Ngày mai, 21/6, hơn 50.000 thí sinh (TS) của TP.HCM sẽ tham dự kỳ tuyển sinh lớp 10. Nếu không trúng tuyển vào công lập, khoảng 25% học sinh sẽ phải ra học dân lập, tư thục, giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp… Sức ép đang đè nặng lên vai các sĩ tử và PHHS.
Từ những trường hợp bị đình chỉ thi oan uổng do điện thoại di động, cô Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, Q.3 dặn dò các TS tuyệt đối không mang điện thoại vào phòng thi. Các TS nhớ mang theo phiếu báo danh, không để phiếu báo danh trong túi quần, túi áo đề phòng trường hợp phiếu bị giặt chung với quần áo. Tốt nhất là các em nên chuẩn bị một túi riêng mang theo suốt trong hai ngày thi, trong túi này chứa những vật dụng cần thiết và phiếu báo danh. Mỗi em cần chuẩn bị hai-ba cây viết giống nhau, tránh trường hợp một bài thi có hai màu mực sẽ bị chấm riêng.
Những sự cố trên đường đi thi cũng đã được ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý: nếu đi giữa đường xe bể bánh, TS phải nhanh chóng bắt xe ôm. Dù có trễ giờ như thông báo, TS cũng phải nhanh chân chạy đến hội đồng thi. Biết đâu, các em vẫn còn cơ hội thi vì theo quy chế, trường hợp TS đến phòng thi muộn nhưng chưa đến thời điểm tính giờ làm bài thì giám thị lập biên bản và cho TS dự thi; chỉ khi nào đến muộn sau thời điểm tính giờ làm bài mới không được dự thi. Tuy nhiên, TS nên cố gắng đi sớm để tránh cập rập. Những TS dự thi đủ ba môn và không có bài thi nào bị điểm 0 mới được xét tuyển. Ngoài ra, các giấy chứng nhận hưởng chế độ cộng điểm cho diện ưu tiên và khuyến khích nếu bổ sung sau ngày 22/6 sẽ không có giá trị hưởng điểm cộng.
|
Học sinh lớp 9 Trường THCS Kim Đồng, Q.5, TP.HCM trong giờ ôn thi chuẩn bị kỳ
thi tuyển sinh lớp 10 – Ảnh: TTO |
Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: đề tuyển sinh lớp 10 sẽ có 50% tái hiện ghi nhớ, 50% yêu cầu vận dụng, thực hành kiến thức. Đề nằm trong chương trình THCS, chủ yếu ở lớp 9, nhưng sẽ phân hóa mạnh theo tỷ lệ 7/3 (bảy cơ bản, ba nâng cao). Đối với đề thi chuyên là 6/4, tỷ lệ khó là 4 nhằm tuyển chọn đúng HS có năng khiếu bộ môn.
“Trong quá trình làm bài, HS phải nhớ một nguyên tắc cơ bản: dễ làm trước”, cô Phạm Thị Huệ khuyên. Điểm của câu dễ và câu khó tương đương nhau, nhưng số câu hỏi cơ bản sẽ nhiều hơn câu hỏi khó nên HS cần tranh thủ lấy điểm ở những câu dễ. Trong 24 “giờ vàng” trước ngày thi, các em không nên học “dồn dập” mà hãy nắm chắc kỹ năng làm bài để có thể đạt điểm cao. Theo cô Tạ Kim Diệu, chuyên viên môn Văn, Phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh, đề văn tuyển sinh lớp 10 thường có ba câu: câu 1 (2 điểm) tái hiện kiến thức về tác giả, tác phẩm văn học và giải các bài tập tiếng Việt; câu 2 (3 điểm) viết một văn bản ngắn về một vấn đề xã hội; câu 3 (5 điểm) nghị luận văn học. TS cần chú ý đến thời gian làm bài, câu 1, 2, làm trong 30 phút, 90 phút còn lại để dành cho phần tập làm văn. Ở phần làm văn, nếu bài tập làm văn là một tác phẩm thơ, các em chú ý phân tích nội dung song song với nghệ thuật; nếu là một tác phẩm truyện, chú ý phân tích nội dung xong mới đến phần nghệ thuật. Nếu phân tích nhân vật, cần chú ý nêu đặc điểm nhân vật, mỗi đặc điểm của nhân vật được thể hiện thông qua cử chỉ, lời nói, thái độ… ra sao. Các em phải biết mở rộng ý, liên hệ thực tế, nêu cảm nhận, cảm xúc của cá nhân để bài làm có điểm cao. Bên cạnh đó, TS tránh trường hợp viết theo cảm tính, sai lỗi chính tả, dấu hỏi, dấu ngã, tránh viết câu thiếu chủ ngữ, vị ngữ, đặc biệt, tránh diễn xuôi tác phẩm, lạc đề – nhiều TS hay mắc lỗi này.
Đề thi môn toán gồm phần đại số và phần hình học. Theo thầy Quách Tú Chương, chuyên viên môn Toán Sở GD-ĐT, nếu làm nháp, TS cần kiểm tra các phép tính thật chính xác trước khi ghi vào giấy thi. Hình học phải có vẽ hình thì mới được chấm phần hình học. Các em nên sử dụng máy tính cầm tay để kiểm tra các phép tính và kết quả. Bài làm phải viết thật rõ ràng, dễ đọc, lập luận đầy đủ, chặt chẽ.
Đối với môn tiếng Anh, cô Phùng Ngọc Hoa, Trường THCS chuẩn quốc gia Nguyễn Văn Tố lưu ý: có em chỉ làm 15 phút là xong bài nhưng điểm bài làm “thần tốc” đã không “thần kỳ”. Bởi đề tuyển sinh 10 phân hóa trình độ HS nên sẽ có những câu “bẫy”. Nếu TS thấy từ quen thuộc, lập tức chọn mà không suy luận, không đặt trong ngữ nghĩa sẽ dễ bị nhầm lẫn. Ngoài ra, các em cẩn thận với các mệnh đề quan hệ, hạn chế tự phiên ra tiếng Việt. TS thường bị mất điểm ở phần dạng thức của từ và viết lại câu, viết sai chính tả, thiếu chữ… Nếu không hiểu nghĩa của từ nhưng giỏi suy luận logic, biết loại trừ dần sẽ giúp các em chọn đúng đáp án.
|
Theo Hồng Liên
(phunuonline)
Bình luận (0)