Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh 2011: Sẽ thừa hàng nghìn chỉ tiêu

Tạp Chí Giáo Dục

Năm nay, số trường ĐH, CĐ xét tuyển NV3 đạt mức kỷ lục với 100 trường. Tham gia xét tuyển cả 3 đợt nhưng lãnh đạo nhiều trường khẳng định sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu mà Bộ giao. Như vậy, sẽ thừa hàng nghìn chỉ tiêu tuyển sinh không có thí sinh vào học.
Trường công lập cũng lo không tuyển đủ chỉ tiêu
Có lẽ chưa bao giờ nhiều trường ĐH, CĐ công lập lại tham gia xét tuyển NV3 nhiều như năm nay với 97 trường, cũng chưa bao giờ mức điểm xét tuyển lại thấp như năm nay và cũng chưa bao giờ chỉ tiêu xét tuyển NV3 nhiều như năm nay.
Kỷ lục số lượng chỉ tiêu xét tuyển nhiều nhất là ĐH Thái Nguyên tới 1.800 chỉ tiêu NV3 và mức điểm xét tuyển chỉ bằng điểm sàn của Bộ. Trường ĐH Sao Đỏ 1.240 chỉ tiêu; trường ĐH Hà Tĩnh 180 chỉ tiêu; ĐH Hồng Đức hơn 500 chỉ tiêu; ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên 700; ĐH Văn hóa Hà Nội hơn 200 chỉ tiêu; CĐ Công nghiệp Dệt may thời trang Hà Nội 600 chỉ tiêu; CĐ Công nghệ và kinh tế công nghiệp 520 chỉ tiêu; CĐ Công nghiệp Thái Nguyên 300 chỉ tiêu; CĐ Công nghiệp Nam Định 600 chỉ tiêu; ĐH Y Hải phòng 67 chỉ tiêu… Riêng khối trường ngoài công lập thì số lượng chỉ tiêu xét tuyển NV3 cao nhất như ĐH Dân lập Lương Thế Vinh xét tuyển 800 chỉ tiêu NV3; ĐH Dân lập Hải phòng 400 chỉ tiêu; ĐH Nguyễn Trãi gần 400 chỉ tiêu; ĐH Thành Đô 1.378 chỉ tiêu…
Nhìn tổng thể bức tranh NV3 năm nay, cho thấy vẫn còn hàng chục nghìn suất học đại học, cao đẳng đang chờ thí sinh. Tuy nhiên, nhận định của lãnh đạo nhiều trường, sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu.
Trường ĐH Công đoàn lần đầu tiên thông báo xét tuyển NV3 với 170 chỉ tiêu. Lý giải vì sao năm nay trường xét tuyển NV3, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết: “Năm nay trường xét tuyển theo khối nên điểm chuẩn vào trường cao. Thí sinh tập trung vào các ngành “nóng” như Kinh tế còn dồn lại những ngành thiếu chỉ tiêu thuộc khối Kỹ thuật. Với tình hình xét tuyển hiện nay của các trường, chúng tôi không hy vọng tuyển đủ chỉ tiêu NV3”.
Hy vọng sẽ tuyển đủ chỉ tiêu NV3, ông Nguyễn Đức Giang, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cho biết: “Chúng tôi cố gắng tuyển đủ chỉ tiêu NV3 vì năm nay chúng tôi xét tuyển hầu hết các ngành trong trường trừ các ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật máy là không tuyển NV3”.
Ông Giang tự tin như vậy là do mức điểm xét tuyển của các ngành trong trường chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT.
Thí sinh thay đổi hồ sơ NV2 tại ĐH Đà Nẵng. Mùa tuyển sinh năm nay, lãnh đạo nhiều trường đại học khẳng định sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu do thiếu nguồn tuyển. (Ảnh: Khánh Hiền)
Cạn kiệt nguồn tuyển
Chính điểm xét tuyển NV3 của các trường ĐH công lập bằng điểm sàn như vậy dẫn đến tình trạng thiếu nguồn tuyển của các trường ĐH ngoài công lập.
Tính đến thời điểm này, trường ĐH Hà Hoa Tiên mới có trong tay 105 hồ sơ trên tổng số hơn 600 chỉ tiêu được giao. Ông Văn Bá Thanh, phó hiệu trưởng nhà trường, buồn rầu cho biết: “Năm nay nhiều trường ĐH công lập còn không tuyển đủ chỉ tiêu nữa là các trường ngoài công lập chúng tôi. Cạn kiệt nguồn tuyển rồi. Để cứu lấy trường tôi, bộ đã cho áp dụng điều 33 để tuyển nhưng không ăn thua vì vùng tuyển chỉ dành cho thí sinh khu vực Hà Nam. Tính toán tất cả, trong mùa tuyển sinh năm nay chúng tôi chỉ tuyển được khoảng 160 chỉ tiêu”.
Ông Thanh tâm sự: “Trong 5 mùa tuyển sinh của nhà trường, năm nào trường cũng lỗ vì số lượng thí sinh đăng ký vào quá ít. Năm nay là khó khăn nhất của trường. Nhà trường được đầu tư đất đai, cơ sở vật chất đến mấy nghìn tỷ nên sẽ không đóng cửa vì chủ đầu tư của trường là doanh nghiệp làm ăn lớn với nguồn thu dồi dào nên hàng năm đều bù lỗ cho trường”.
Cùng nỗi lo chung, ông Nguyễn Việt Hải, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Chu Văn An, cho biết: “Hiện nay trường mới nhận được gần 50% hồ sơ so với chỉ tiêu được giao vì nguồn tuyển hiện nay không còn nhiều. Hy vọng tuyển được 70% chỉ tiêu là tuyệt lắm rồi”.
Giải thích tại sao thí sinh ngại vào trường ngoài công lập, ông Hải cho hay: “Do thí sinh còn lăn tăn về chất lượng của các trường, học phí cao, điều kiện cơ sở vật chất, địa điểm học và tìm việc làm sau khi ra trường. Do khi tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp cơ quan nhà nước không thích nhận sinh viên các trường ngoài công lập vì sợ chất lượng không đảm bảo. Tuy nhiên, các trường ngoài công lập chúng tôi đang nỗ lực nâng cao chất lượng nhưng chất lượng đầu vào thấp thì cũng rất khó khăn”.
Theo Hồng Hạnh
(Dân trí)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)