Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nhân lên nét đẹp nhà giáo

Tạp Chí Giáo Dục

Tình yêu nghề là động lực giúp các thầy cô giáo mang kiến thức truyền thụ cho học sinh. Giải thưởng Võ Trường Toản là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục của những người đưa đò thầm lặng. Năm nay, ngành GD-ĐT Q.3 vinh dự có ba nhà giáo được nhận giải thưởng Võ Trường Toản.

Trong niềm vui của cá nhân, các thầy cô đều tâm niệm: Giải thưởng là sự tôn vinh cá nhân nhưng để có được giải thưởng, đó là công sức, sự hỗ trợ hết mình của từng tập thể sư phạm nhà trường, và đặc biệt là sự chia sẻ, động viên, hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo phòng GD-ĐT quận nhà. Chính sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, của Phòng GD-ĐT, giúp cho các thầy cô luôn an tâm cống hiến, yêu nghề, mến trẻ.

Cô giáo mầm non miệt mài “gieo hạt”

Cô NguyễnThanh Thủy gần gũi, yêu thương trẻ

Một buổi chiều tháng 11, chúng tôi tìm đến Trường Mầm non Tuổi Thơ 7 (Q.3). Tiếng hát, tiếng cười vang lên rộn rã trong lớp học do cô Nguyễn Thanh Thủy đứng lớp. Những việc làm tỉ mỉ, cặn kẽ, thân thiện của cô Thủy đối với học sinh càng thể hiện tâm huyết của một cô giáo mầm non. 16 năm trước khi bỡ ngỡ bước vào nghề, cô Thủy không ngờ rằng mình lại yêu nghề đến vậy. Bao khó khăn, nhọc nhằn rồi cũng đi qua khi ngày ngày đến lớp, cô được nhìn thấy những ánh mắt, nụ cười quá đỗi hồn nhiên của các bé. Vì nhu cầu không ngừng đổi mới trong giáo dục mầm non, cô Thủy xác định mình phải tự trang bị những kỹ năng toàn diện cả về kiến thức, tâm lý giáo dục, khả năng tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích cho bé. Với những nỗ lực đó mà năm học này, cô Thủy vinh dự được nhận giải thưởng Võ Trường Toản.

Ai cũng biết dạy trẻ mầm non không hề đơn giản. Bởi, đối với các em cần vừa “dạy” vừa “dỗ”, phải thật nhẹ nhàng nhưng có lúc cũng cần phải dùng sự nghiêm khắc để trẻ dần đi vào nề nếp, biết vâng lời. 16 năm đi qua, tình yêu trẻ càng lớn dần lên trong cô. Biết tận dụng những mặt tích cực của mạng xã hội, cô Thủy kết nối với phụ huynh, làm cho mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình trở nên gắn bó hơn. Một cơn đau, một tâm lý khác ngày thường… của bất kỳ học sinh nào trong lớp, cô Thủy cũng nhanh chóng thông báo đến phụ huynh để cùng có sự phối hợp, chăm sóc trẻ.

Khi được hỏi “bí kíp” nào để được trẻ yêu thương, phụ huynh, đồng nghiệp quý trọng đến vậy, cô Thủy chỉ mỉm cười rồi nói: “Bài học được tôi rút ra trong quá trình công tác đó là phải thực sự yêu thương trẻ, kiên trì học hỏi và đúc rút kinh nghiệm. Tôi may mắn khi nhận được sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, gia đình, phụ huynh”. Với niềm tha thiết yêu nghề, mỗi ngày đi qua, cô Thủy dồn hết tâm huyết của mình để cố gắng làm sao mỗi ngày đến trường của trẻ là một ngày vui.

Nỗ lực vì học sinh thân yêu

Cô Đinh Thị An Hậu trong một giờ lên lớp

Với tấm lòng yêu trẻ, sự tận tâm, nhiệt huyết với nghề, nhiều thầy cô giáo không ngừng nỗ lực tìm ra những phương pháp giảng dạy mới, linh hoạt, kết hợp giữa học và chơi tạo nên cảm hứng thích thú cho học sinh. Miệt mài lao động, ươm mầm những ước mơ, năm 2017, cô Đinh Thị An Hậu (giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thiện Thuật, Q.3) là một trong những giáo viên vinh dự được nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017. 21 năm công tác tại trường, cô Hậu đã minh chứng một điều rằng chỉ cần dốc hết tâm huyết của mình với nghề thì sẽ có ngày nhận về trái ngọt.

Thông qua những tiết học và đồ dùng trực quan sinh động, cô Hậu cùng nhà trường giúp trẻ phát triển trí tuệ, đạo đức thẩm mỹ, ngôn ngữ, thể chất… Những sáng kiến kinh nghiệm của cô luôn được nhà trường đánh giá cao, mang nhiều tính thực tiễn. “Học sinh tiểu học vốn hiếu động và ham chơi. Do đó, để các em tập trung vào việc học đòi hỏi kỹ năng dạy của mình phải thật tốt. Trong mỗi tiết học cần phải tạo tâm lý thoải mái, những bài học phải sinh động, lôi cuốn các em”, cô Hậu cho biết. Bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, cô còn dành thời gian tìm hiểu tâm lý, chia sẻ cùng học sinh của mình. Biết nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự quan tâm của gia đình ngay từ những ngày thơ ấu, cô Hậu tìm mọi cách để gần gũi với các em. Khó khăn đi qua, niềm vui ở lại khi chứng kiến nhiều học sinh ngỗ nghịch, ham chơi đã có những chuyển biến tích cực. Giải 3 cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp TP năm học 2015-2016, giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017 là động lực to lớn để cô Hậu tiếp tục nuôi dưỡng lòng yêu nghề. Không chỉ làm tốt chuyên môn, cô Hậu còn tích cực trong các hoạt động Công đoàn của trường. Cô luôn quan tâm gần gũi đồng nghiệp, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, động viên mọi người chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau để thành một tập thể đoàn kết thống nhất. Khiêm tốn khi nói về mình, cô Hậu đem đến cho người đối diện cảm giác tin tưởng, hòa đồng. “Phải làm trẻ thương, trẻ tin thì mọi khó khăn khi đứng lớp sẽ xoay chuyển theo chiều hướng tích cực mỗi ngày. Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn dành trọn tình yêu với nghề sư phạm”, cô Hậu bộc bạch.

Người thầy giản dị

Thầy Đổng Cơ luôn tận tâm trong từng bài giảng của mình

Đâu đó giữa dòng đời này, hình ảnh những người thầy giản dị không khó để tìm thấy. Ngày qua ngày, họ miệt mài với bục giảng, trăn trở làm sao để học sinh được phát triển trong một môi trường giáo dục thân thiện, gần gũi. Thầy Đổng Cơ (giáo viên môn vật lý Trường THCS Hai Bà Trưng, Q.3) là một trong số những người thầy như thế.

Tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, yêu nghề. Đó là những lời nhận xét của bạn bè, đồng nghiệp và các em học sinh dành cho thầy Cơ. Với bề dày kinh nghiệm đứng trên bục giảng và nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành, thầy Cơ vẫn giữ lòng nhiệt huyết trong giảng dạy. Với tâm niệm, giáo viên chỉ là người định hướng, gợi mở giúp học sinh tự mày mò, thầy Cơ luôn cố gắng tìm tòi, chủ động đổi mới phương pháp dạy học. Không đi theo lối mòn của phương pháp dạy đọc – chép truyền thống, thầy Cơ chú trọng các tiết thực hành để từ đó nâng cao tính chủ động, tích cực của học sinh, tạo sự thoải mái khi tiếp thu bài học.

Hiểu tâm lý học sinh, thầy Cơ luôn tìm kiếm những thí nghiệm sát với đời sống thực tế, mang tính ứng dụng cao để những công thức, định luật khô khan của môn vật lý không còn là nỗi ám ảnh của nhiều em. Với sự sáng tạo, linh hoạt trong giảng dạy, những giờ học vật lý của thầy Cơ luôn tạo hứng thú, giúp các em phát huy năng lực sáng tạo và tư duy. Nhiều năm gắn liền với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, công tác Công đoàn, thầy Cơ được đồng nghiệp cũng như phụ huynh, học sinh có chung ấn tượng, đó là một thầy giáo dạy giỏi, giản dị và tâm huyết với nghề. Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017 là sự ghi nhận những nỗ lực bền bỉ của thầy. “Tôi luôn khuyến khích học sinh hãy làm những điều các em thích nhưng phải trong một giới hạn cho phép. Trước xu hướng công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, người thầy cần cập nhật tin tức, công nghệ mỗi ngày để có thể truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm đến học sinh nhiều hơn”, thầy Cơ chia sẻ.

34 năm làm người đưa đò, hơn ai hết, thầy Cơ hiểu được niềm vui của những người thầy đứng trên bục giảng là được nhìn thấy học trò của mình trưởng thành, vững tin vào đời. Niềm vui của người thầy giáo chỉ giản dị như thế thôi.

Thục Quyên

Bình luận (0)