Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Trường nghề thấp thỏm

Tạp Chí Giáo Dục

Trong 50 thí sinh thi đại học được hỏi “nếu không vào được đại học bạn sẽ làm gì?” thì có đến 38 người trả lời “sẽ tiếp tục ôn thi đại học thêm 1 năm nữa”; 3 người trả lời “sẽ đi kiếm việc làm”; 3 người trả lời “sẽ đi du học tự túc”; 2 người trả lời “sẽ đi học nghề”…
Trong lúc các trường đại học tất bật với mùa tuyển sinh thì các trường nghề lại đang thấp thỏm liệu có tuyển đủ chỉ tiêu để mở lớp? Những tưởng khi chính sách thông thoáng, thị trường lao động cần thì các trường nghề sẽ khởi sắc nhưng trên thực tế không phải như thế. 
Chạy cùng sào mới vào… trường nghề
TPHCM hiện tại có 420 cơ sở dạy nghề, trong đó có 11 trường cao đẳng; 29 trường trung cấp nghề; 92 trung tâm dạy nghề; 18 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và 270 doanh nghiệp, tổ chức xã hội tham gia dạy nghề với năng lực đào tạo khoảng 400.000 lượt sinh viên, học viên/năm. Bên cạnh đó, nhiều chính sách thu hút học sinh vào học trường nghề được nới rộng, ưu tiên.
Đặc biệt, gần đây, Bộ GD-ĐT đã cho phép các học sinh trường nghề  có thể liên thông lên đại học  hay mới đây nhất là hạn chế các trường đại học tham gia dạy nghề và trung học chuyên nghiệp để phân luồng, định hướng cho các học sinh vào trường nghề. Thế nhưng, cùng với lợi thế về hạ tầng dạy nghề cộng với các chính sách thông thoáng hơn nhưng đến nay, công tác tuyển sinh ở các trường nghề vẫn chưa có sự khởi sắc.
Trong 50 thí sinh thi đại học được hỏi “nếu không vào được đại học bạn sẽ làm gì?” thì có đến 38 người trả lời “sẽ tiếp tục ôn thi đại học thêm 1 năm nữa”; 3 người trả lời “sẽ đi kiếm việc làm”; 3 người trả lời “sẽ đi du học tự túc”; 2 người trả lời “sẽ đi học nghề” và số còn lại trả lời “chưa biết”. Với câu hỏi “nếu trượt đại học sẽ định hướng cho các cháu làm gì?” dành cho các bậc phụ huynh có con đang thi đại học thì tuyệt nhiên không một phụ huynh nào chọn định hướng cho con đi học nghề…
Có một thực tế là hiện nay nhiều học sinh quan tâm khi làm hồ sơ dự thi vào các trường đại học không xuất phát từ năng lực, ngành nghề mà chỉ đăng ký theo cảm tính, sở thích. Một số khác chọn ngành nghề dự thi theo mong muốn của cha mẹ hoặc bạn bè. Nhiều em thích chọn những ngành nghề nghe tên rất kêu hoặc đang “nóng”, dễ kiếm nhiều tiền hơn là chọn ngành nghề xã hội đang cần. Trao đổi với chúng tôi, nhiều phụ huynh, học sinh cho rằng “chỉ lúc nào bí quá mới đi học nghề”.
Thiếu định hướng
Thực tế này cho thấy, các hình thức và hoạt động hướng nghiệp của các trường nghề, trường phổ thông thời gian qua dù rất phong phú nhưng chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, hầu hết học sinh cuối bậc trung học cơ sở đều đăng ký thi lên bậc trung học phổ thông, còn học sinh lớp 12 cũng chỉ chú tâm làm hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng mà bỏ qua trường nghề và trung cấp chuyên nghiệp. Các chương trình tư vấn mùa thi tổ chức rầm rộ hàng năm chỉ tập trung nhiều vào thi đại học, cao đẳng còn các trường nghề có vẻ yên ắng.
Ngoài nguyên nhân do công tác hướng nghiệp còn do phân luồng học sinh chưa hiệu quả. Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực TPHCM Trần Anh Tuấn lý giải, thực trạng này là do công tác dự báo nhu cầu nhân lực của chúng ta hiện nay vẫn thiếu và yếu. Không ít trường nghề chỉ chú trọng đào tạo một số ngành nên dẫn đến dư thừa lao động, trong khi đó nhiều ngành doanh nghiệp đang cần thì các trường lại chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo không đáp ứng nhu cầu của xã hội cũng khiến học sinh tốt nghiệp ra trường khó tìm việc làm.
“Để giải quyết bài toán thiếu học viên, trước hết cần xây dựng kế hoạch thực hiện công tác hướng nghiệp để học sinh phổ thông hiểu rõ hơn về nội dung đào tạo của các trường nghề. Hiện nay nhiều thầy cô giáo vẫn còn nhầm lẫn giữa trường nghề và các trường chuyên nghiệp nên cũng khó khăn khi định hướng cho học sinh. Cái khó của hệ thống trường nghề là không trực thuộc quản lý của Bộ GD-ĐT, trong khi hệ thống trường trung cấp chuyên nghiệp lại trực thuộc Bộ GD-ĐT nên có lợi thế hơn trong hướng nghiệp, tuyển sinh” – hiệu trưởng một trường nghề bày tỏ.
Còn theo ông Trần Anh Tuấn, các trường nghề cần kết nối với doanh nghiệp, đào tạo theo nhu cầu xã hội để học viên khi ra trường có việc làm ngay thì mới thu hút được học viên.
Ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐTB-XH TPHCM) cho biết, năm 2011 các trường nghề đã tuyển sinh đào tạo trên 270.000 người, trong đó hệ trung cấp cao đẳng là 20.500 người. Đối với 4 lĩnh vực ưu tiên (cơ khí, hóa chất, điện tử – công nghệ thông tin và chế biến thực phẩm) đã đào tạo trên 50.000 người, trong đó trên 8.000 người được đào tạo nghề từ trung cấp trở lên. Đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong năm 2011 đã đào tạo được trên 6.000 người, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo là 52%. Hiện nay, TPHCM có 20 trường và trung tâm tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Sắp tới sẽ huy động 71 cơ sở dạy nghề, trong đó có 5 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp với năng lực đào tạo trên 40.000 lao động nông thôn/năm.

theo KTS

Bình luận (0)