Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Năm học tới, các trường phải công bố đào tạo chuẩn

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

 

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị “Xây dựng và hoạt động của các trường ĐH, CĐ mới thành lập từ năm 1998-2008” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Nhiều trường “vượt mặt” Bộ về tuyển sinh

Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ ĐH & SĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, tính từ năm 1998 đến nay, sau 10 năm tổng số trường ra đời là 78 ĐH, 130 CĐ. Nhờ đó, tổng số giảng viên ĐH, CĐ của cũng tăng lên gấp 2 lần, hiện nay là hơn 56 nghìn người. Các trường mới thành lập này chủ yếu là các trường tư thục. Với sự phát triển này, đã khẳng định được công tác xã hội hóa giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, theo khảo sát và điều tra của Bộ GD&ĐT về hoạt động của các trường tư thục mới thành lập này đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Hầu hết, các trường đều rất nghèo nàn về trang thiết bị, phải đi thuê mướn, chưa đảm bảo đúng như đề án thành lập trường như trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân, CĐ Ngoại ngữ – Công nghệ Việt Nhật, CĐ Đông Du…

Đặc biệt, nhiều trường đã buông lỏng quản lý, không nắm vững quy chế, dẫn đến sai sót, lúng túng trong điều hành. Cá biệt có một số trường “vượt mặt” Bộ GD&ĐT về tuyển sinh như trường CĐ bán công Công nghệ và Quản trị Doanh nghiệp tuyển sinh, đào tạo và cấp phát bằng cho 5 ngành đào tạo khi chưa có quyết định mở ngành; CĐ Đông Du thông báo tuyển sinh ngành XD Cầu đường khi chưa có quyết định mở ngành… Đặc biệt, đã có 17 trường bị xử phạt hành chính tuyển sinh vượt chỉ tiêu trên 20% trong 2 năm liền như trường CĐ Kinh tế Công nghiệp TPHCM, ĐH DL Hùng Vương, ĐH DL Văn Lang, ĐH Tây Đô, CĐ Công nghệ Thành Đô, CĐ Nguyễn Tất Thành…

CĐ Kinh tế – Công nghệ TP.HCM 3 năm liền đều vượt trên 70% chỉ tiêu. Các trường ĐH DL Cửu Long, C Đ Trí Đức, CĐ Kỹ thuật Đông Du đã thông báo tuyển sinh cả những ngành chưa được Bộ giao nhiệm vụ đào tạo.

“khai man” về số lượng giảng viên

Ông Trần Bá Giao, Phó Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, qua hoạt động kiểm tra, thanh tra Bộ GD&ĐT đã phát hiện các hiện tượng một số trường báo cáo không chính xác số lượng giảng viên cơ hữu khi đăng ký mở ngành đào tạo.

Ví dụ như trường ĐH Tư thục Công nghệ thông tin Gia Định được phép tuyển sinh 7 ngành nhưng hiện nay chỉ có 1 giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ, ĐH DL Phú Xuân được phép tuyển sinh 12 ngành nhưng chỉ có 3 giáo viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ.

Thậm chí có trường như CĐ Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân khi đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh đã báo cáo năng lực không chính xác, vượt quá năng lực thực tế của trường rất nhiều. Trong tờ trình số 02/TTr – C Đ VX ngày 26/2/2008, của trường có ghi giảng viên cơ hữu tại trường gồm: 20 tiến sĩ, 105 thạc sĩ, 62 cử nhân nhưng số lượng giảng viên cơ hữu theo bảng lương thực tế có 18 người, trong đó có 1 tiến sĩ, 6 thạc sĩ, 11 cử nhân. Nên khi Bộ giao chỉ tiêu, trường đã không đủ khả năng đào tạo và liên kết với một số cơ sở không có chức năng đào tạo để đào tạo TCCN.

Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Đông Du, có 6 giảng viên cơ hữu là cử nhân đại học ngành kế toán nhưng đào tạo 850 sinh viên cao đẳng ngành kế toán. ĐH Phạm Văn Đồng, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ quá ít, toàn trường chỉ có 2 tiến sĩ, chiếm tỷ lệ 0,93%; CĐ Công nghiệp Huế, có 133 giảng viên cơ hữu nhưng chưa có giảng viên có trình độ tiến sĩ, chỉ có 26 giảng viên có trình độ thạc sĩ, chiếm tỷ lệ 19,5%; CĐ Viễn Đông đội ngũ giảng viên cơ hữu chỉ có 16 người, chưa đảm bảo yêu cầu so với quy mô đào tạo hiện tại của trường và chỉ tiêu tuyển sinh trong năm tới…

Đặc biệt, ĐH DL Phú Xuân tuyển sinh đào tạo trình độ đại học ngành Tài chính – Ngân hàng trong khi mới có một giảng viên vơ hữu có trình độ cử nhân đại học.

Ông Trần Bá Giao cho biết, thiếu giảng viên như thế nên chương trình chi tiết của nhiều trường còn sơ sài, không đảm bảo cấu trúc, khối lượng kiến thức ngành và chuyên ngành như trường ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An, CĐ Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân, ĐH Đại Nam, ĐH Quốc tế Bắc Hà, CĐ Cộng đồng Hà Nội, ĐH DL Cửu Long, CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Bình Dương…

Năm học tới, các trường phải công bố đào tạo chuẩn

Bà Trần Thu Hà đưa ra giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém của các trường là phải có cơ chế xử lý đối với các trường sau 3 đến 5 năm thành lập không đáp ứng dủ các tiêu chí, điều kiện của một trường ĐH, CĐ. Đối với các trường không đảm bảo các điều kiện tối thiểu đảm bảo chất lượng có thể ngừng tuyển để củng cố.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và giám sát. Đặc biệt là các trường hợp vi phạm quy định về tuyển sinh, về khai man số lượng giảng viên.

Ông Trần Bá Giao thì kiến nghị Bộ GD&ĐT cần kiên quyết chấm dứt tình trạng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ đầu tư xây dựng nhà trường, dẫn đến giảm sút chất lượng đào tạo, gây lãng phí lớn cho xã hội và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của nhà trường, uy tín của cả mạng lưới giáo dục.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, thời gian tới, các trường phải đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên, tìm mọi cách thu hút người giỏi làm giảng viên đại học và đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ này. Sắp tới Bộ sẽ ban hành quy chế giảng viên đại học, quy chế đào tạo tiến sĩ áp dụng chung cho cả hệ thống trường công lập và ngoài công lập.

Từ năm học tới, tất cả các trường phải công bố chuẩn đào tạo, nêu rõ một kỹ sư, cử nhân sau khi tốt nghiệp sẽ có khả năng làm gì. Từ chuẩn đào tạo sẽ quy định mục tiêu đào tạo, chương trình đào tạo và cả giáo trình cũng như trình độ của giảng viên đảm nhận trách nhiệm đào tạo.

Trên cơ sở các báo cáo công khai của tất cả các trường, Bộ sẽ lập một website riêng cho người dân hiểu và nắm rõ thực trạng, hiệu quả đào tạo của từng trường, từng chuyên ngành để lựa chọn.

Năm học 2007-2008, cả nước có 1,6 triệu sinh viên ĐH, CĐ (gần 1,2 triệu sinh viên ĐH) và đạt 188 SV/1 vạn dân.

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Hồng Hạnh (theo dantri)

 

Bình luận (0)