Những động thái gần đây của Trung Quốc càng có lợi cho chính sách tăng cường quan hệ với ASEAN của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ đối thoại ASEAN – Nhật Bản cuối tuần này sẽ là cơ hội để Tokyo thắt chặt quan hệ với các nước ASEAN trong bối cảnh đối đầu Nhật – Trung đang leo thang.
Giới phân tích nhận định Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tận dụng dịp này để tìm kiếm sự ủng hộ từ ASEAN, nhất là những nước đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở biển Đông. Một nhà ngoại giao Philippines cho hãng tin Reuters biết nước chủ nhà đã đưa vào chương trình nghị sự vấn đề tranh chấp biển đảo và vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông (ECSADIZ) mà Trung Quốc mới đơn phương thiết lập.
ECSADIZ của Trung Quốc đã vấp phải phản ứng của cộng đồng quốc tế và khiến tình hình khu vực thêm căng thẳng. Nhật Bản là một trong những nước chỉ trích mạnh mẽ nhất ECSADIZ vì nó bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà nước này đang kiểm soát nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN ở Brunei hồi tháng 10-2013 Ảnh: EPA
Ông Jeffrey Kingston, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple (Nhật Bản), nói: “Chính những tham vọng của Bắc Kinh đã quyết định nội dung nghị sự cho Hội nghị Cấp cao ASEAN – Nhật Bản. Trung Quốc đang khiến nhiều quốc gia khác lo ngại”. Theo ông Kingston, chính sách tiến lại gần ASEAN của ông Abe đang hưởng lợi từ những động thái hung hăng của Trung Quốc.
Một số chuyên gia cho rằng ông Abe kỳ vọng các quốc gia ASEAN sẽ cùng Nhật Bản đưa ra thông điệp chính trị về tự do đi lại trên không và trên biển. Ông Ichiro Fujisaki, giáo sư tại Đại học Sophia (Nhật Bản), nhận định: “Việc thiếu vắng một thông điệp như thế có thể khiến những thành phần theo chủ nghĩa bành trướng bên trong Trung Quốc có thêm hành động khiêu khích”.
Ngoài việc tăng cường quan hệ trên mặt trận an ninh để làm đối trọng với Trung Quốc, Tokyo còn chuyển hướng đầu tư từ Bắc Kinh sang ASEAN do chi phí gia tăng. Theo thống kê, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN của Nhật đạt mức 14,4 tỉ USD năm 2012, cao hơn 0,9 tỉ USD so với khoản đầu tư vào Trung Quốc. Năm nay, sự chênh lệch này thậm chí còn cao hơn. FDI của Nhật vào ASEAN từ tháng 1 đến tháng 5 đạt 8,2 tỉ USD, gần gấp đôi mức 4,2 tỉ USD vào Trung Quốc.
Các nguồn tin chính phủ Nhật cho biết ông Abe còn dùng hội nghị để thúc đẩy quan hệ tài chính với ASEAN. Tokyo đang đặt mục tiêu mở rộng hoặc tái khởi động các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với 5 nước ASEAN.
Tăng cường quan hệ Việt – Nhật
Ngày 12-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 12 đến 15-12 theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe.
Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Nhật Bản (1973-2013). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong – Nhật Bản lần thứ 5.
Theo TTXVN, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, với mục tiêu góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư, viện trợ phát triển, phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế…
Theo NLĐ
Bình luận (0)