Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Giáo dục đại học: Rối!

Tạp Chí Giáo Dục

Những yếu kém của giáo dục ĐH đã được mổ xẻ tại hội nghị sơ kết triển khai Chỉ thị 296 của Thủ tướng và tổng kết năm học 2011-2012 khối các trường ĐH, CĐ do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 29-10

Làm nóng hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu quyết tâm: “Không thể phát triển giáo dục ĐH với quy mô ngày càng tăng mà không có sự giám sát chặt chẽ về chất lượng đào tạo”.
Quá nhiều bất cập
Phó Thủ tướng nêu: Năm 2006, cả nước có 18 trường được thành lập, trong đó 6 trường mới thành lập, con số tương ứng năm 2007 là 11-10; 2008: 10-8; 2009: 9-5; 2010: 12-4 và 2011: 14-1. Trong 2 năm 2006-2007, trung bình mỗi năm có 20 trường được thành lập, còn từ năm 2008 đến nay, trung bình 11 trường/năm.
Số lượng trường mới thành lập tăng dần đều, trong khi điều kiện bảo đảm chất lượng ở các trường này, như thừa nhận của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, còn rất kém. Ông Luận cho biết qua thanh tra một số trường cho thấy có những trường mở tới 10 ngành nhưng chỉ có 50 giảng viên cơ hữu, mỗi ngành chỉ có 2 – 3 giảng viên, chưa bằng một trường THPT tốt; diện tích sử dụng trên một sinh viên chỉ có 0,9 m2, cơ sở vật chất hoàn toàn thuê mướn.
Điều này giải thích vì sao một số trường không thu hút được thí sinh. Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định: “Thí sinh và phụ huynh có quyền lựa chọn trường học và chắc chắn họ sẽ không chọn những trường chất lượng kém”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói: “Ba công khai” đã được các trường thực hiện nhưng vẫn còn hạn chế và vẫn chưa thành lập mới được cơ quan đánh giá chất lượng”.
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Y Dược TPHCM năm 2011. Ảnh: TẤN THẠNH
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định năm học 2012-2013, bộ sẽ quan tâm đặc biệt đến chất lượng giáo dục ĐH. Ngay sau tháng 10, bộ sẽ triển khai đồng loạt việc thanh – kiểm tra các điều kiện bảo đảm chất lượng ở các trường ĐH, CĐ trên cả nước, trước mắt là những trường mới thành lập trong vòng 10 năm trở lại đây.
Ông cũng khẳng định sẽ điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh của các trường trên cơ sở số lượng giảng viên và điều kiện cơ sở vật chất. Việc điều chỉnh này không chỉ đối với hệ không chính quy mà cả với hệ chính quy. “Thời gian qua, việc giao chỉ tiêu của bộ chưa chính xác, có những trường được tăng chỉ tiêu một cách “đột biến”, rất nhanh. Đối với những trường hợp này sẽ phải điều chỉnh lại” – bộ trưởng thừa nhận.
Mùa tuyển sinh năm 2011 ghi nhận rất nhiều trường ĐH đa ngành không tuyển được thí sinh, thậm chí có nhiều ngành “trắng” thí sinh dẫn đến hàng loạt ngành học có nguy cơ đóng cửa. Lãnh đạo một trường ĐH lớn cho rằng việc giao cho các sở GD-ĐT kiểm tra thực tế, xác nhận các điều kiện mở ngành đào tạo là chưa hợp lý, việc thẩm tra lẽ ra phải là của bộ. Ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, thừa nhận đội ngũ cán bộ theo dõi khối đào tạo của các sở GD-ĐT địa phương còn mỏng, thiếu kinh nghiệm nên triển khai chậm, lúng túng…
Cam kết đổi mới
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết trong mùa tuyển sinh năm 2012 sẽ có những nghiên cứu căn cơ để đổi mới tuyển sinh. Bộ sẽ giao 2 ĐH quốc gia và một số trường ĐH trọng điểm chủ động nghiên cứu phương án cải tiến tuyển sinh để trình bộ, phương án nào đáp ứng yêu cầu sẽ được triển khai. Ba yêu cầu được bộ trưởng đặt ra cho các trường là: Không tái diễn tình trạng luyện thi tràn lan, đặc biệt là luyện thi cấp tốc sau kỳ thi tốt nghiệp THPT; có cơ chế để tập thể nhà trường, xã hội và cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát; bảo đảm công bằng, nghiêm túc.
Trước việc các ngành sư phạm ngày càng khó tuyển sinh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận dù đã có những ưu đãi, phụ cấp sau khi tốt nghiệp nhưng vẫn không giải quyết được tình trạng này. Bên cạnh việc Bộ GD-ĐT cùng các ngành liên quan sẽ bàn bạc để có những giải pháp vĩ mô, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu hiệu trưởng các trường sư phạm, trưởng khoa sư phạm các trường suy nghĩ đào tạo, tổ chức tuyển sinh thế nào để trước hết trong phạm vi ngành sư phạm không để xảy ra những bất cập.
Siết hệ không chính quy
Việc tỉnh Nam Định từ chối tuyển dụng cử nhân ngoài công lập cũng là vấn đề nóng tại hội nghị lần này. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng cách làm nói trên là vi phạm pháp luật nhưng ở khía cạnh “nội bộ”, cần phải xem lại về chất lượng đào tạo. Ông cho biết sẽ kiên quyết giảm chỉ tiêu hệ không chính quy của các trường để nâng cao chất lượng đào tạo.
Năm 2010, chỉ tiêu hệ không chính quy bằng khoảng 80% của hệ chính quy, năm 2012, chỉ tiêu này chỉ còn 60%.
“Nhiều trường sốc, có công văn đề nghị chúng tôi được giữ nguyên nhưng chúng tôi kiên quyết phải giảm” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.
Theo Yến Anh
(NLD)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)