Những ngày tới, học sinh tại nhiều tỉnh thành trong cả nước sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2011-2012.
Học sinh lớp 9 Trường THCS Kim Đồng, Q.5, TP.HCM trong giờ ôn thi chuẩn bị kỳ thi tuyển sinh lớp 10 – Ảnh: Như Hùng
|
Số lượng thí sinh tham dự kỳ thi này trong cả nước rất lớn. Chỉ riêng tại TP.HCM, sẽ có 50.207 thí sinh dự thi tại 96 hội đồng thi.
TP.HCM: tỉ lệ phân hóa 7/3
Theo ban giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nội dung đề thi sẽ nằm trong chương trình THCS, chủ yếu là kiến thức của lớp 9. Trong đó, trung bình mỗi môn thi sẽ có khoảng 70% nhằm kiểm tra kiến thức cơ bản của thí sinh, 30% còn lại là những câu hỏi khó nhằm phân loại trình độ học sinh, đòi hỏi thí sinh phải tư duy, có khả năng suy luận và sáng tạo.
Riêng đề thi các môn chuyên sẽ khó hơn để chọn những học sinh thật sự có khả năng vào học lớp chuyên. Cấu trúc đề thi môn chuyên sẽ có khoảng 60% số lượng câu hỏi về kiến thức cơ bản và 40% còn lại là những câu hỏi tư duy.
Ông Quách Tú Chương – chuyên viên môn toán Sở GD-ĐT TP – cho biết đề thi môn toán sẽ ra theo dạng tự luận. Trong đó, phần đại số sẽ có khoảng bốn bài toán (chiếm 6,5 điểm), phần hình học có một hoặc hai bài toán (chiếm 3,5 điểm). Mặc dù nội dung đề thi chủ yếu là chương trình lớp 9 hiện hành, tuy nhiên vì môn toán có tính hệ thống nên học sinh nên ôn lại các kiến thức toán ở lớp trước.
Ông Chương khuyên thí sinh cần đọc đề thật kỹ trước khi làm bài. Thông thường các câu hỏi độc lập với nhau nên nhắm thấy câu nào làm được thì làm trước, không nhất thiết phải làm theo thứ tự; nên làm vào giấy nháp thật kỹ rồi mới ghi vào giấy thi.
Ở môn ngữ văn, cấu trúc đề thi sẽ bao gồm một câu hỏi kiểm tra kiến thức văn học (1 điểm), một câu hỏi là bài tập tiếng Việt (1 điểm), một câu nghị luận xã hội (3 điểm) và một câu nghị luận văn học (5 điểm). Theo ông Trần Tiến Thành – chuyên viên bộ môn ngữ văn Sở GD-ĐT TP.HCM, quan điểm của sở là ra đề theo hướng mở. Thí sinh được tự do trình bày quan điểm, ý kiến của mình nhưng không phải muốn viết gì thì viết, cần phải đảm bảo kỹ năng làm bài của từng thể loại văn.
Ở môn tiếng Anh, ông Vũ Vạn Xuân, thành viên hội đồng chuyên môn tiếng Anh Sở GD-ĐT TP.HCM, phân tích: “Đề thi tiếng Anh không khó như nhiều người vẫn nghĩ. Một bài thi tuyển sinh đúng chuẩn phải có tỉ lệ 7/3, tức là 70% kiến thức dành cho học sinh trung bình – khá và 30% kiến thức trong chương trình nhưng được nâng cao lên một chút dành cho học sinh giỏi và xuất sắc”.
Hà Nội: bám sát kiến thức cơ bản
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 khối không chuyên năm nay vẫn bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản của bậc THCS, trong đó chủ yếu là chương trình lớp 9. Đề thi có những câu hỏi mang tính phân hóa ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nếu học sinh bám sát kiến thức cơ bản, có kỹ năng trình bày rõ ràng, mạch lạc, chính xác thì có thể đạt ít nhất điểm 8-9.
Theo cô Nguyễn Thu Tâm – giáo viên Trường THCS Giảng Võ, Hà Nội, nhiều năm nay đề thi toán thường có khoảng năm bài, gồm các câu hỏi khác nhau. Các câu hỏi trong mỗi bài cũng có độ khó khác nhau. Nhưng thường những câu hỏi thật sự gọi là “nâng cao” chỉ có câu d bài hình và bài 5 (đại số). Tỉ lệ cho câu nâng cao khoảng 1-1,5 điểm. Vì vậy, nếu học sinh học chắc kiến thức cơ bản, nắm vững cách triển khai các dạng toán thì có thể đạt điểm 8-9.
Một số thầy cô giáo dạy toán của các trường THCS tại Hà Nội phán đoán: các em học sinh nên thận trọng với bài 1 của đề thi toán. Thường thì đây là bài dễ nhất, giúp học sinh gỡ điểm. Nhưng bài có 3-4 câu hỏi nhỏ. Nếu học sinh không cẩn thận làm câu nhỏ 1 bị sai thì sẽ kéo theo các câu nhỏ khác trong bài cũng bị sai. Vì các câu hỏi nhỏ thường có liên quan với nhau.
Ở môn văn, theo cô Phạm Tú Anh – giáo viên Trường THCS Đống Đa, Hà Nội, đề thi năm nay có thể sẽ có tính phân hóa cao hơn năm trước.
Để làm tốt, học sinh cần nắm vững nội dung tóm tắt phần tác giả, tác phẩm văn học có trong chương trình lớp 9. Bởi trong đề thi văn chắc chắn sẽ có nhiều câu hỏi nhỏ kiểm tra hiểu biết của học sinh về tác giả, tác phẩm. Ví dụ kể tên tác giả, tác phẩm theo một chủ đề nào đó; cho một đoạn văn, hoặc thơ, yêu cầu học sinh cho biết tên tác giả, tác phẩm, giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm đó.
Đề cũng có thể có những câu hỏi trực tiếp vào các chi tiết, nhân vật của một tác phẩm. Ngoài việc ghi nhớ tóm tắt về tác phẩm, để có thể làm tốt các câu hỏi liên quan đến tác giả, tác phẩm, khi ôn tập học sinh cần trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa dưới các đoạn trích.
Lịch thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM
Ngày thi
|
Buổi
|
Môn thi
|
Thời gian
làm bài |
Giờ bắt đầu làm bài
|
21-6
|
Sáng
|
Ngữ văn
|
120 phút
|
7 giờ 30
|
Chiều
|
Ngoại ngữ
|
60 phút
|
14 giờ 30
|
|
22-6
|
Sáng
|
Toán
|
120 phút
|
7 giờ 30
|
22-6
|
Chiều
|
Môn chuyên
|
120 phút / 150 phút
|
14 giờ 30
|
* Cần Thơ: 1.244 thí sinh thi vào trường chuyên
Ông Võ Đức Chỉnh – hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ – cho biết năm nay tổng cộng có 1.244 thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT chuyên Lý Tự Trọng.
Các thí sinh sẽ thi tuyển vào các lớp chuyên toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, tiếng Anh (chỉ tiêu tuyển sinh chung cho tất cả các môn là 35 học sinh/môn) trong hai ngày 20 và 21-6 tại Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng và Trường THCS An Thới.
Thanh Xuân
* Bình Định: tuyển 12.000 học sinh
Sở GD-ĐT Bình Định đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 (hệ không chuyên) của các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh năm học 2011-2012. Theo đó, năm nay cả tỉnh Bình Định sẽ tuyển hơn 12.000 học sinh vào học lớp 10 tại 32 trường THPT công lập (hệ không chuyên), chiếm hơn 46% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS của cả tỉnh.
Trong đó, các thí sinh ở TP Quy Nhơn và các huyện đồng bằng, trung du của tỉnh sẽ thi tuyển, còn thí sinh ở ba huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão sẽ áp dụng hình thức xét tuyển vào lớp 10 công lập.
XUÂN NGUYÊN
|
Theo TTO
Bình luận (0)