin cảm ơn ông!

Thiên Lam (thực hiện)

Bình luận (0)