Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đề Toán “hay”, nhưng chưa phân loại tốt

Tạp Chí Giáo Dục

Hai thầy giáo nổi tiếng, kinh nghiệm lâu năm ở bộ môn Toán học, bậc phổ thông trung học của Hà Nội có chung nhận xét, đề thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội phù hợp với trình độ đại trà của học sinh, nhưng chưa phân loại tốt ở khu vực khá – giỏi.
Ảnh minh họa
 Đề thi toán hay nhưng chưa đủ sức phân loại học sinh
Thầy Nguyễn Thượng Võ, nguyên giáo viên Toán trường THPT Hà Nội – Amsterdam
Đề thi rất phù hợp với trình độ đại trà của các em học sinh lớp 9. Các bài đều ra rất cơ bản, chỉ có bài 5 là hơi khó chịu, và bài 4 là hơi khó hơn một tẹo.
Với đề thi này, nói chung học sinh sẽ có tâm trạng phấn khởi vì làm được bài. Đó cũng là cái hay, vì không khí chung sẽ là tích cực chứ không nặng nề.
 Tuy nhiên, các học sinh và phụ huynh phải tỉnh táo vì tâm trạng “làm được bài” là tình trạng chung (đề dễ với mình thì cũng không khó với người khác). Tình trạng thí sinh phấn khởi, nếu ở trong một kỳ thi tốt nghiệp thì không sao, nhưng đối với một kỳ thi tuyển sinh thì có thể là “nguy hiểm”, vì giữa các thí sinh còn phải có sự cạnh tranh, chọn – loại.
Với học sinh đại trà, đề kiểu này tôi thấy hay ở chỗ không có gì lắt léo, không đánh đố trẻ con.
Với học sinh khá – giỏi, đề thi này quả thật là dễ, chưa tạo điều kiện để các em được thể hiện khả năng của mình. Như tôi nói, chỉ có bài cuối là có thể phân loại học sinh, mà chỉ được 0,5 điểm – không đáng kể gì. Cho nên, sẽ không nhìn thấy được sự chênh nhau giữa học sinh khá và giỏi, giỏi và xuất sắc.
Đề thi như vậy, các em học giỏi thậm chí còn có thể thiệt nếu không làm tốt ở khâu trình bày.
Với các trường, có thể sẽ hơi khó khi tuyển chọn học sinh, nhất là các trường top đầu.
Điểm thi sẽ hơi cao, học sinh trung bình khá cũng có thể được 8 điểm.
Thầy Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội
Đề thi nhìn tổng quan không khó. Không có câu nào thực sự khó khăn.
Đề thi ra rất cơ bản, và tôi cho rằng đây là một đề khá hay – xét theo mục đích ra đề cho học sinh đại trà ở rất nhiều loại trình độ.
Về cách thức ra đề thì hơi “chân chỉ hạt bột”, chưa thực sự hấp dẫn lắm. Cụ thể:
Câu 5 (hằng đẳng thức) ra hay. Ở chỗ nếu phát hiện ra dấu “=” và biết cộng 2 bất đẳng thức vào nhau thì giải được, nếu không thì cũng lúng túng.
Câu 4 (hình học) về tứ giác nội tiếp là kiến thức cơ bản. Cách ra rất sư phạm và thông minh. Ý 1 gợi ý cho ý 2. Tuy nhiên, câu này cắt ra nhiều ý nhỏ quá, hơi lắt nhắt nên chưa hay lắm.
Câu 2 (giải hệ phương trình) và câu 3 (parabol) thuộc dạng câu quá quen thuộc. Cách ra đề không có gì mới mẻ từ năm này qua năm khác và cách giải đã thành chuẩn. Nhất là câu 3 rất ít độ hóm hỉnh, thú vị của Toán học.
Ra đề phải là một nghệ thuật. Nên update 1 tý. Các bài giải trong sách cũng nhiều và thành quen, nhiều khi cách giải theo công thức – trình tự có sẵn. Cho nên nếu thêm chút các kỹ năng làm Toán, các phương pháp "Toán học" ngoài những kết cấu đề như đã có sẵn từ lâu sẽ thú vị hơn.
Đề thi này, với học sinh bình thường là hay, phù hợp. Có thể hơi dài một tý. Nhưng không phân biệt được trong nhóm học sinh giỏi với nhau. Để dùng tuyển sinh đầu vào ở các trường top đầu thì không tốt.
Với học sinh Hà Nội mở rộng, phổ điểm trung bình sẽ khoảng 5-6 điểm. Điểm từ 7-8 trở lên cỡ khoảng 30%. Điểm 10 cũng sẽ nhiều. 
Theo Minh Phương
(VnMedia)

Bình luận (0)