Cả xã hội đều biết, những người “trong cuộc” càng biết rõ cái vòng luẩn quẩn ấy, nhưng vì sao vẫn chưa hành động là câu hỏi đang được đặt ra
Cho đến thời điểm này, hầu hết các trường ĐH đã hoàn thành công tác chấm thi. Năm nay, phương án “ba chung” (chung đề thi, chung đợt thi, chung kết quả để xét tuyển) bước sang năm thứ 10, tiếp tục phát huy tác dụng trong việc thiết lập mặt bằng chung và xác định vị trí, thứ hạng cho từng nhà trường, từng thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh trên qui mô cả nước.
Nhiều trường ngoài công lập đã không tuyển đủ chỉ tiêu dù điểm đầu vào thấp (Ảnh minh hoạ) |
Nhờ có thước đo “ba chung” mà mới đây, người ta đã đưa ra so sánh hai con số: 29 và 12,5 khá thú vị, nói cho chính xác hơn đó là tổng điểm 3 môn thi ĐH của hai thí sinh thi vào hai trường khác nhau, 1 ở trường công lập, 1 ở trường ngoài công lập, nhưng cùng đội chung một cái mũ “thủ khoa”.
Thật khôi hài và khó tin, nhưng đó là sự thật. Chỉ có điều, người dẫn ra con số: 12,5 điểm – thủ khoa của trường ĐH Hà Hoa Tiên là chưa chính xác, mà điểm cao nhất của thí sinh thi vào trường này ở khối A là 14 điểm và ở khối D là 16,25 điểm. Một điều nữa cũng cần thống nhất cách hiểu đó là: “điểm của thủ khoa” – điểm của thí sinh có kết quả thi cao nhất trường và “điểm chuẩn tuyển vào trường” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Dẫu vậy, chúng ta cũng không thể phủ nhận, trình độ thủ khoa nói riêng và trình độ “đầu vào” nói chung của các trường ngoài công lập vẫn đang có khoảng cách khá lớn so với các trường công lập.
Thực ra, những khó khăn, bất cập về “đầu vào” của các trường ngoài công lập không phải bây giờ mới xuất hiện. Nó dai dẳng, nhức nhối cả chục năm nay, mà mỗi mùa tuyển sinh, chúng ta đều chứng kiến. Thật dễ hiểu, khi các trường ngoài công lập hầu hết mới thành lập, non yếu về kinh nghiệm đào tạo, lại thêm những thiếu hụt cơ bản về đội ngũ giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất và học phí cao, nên nhìn chung không thu hút được thí sinh có năng lực học tập tốt. Khi “chơi” chung một sân tuyển sinh với trường công lập, thì các trường ngoài công lập trở nên yếu thế. Có người đã ví von là “bên chân giầy, bên chân đất”, làm sao có cạnh tranh bình đẳng được?!. Nói như một số thầy ở trường ngoài công lập, họ đành ngậm ngùi chờ tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3, tức là chấp nhận “sái 2, sái 3”.
Ngay đến trường ĐH dân lập Hải Phòng, được xếp vào diện có “tên tuổi” trong hệ thống các trường ngoài công lập, thì suốt 8 năm liền phải tuyển sinh nhờ “cái chung” thứ ba (chung kết quả để xét tuyển) chứ đâu dám tổ chức thi. Mãi hai năm trở lại đây, nhà trường mới quyết định tổ chức thi tuyển, nhưng số lượng và chất lượng “đầu vào” cũng còn khiêm tốn. Hoặc, như trường ĐH Tân Tạo, trong mùa tuyển sinh năm nay, dù tung ra rất nhiều chiêu học bổng, quà tặng hấp dẫn, nhưng tất thẩy chỉ có 50 thí sinh dự thi và kết quả chỉ có 34 em đạt từ 14 điểm trở lên cho ba môn thi, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh là 500.
Với trường ĐH Kinh tế công nghiệp Long An, tình hình cũng chẳng sáng sủa hơn. Được giao 1250 chỉ tiêu, nhưng chỉ có 34 thí sinh đạt kết quả từ 13 điểm trở lên… Đương nhiên, các trường này phải chờ đợi xét tuyển NV2, NV3. Nhưng chờ đến bao giờ và liệu hết thời hạn quy định, có tuyển đủ chỉ tiêu hay không, thì chẳng ai dám chắc.
Cũng vì không chủ động được nguồn tuyển, tình trạng “xé rào”, hạ thấp yêu cầu “đầu vào” năm nào cũng xảy ra, chủ yếu rơi vào khối các trường ngoài công lập. Tiếc rằng, trong công tác quản lý, ngành GD chưa tìm được giải pháp nào tích cực hơn ngoài cái cách “xử phạt hành chính” hoặc “khấu trừ chỉ tiêu tuyển sinh năm sau” đối với các trường vi phạm quy chế. Để rồi, vào mỗi mùa tuyển sinh, hiện tượng “xé rào”, bệnh tình “sống dở chết dở” vì không tuyển đủ chỉ tiêu ở nhiều trường lại tái phát. Chưa kể, nhiều vấn đề căn cốt khác trong quản lý giáo dục ĐH nói chung và quản lý các trường ĐH ngoài công lập nói riêng, như việc thành lập trường, mở mã ngành đào tạo, đến kiểm tra giám sát quá trình đào tạo, chất lượng “đầu ra” , hầu như vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Trong thông báo kết luận của Bộ Chính trị số 242 ngày 15/4/2009 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2, khoá 8 và phương hướng phát triển GD&ĐT đến năm 2020 đã nhận định:“… Việc cho phép thành lập mới các trường Đại học, Cao đẳng có phần dễ dãi, trong khi các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ giảng viên không đảm bảo, dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, nhất là các trường ngoài công lập và các trường của địa phương…”. Vì vậy, kết luận của Bộ Chính trị yêu cầu: phải chấn chỉnh, sắp xếp lại hệ thống các trường Đại học, Cao đẳng; khắc phục tình trạng thành lập mới ở những nơi, những lĩnh vực không đủ điều kiện về đội ngũ cán bộ giảng dạy, về cơ sở vật chất trang thiết bị và đầu vào của sinh viên; Không duy trì trường các trường đào tạo có chất lượng kém…
Đã hơn hai năm trôi qua kể từ ngày Bộ Chính trị có thông báo 242, nhưng tình hình giáo dục ĐH vẫn không mấy được cải thiện. Những câu chuyện khôi hài vào mỗi mùa tuyển sinh vẫn khiến chúng ta “cười ra nước mắt”, những cái vòng xoay tròn như không lối ra: “đầu vào” thấp, điều kiện giảng dạy học tập không đảm bảo, dẫn đến chất lượng “đầu ra” thấp. Một khi chất lượng “đầu ra” thấp, sẽ không thu hút được người giỏi vào học và buộc phải chấp nhận “đầu vào” thấp… Cái vòng luẩn quẩn ấy, cả xã hội đều biết, những người “trong cuộc” càng biết rõ, nhưng vì sao vẫn chưa hành động?!./.
Theo Hải Yến
(VOV)
Bình luận (0)