Hội nhậpThế giới 24h

“Hãy cứu chúng tôi!”

Tạp Chí Giáo Dục

Công tác cứu hộ tại Philippines càng thêm ngặt nghèo vì áp thấp nhiệt đới Zoraida sẽ ảnh hưởng đến nhiều khu vực mà siêu bão Haiyan vừa tàn phá

Giữa khung cảnh tan nát, không chỉ phải chịu đựng thiếu thốn về cái ăn, cái uống, những người sống sót sau bão Haiyan còn đau đớn vì bị chia cắt khỏi thế giới. Họ không biết làm sao để tìm người thân, làm sao để báo cho gia đình biết mình may mắn còn sống.
Còn sống hay đã mất ?
Họ chỉ còn biết bấu víu vào các phóng viên, cầu xin chuyển đi chút tin tức. Trong số những phóng viên đầu tiên đến được Leyte, một trong 2 tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất sau bão, có ông Jiggy Manicad của đài truyền hình GMA. Trên đường trở về Tacloban, ông được dúi đầy những mảnh giấy – hoặc bất cứ thứ gì viết được – nguệch ngoạc tên người viết, nơi họ sống, người thân là ai.
Một người mẹ ôm con lặng lẽ khóc khi được cứu lên trực thăng của không quân Philippines hôm 11-11 Ảnh: AP
“Một người viết vỏn vẹn “Còn sống” cùng tên mình lên một cái đĩa giấy. Họ thậm chí còn viết lên chiếc hộp nhỏ tôi mang theo” – Manicad kể. Ông đã cố gắng scan lại hết số thông điệp này và tải lên mạng để độ lan tỏa rộng hơn.
Nhà báo Erel Cabatbat của kênh TV5 ở thủ đô Manila cũng nhận lấy sứ mệnh tương tự. Ám ảnh Cabatbat nhất là câu chuyện về một bác sĩ đã đi bộ 5 km từ ngôi nhà đổ nát đến trạm cứu hộ dã chiến tại sân bay Tacloban. “Ông ấy ướt đẫm, nhòe nhoẹt bùn và chỉ hỏi tôi có thể chuyển giùm tin tức đến con cái ông ở Cebu hay không. Tôi đã gửi tin nhắn đến họ và đăng tin lên Twitter. May mà họ gọi lại và giờ đang đến Tacloban để đón cha mình” – Cabatbat kể.
Bên ngoài trụ sở đài GMA và căn cứ không quân Jesus Villamor ở Manila là hàng dài người chầu chực ngày đêm ngóng chờ tin tức người thân. Trong khi đó, người Philippines ở nước ngoài lùng sục nhiều trang Facebook và các trang mạng trao đổi thông tin lớn để tìm danh sách người sống sót.
Chạy đua cứu trợ
Ngày 12-11, chính phủ Philippines xác nhận đã có 1.774 người chết, 9,8 triệu người bị ảnh hưởng, hàng ngàn người bị thương và hơn 660.000 người mất nhà cửa sau bão Haiyan. Tại nhiều nơi, người ta phải chôn tập thể các nạn nhân nhưng nhiều thi thể vẫn còn ngổn ngang trên vệ đường, trong những đống bê-tông, gạch đá. Đến 2,5 triệu người đang cần viện trợ lương thực, trong đó có 300.000 phụ nữ mang thai và vừa sinh con.
Ô nhiễm trở thành mối lo mới ở Tacloban. Những người sống sót uống bất kỳ chút nước nào họ tìm thấy, bất kể chúng lẫn các mảnh vỡ hay ô nhiễm bởi xác người vương vãi. Ngoài ra, tình trạng tù nhân vượt ngục cũng làm đau đầu chính quyền Tacloban.
Guồng quay cứu trợ của cộng đồng quốc tế cũng ngày càng gấp rút. Bộ Quốc phòng Mỹ đã lệnh cho tàu sân bay USS George Washington – có 5.000 thủy thủ và hơn 80 máy bay – đến Philippines cùng một số tàu tuần dương, khu trục khác. Tàu khu trục HMS Daring của Anh đang chạy hết tốc lực đến Philippines và nước này đã nâng số tiền hỗ trợ từ 6 triệu bảng lên 10 triệu bảng. Quỹ ứng phó khẩn cấp của Liên Hiệp Quốc đã chi 25 triệu USD, trong khi Nhật Bản quyết định tặng 10 triệu USD.
Tuy nhiên, công tác cứu hộ chắc chắn sẽ thêm khó khăn vì áp thấp nhiệt đới có tên Zoraida đã đổ bộ đảo Mindanao sáng 12-11, buộc hơn 760 người phải sơ tán. Dự báo trong những ngày tới, Zoraida sẽ ảnh hưởng đến nhiều khu vực mà Haiyan vừa quét qua và có khả năng mạnh lên thành bão. Chưa hết, cũng trong ngày 12-11, một trận động đất mạnh 4,5 độ Richter xảy ra tại đảo Bohol, tỉnh thuộc vùng Visayas, nơi Haiyan vừa tàn phá.
Nỗi đau của Philippines bao trùm hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu khai mạc ngày 11-11 tại Warsaw – Ba Lan. Trưởng đoàn đại diện Philippines Naderev Sano cho biết ông sẽ tuyệt thực trong suốt hội nghị nhằm chống lại việc “không hành động” trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. “Chúng tôi, với tư cách một quốc gia, không chấp nhận một tương lai mà những siêu bão như Haiyan trở thành một phần cuộc sống” – ông Sano phát biểu.
Khẩn trương cứu trợ người Việt ở Tacloban
Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Philippines ngày 12-11 cho biết có khoảng 100 người Việt đang sống tại TP Tacloban, tỉnh Leyte. Thông qua đường dây nóng +00639982756666, ĐSQ đã liên lạc được với những công dân Việt Nam đang mắc kẹt và đề nghị họ tập trung tại trung tâm thành phố để tiện cứu hộ. Hiện có khoảng 30 người Việt đang cần cứu trợ.
Đại sứ Việt Nam tại Philippines Trương Triều Dương cho biết ĐSQ đã liên hệ khẩn cấp với quân đội Philippines, đề nghị được đến hiện trường trực tiếp cứu trợ cho bà con. Quân đội Philippines hứa sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ ĐSQ mang hàng cứu trợ bằng máy bay chuyên dụng C-130 đến Tacloban. ĐSQ đã chuẩn bị sẵn sàng các nhu yếu phẩm cần thiết như thuốc men, quần áo, lương khô, mì gói…
Tuy nhiên, hệ thống liên lạc của Philippines chưa được thông suốt, các sân bay hầu như bị tàn phá nên số hàng cứu trợ sẽ đưa đến sân bay gần Tacloban nhất trước khi được vận chuyển bằng các phương tiện khác đến bà con.
Theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)