Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

“Có 5 điểm mới trong kỳ tuyển sinh đại học 2011”

Tạp Chí Giáo Dục

 Chỉ còn một tuần nữa, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011 sẽ bắt đầu với gần 2 triệu lượt thí sinh tham dự. Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với giáo sư-tiến sỹ khoa học Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban Chỉ đạo thi và tuyển sinh quốc gia năm 2011.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Trần Thanh Giang/TTXVN)
– Xin ông cho biết những điểm mới của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2011?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Về cơ bản, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2011 vẫn giữ ổn định theo giải pháp 3 chung như các năm trước. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các thí sinh đặc biệt được ưu tiên xét tuyển và giúp cho thí sinh bình thường có nhiều cơ hội trúng tuyển vào ngành nghề và cơ sở đào tạo yêu thích, kỳ thi tuyển sinh năm nay có một số điểm mới như sau:
1. Thí sinh là người khuyết tật không thể tự phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày: Hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập trung học phổ thông của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét quyết định cho vào học.
2. Thí sinh là người nước ngoài, có nguyện vọng học tại các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: Hiệu trưởng các trường căn cứ kết quả học tập trung học phổ thông của học sinh (bảng điểm), kết quả kiểm tra kiến thức và tiếng Việt theo quy định của trường để xem xét quyết định cho vào học.
3. Kéo dài thời gian nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3 mỗi đợt thêm 5 ngày so với năm 2010. Cụ thể các trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển và lệ phí đăng ký xét tuyển đợt 2 (nguyện vọng 2) và đợt 3 (nguyện vọng 3) của thí sinh theo thời hạn sau đây:
+ Đợt 2: từ ngày 25/8/2011 đến 17 giờ ngày 15/9/2011.
+ Đợt 3: từ ngày 20/9/2011 đến 17.00 giờ ngày 10/10/2011.
4. Thí sinh được rút hồ sơ đăng ký xét tuyển đã nộp cho cơ sở đào tạo để xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 trong vòng 15 ngày, kể từ khi bắt đầu nộp hồ sơ xét tuyển mỗi nguyện vọng theo lịch tuyển sinh. Các trường cập nhật công khai thông tin về hồ sơ xét tuyển các nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 trên Website của trường để thí sinh theo dõi, quyết định việc rút, nộp hồ sơ của mình vào trường, ngành học phù hợp. Vì vậy thí sinh cần theo dõi sát thông tin của các trường để có quyết định đúng đắn phù hợp với kết quả thi của mình. Thí sinh ở xa cơ sở đào tạo có thể ủy quyền cho người thân thực hiện việc rút, nộp hồ sơ xét tuyển này. Điểm mới này nhằm giúp cho thí sinh có thêm nhiều cơ hội trúng tuyển và các trường cũng có nhiều cơ hội tuyển được thí sinh giỏi vào học.
5. Để tăng cường kỷ cương trong tuyển sinh, Bộ bổ sung hình thức kỷ luật cảnh cáo hoặc mức kỷ luật cao hơn đối với Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người khác liên quan vi phạm một trong các lỗi sau đây: Gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng kí xét tuyển vào trường; Thông báo nhận và kết thúc việc nhận hồ sơ đăng kí xét tuyển của thí sinh không đúng thời gian quy định; Hạ điểm trúng tuyển các nguyện vọng trái quy định; Tính điểm sàn với điểm môn thi đã nhân hệ số.
– Điều mà các thí sinh quan tâm nhất trong mỗi kỳ tuyển sinh đại học-cao đẳng là mức độ khó-dễ của đề thi. Năm nay, đề thi tuyển sinh đại học-cao đẳng sẽ định hướng thế nào?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Đề thi tuyển sinh đại học-cao đẳng, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là phải đạt được các yêu cầu kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học. Nội dung đề thi phải đảm bảo tính khoa học, chính xác, chặt chẽ. Lời văn, câu chữ phải rõ ràng, không có sai sót.
Chủ trương của Bộ là ra đề thi không quá khó, không quá phức tạp. Đề thi được ra theo hướng đảm bảo sự phân loại tốt, có phổ điểm hợp lý để giúp các trường có thể lựa chọn được thí sinh phù hợp với yêu cầu đào tạo của minh đồng thời, đề thi phải đạt yêu cầu phân loại được trình độ học lực của thí sinh và phù hợp với thời gian quy định cho mỗi môn thi. Không ra đề thi ngoài chương trình và vượt chương trình trung học. Không ra đề vào những phần giảm tải, cắt bỏ đồng thời, không ra đề thi vào những phần, những ý còn đang tranh luận về mặt khoa học hoặc có nhiều cách giải.
Vì đây là kỳ thi tuyển, lấy điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp nên tính phân loại của đề thi có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với độ khó, dễ của nó./.
Theo Hoàng Hoa
(TTXVN/Vietnam+) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)