Gần 200 hiệu trưởng, hiệu phó từ 64 trường mầm non, tiểu học, THCS công lập trên địa bàn quận Tân Bình mới đây đã được tham gia trong 1 lớp học vô cùng đặc biệt – lớp học về kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông.
Quản lý khủng hoảng truyền thông trong trường học là kỹ năng quan trọng
Chuyên đề đặc biệt này được phòng GD-ĐT quận Tân Bình lần đầu tiên tổ chức. Ngoài trang bị các kỹ năng giao tiếp với truyền thông, qua việc được xử lý các tình huống giả định đặt ra như viết thông cáo báo chí; giả định xử lý tình huống với truyền thông xảy ra với nhà trường; giả định tình huống họp báo sự việc… đã giúp cán bộ quản lý các trường nhận thức đứng đắn việc ứng xử, giải quyết sự việc…
Ông Phan Văn Quang – Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình cho biết, trong quá trình quản lý, công tác quản lý của hiệu trưởng nhà trường có thể xảy ra rất nhiều tình huống như ngộ độc thực phẩm, bạo lực học đường, ứng xử của thầy cô… Tuy nhiên, từ thực tế xử lý các tình huống thấy được rằng hiệu trưởng, cán bộ quản lý nhà trường chưa có kỹ năng trong trao đổi thông tin với truyền thông, dẫn đến sự việc có thể vượt tầm kiểm soát, ảnh hưởng lớn đến uy tín của nhà trường, ngành giáo dục…
“Quản lý khủng hoảng truyền thông trong nhà trường là kỹ năng rất quan trọng, đòi hỏi cần phải trang bị cho đội ngũ một cách bài bản, để đứng trước các tình huống nhà trường có thể giải quyết, xử lý kịp thời, không để sự việc đi quá xa hoặc đẩy sự việc lên cao trào, không đúng với bản chất, đặc biệt là không để ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh và phụ huynh học sinh. Ngoài ra, qua buổi tập huấn còn giúp cho hiệu trưởng, hiệu phó có những kỹ năng truyền thông hoạt động của nhà trường, của ngành từ việc đổi mới phương pháp dạy học đến các mô hình giáo dục hiệu quả của trường, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của nhà trường, của ngành” – ông Quang nhận định.
“Chúng tôi có tâm thế cởi mở hơn”
Lần đầu tiên được trang bị các kỹ năng ứng xử khủng hoảng truyền thông trong trường học, thầy Ngô Đình Ân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Kịp, quận Tân Bình tâm đắc với những kiến thức bản thân được học.
Gần 40 năm công tác trong nghề giáo song thầy Ân thừa nhận, trước những tình huống trong trường học liên quan đến truyền thông thì bản thân cũng không thể nào có được kỹ năng ứng xử chuyên nghiệp, đôi khi còn lúng tâm, tâm lý chưa được cởi mở.
Theo thầy, trường học hiện chịu áp lực nhiều từ dư luận xã hội, với rất nhiều vấn đề như phương pháp dạy học, giáo dục học sinh, các khoản thu, an toàn thực phẩm, bạo lực học đường, an ninh an toàn trường học, chương trình nhà trường với tự nguyện, bắt buộc…
Mặc dù mọi công tác giáo dục đều được nhà trường thông tin, trao đổi rất kỹ với phụ huynh nhưng chỉ cần một phụ huynh nêu ý kiến lên mạng xã hội thì nhà trường vẫn đối diện với những khủng khoảng, ảnh hưởng đến công tác giáo dục của nhà trường, thậm chí là làm “nhụt chí” cán bộ quản lý…
“Trong bối cảnh hiện nay, cán bộ quản lý trường học ngoài việc nắm vững về đạo đức nhà giáo, quy tắc ứng xử trong trường học thì quan trọng không kém là cần phải nắm được những quy tắc ứng xử, xử lý khủng hoảng với truyền thông, báo chí khi có sự việc xảy ra. Qua buổi tập huấn, nhà trường biết cách ứng xử cụ thể hơn trước tình huống, để xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến nhà trường và ngành, đảm bảo quyền lợi của học sinh, phụ huynh…” – thầy Ân nhấn mạnh.
Cô Phạm Thị Thùy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, quận Tân Bình nhìn nhận, mọi sự việc xảy ra trong nhà trường đều xoay quanh quyền lợi của học sinh. Do vậy, cách giải quyết phải đảm bảo được quyền lợi của các em…
“Buổi tập huấn vô cùng ý nghĩa với cán bộ quản lý giáo dục. Những nghiệp vụ, kỹ thuật giúp cán bộ quản lý biết cách thực hiện những công việc liên quan đến truyền thông mà trước đây chưa nắm được. Điển hình là thái độ làm việc của hiệu trưởng nhà trường với báo chí khi có sự việc xảy ra, thẳng thắn trao đổi, đưa ra các giải pháp và thực hiện các giải pháp… để đảm bảo hàng đầu quyền lợi của học sinh”.
Trong khi đó, theo cô Trần Thị Kiều Nhung – Hiệu trưởng Trường Mầm non 9, quận Tân Bình hiện nay việc chăm sóc giáo dục trẻ trong nhà trường gặp nhiều áp lực từ phía phụ huynh, xã hội… Trước một tình huống nào đó xảy ra trong ngành giáo dục, dù không phải là từ nhà trường nhưng phụ huynh thường có tâm lý soi xét hơn với giáo viên, từ đó tác động lớn đến tâm lý của đội ngũ, thậm chí nhiều giáo viên mang tâm lý e dè…
“Buổi tập huấn rất bổ ích, giúp hiệu trưởng nhà trường có tâm thế cởi mở hơn với truyền thông khi nắm được các kỹ năng ứng xử với truyền thông, để từ đó nếu có tình huống xảy ra trong trường thì sẽ bình tĩnh, chủ động để xử lý những sự vụ, khủng hoảng. Giả sử, nếu có sự vụ ngộ độc thực phẩm trong nhà trường thì hiệu trưởng sẽ thẳng thắn đối diện, thông báo sự việc với phụ huynh để phụ huynh tiếp cận được thông tin chính thống nhất, tránh để sự việc bị dẫn dắt bởi mạng xã hội hoặc dư luận…” – cô Nhung nhìn nhận.
Yến Hoa
Bình luận (0)